Cuối giờ chiều 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại hai địa phương này.
Ảnh: Trung Kiên
Số ca mắc COVID-19 tại TP Bắc Ninh tăng nhanh trong khi Thuận Thành đã giảm
Từ điểm cầu Bắc Ninh, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết số ca mắc của huyện Thuận Thành dù có tổng số ca mắc cao nhất toàn tỉnh (với 567 ca) nhưng đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, số ca mắc ở TP Bắc Ninh lại đang tăng cao với 274 ca mắc COVID-19 tại 14 phường với 43 khu phố.
Theo thống kê, số ca mắc ở Thuận Thành có xu hướng giảm đi khi ngày 29/5 ghi nhận 27 ca, ngày 31/5 là 15, đến hôm nay còn 7 ca. Còn số ca tại TP Bắc Ninh lại tăng lên khi 16/5 có 1 ca, 31/5 có 6 ca nhưng ngày 3/6 là 26 ca. Riêng hôm nay có tổng số 29 người mắc.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan cho biết Bắc Ninh và Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại địa phương thống nhất các phương án xử lý ổ dịch ở Bắc Ninh. Theo đó, ca mắc ở Thuận Thành và TP Bắc Ninh được chia thành 3 nhóm nguy cơ gồm: Trong vòng 7 ngày có ca F0 tại cộng đồng, 8-14 ngày có ca F0 và trên 14 ngày có ca F0, tính từ ngày 23/5. Các lực lượng thống tập trung xét nghiệm từng nhóm ở các thôn, xóm.
Không xét nghiệm diện rộng ồ ạt, điều phối nhân lực lấy mẫu cho hai "điểm nóng"
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Ninh cho biết, phương án xét nghiệm cho 3 nhóm (có ca mắc trong vòng 7 ngày; 8-14 ngày; trên 14 ngày) không phải là phương án xét nghiệm ồ ạt trên diện rộng, lãng phí nguồn nhân lực mà tập trung sàng lọc tại những nơi có nguy cơ cao để phát hiện các ca mắc COVID-19, "làm sạch nơi nguy cơ cao".
Ông Đức cho rằng, để giải quyết "bài toán" ở 2 địa phương là "điểm nóng" này, lấy mẫu có vai trò quan trọng. Tại Thuận Thành, những nơi có nguy cơ cao cần 100 nhân lực để lấy mẫu. Còn thành phố Bắc Ninh thiếu khoảng 300 người. Như vậy, các lực lượng vừa phải điều phối nhân lực lấy mẫu, vừa phải tăng công suất xét nghiệm (hiện toàn tỉnh công suất là 11.000 mẫu đơn tương đương 110.000 mẫu gộp 10).
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Đức nhận định dịch tại cộng đồng ở Bắc Ninh "rả rích" vì giãn cách chưa được triệt để. Tuy nhiên, 2 hôm nay, việc thực hiện giãn cách đã quyết liệt hơn. Với phương pháp xét nghiệm như hiện nay, theo ông Đức, nếu làm quyết liệt trong 7 ngày sẽ giảm ca mắc. Và cố gắng trong 14 ngày, Bắc Ninh chỉ còn lác đác ca mắc mới, không còn trong cộng đồng.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn cho biết ngày 4/6, Bắc Giang ghi nhận thêm 143 ca mắc Covid-19 đều trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa. Tỉnh đã xây dựng phần mềm giám sát, quản lý dịch COVID-19 cho doanh nghiệp và cấp mã QR-code để phục vụ công tác truy vết. Hiện Bắc Giang đã có 24 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trở lại với trên 6.000 công nhân, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất.
Tuân thủ quy định lấy mẫu, không để lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hai địa phương chấn chỉnh triệt để tình trạng tại các khu cách ly hay những thôn, xã bị phong tỏa, bên ngoài chặt nhưng bên trong lại có hiện tượng quản lý lỏng.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng kết hợp với lấy mẫu ngẫu nhiên; dựa vào các công cụ khai báo y tế, công cụ hỗ trợ để lựa chọn khu vực lấy mẫu sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Theo báo cáo, tại Bắc Giang, nhờ hệ thống hỗ trợ gọi điện tự động đã cung cấp được 536 trường hợp để mọi người trợ giúp y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Từ đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Bắc Ninh áp dụng phương pháp này để tầm soát ngoài cộng đồng hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Các giải pháp bố trí công nhân ở bên trong nhà máy chỉ mang tính tạm thời, sau đó địa phương, doanh nghiệp phải có phương án sắp xếp, bố trí lại chỗ ở của công nhân gắn với bố trí ca kíp sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu khi dịch đã qua giai đoạn cao điểm nóng, tình hình bắt đầu được kiểm soát, cần đẩy nhanh việc thí điểm cách ly tại chỗ, cách ly tại nhà và tự lấy mẫu xét nghiệm.
Với việc tự lấy mẫu, ngoài lo ngại về kỹ năng, có địa phương cũng không ngoại trừ việc nếu không kiểm soát tốt, sẽ có hiện tượng không trung thực. Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tập huấn hướng dẫn và giám sát việc lấy mẫu. Đặc biệt, phải lưu ý tuân thủ quy định lấy mẫu, không để lây nhiễm trong quy trình lấy mẫu, vì thực tế đã có trường hợp như vậy.