Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thảo – khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vào buổi tối ngày 4/7, trên đường chở con đi về nhà tại Thôn 6, xã Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng thì thấy một người đàn ông (ông nội cháu bé) bế trên tay một cháu nhỏ sơ sinh 7 ngày tuổi đã ngừng thở, tím tái…, chạy đằng sau là một người phụ nữ (mẹ cháu bé) đang khóc thất thanh.
Trong tình huống đó, chị Thảo dừng xe lại giới thiệu là nhân viên y tế và nhanh chóng thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp… để cấp cứu cho bé.
Khi xe taxi tới, chị Thảo tiếp tục bế trẻ lên xe, liên tục hỗ trợ sơ cứu em bé trong suốt quá trình đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên để cấp cứu. Sau đó, Bệnh viện Thủy Nguyên đã chuyển cháu bé đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Điều dưỡng Thảo đang chăm sóc cho bệnh nhi. (Ảnh Bệnh viện cung cấp)
Theo chia sẻ của chị Thảo, khi sơ cứu cho cháu bé chị chỉ nghĩ đó là phản xạ nghề nghiệp để cứu giúp nạn nhân.
Được biết, chị Thảo học chuyên ngành về sơ sinh, kỹ năng sơ cứu khi trẻ bị sặc sữa là kỹ năng cơ bản mà chị đã được học và thực hành khi làm việc.
Chị Thảo đã rất bất ngờ khi video chị cấp cứu cho bé sặc sữa được đăng tải và lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, chị Thảo cho rằng việc sơ cứu cho bé trong hoàn cảnh trên là trách nhiệm, là điều đương nhiên của một người có chuyên môn.
Theo người nhà bệnh nhi, vào buổi tối 4/7, mẹ bệnh nhi đang cho con uống sữa thì bị sặc. Khi xảy ra việc sặc sữa, bố mẹ bệnh nhi đã hoảng loạn không biết cách xử lý. Rất may mắn, lúc đó chị Thảo đi qua và đã sơ cứu cho bệnh nhi.
Bố bệnh nhi cho biết, lúc bị sặc sữa, cơ thể con tím tái, ngừng thở.
Rất may, sau một tuần điều trị tại bệnh viện, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhi gần như trở lại bình thường. Chỉ số não bộ của trẻ đã về mức bình thường.
Bác sĩ CKII Vũ Đình Mai, Phó trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, người cấp cứu trong đêm cho bệnh nhi cho hay, trong tình uống trẻ bị sặc sữa, việc sơ cứu đúng cách từ phía người nhà là rất quan trọng để cứu sống trẻ. Trong hoàn cảnh này, người thân cần phải bình tĩnh, cho trẻ nằm nghiêng để hút hết dịch đờm dãi, sữa trong miệng trẻ, giúp trẻ dễ thở hơn. Trong quá trình sơ cứu, người nhà cũng cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho trẻ.