Mít chứa rất nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magie và nhiều chất dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe. Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của quả mít hầu như đều ăn được.
Trong Đông y, múi mít chín có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Mít và các bộ phận của cây mít có thể được tận dụng để làm thuốc giải rượu, trị mụn nhọt, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, trị nếp nhăn...
Lợi ích khi ăn mít
Mít có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe và cả làm đẹp, bao gồm:
Tăng cường hệ miễn dịch
Mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời, nên giúp tăng cường hệ miễn dịch rất hiệu quả.
Chống lại bệnh ung thư
Ngoài vitamin C, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như lignans, isoflavones và saponin. Đây là những loại chất có đặc tính chống ung thư và chống lão hóa.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Loại quả này chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp ngăn ngừa táo bón và đi tiểu dễ dàng hơn. Loại chất xơ này cũng có tác dụng loại bỏ các màng nhầy bám ở ruột, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già (đại tràng).
Tốt cho mắt và da
Mít có chứa nhiều vitamin A, một loại chất dinh dưỡng có tác dụng rất lớn trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt và làn da. Loại quả này có tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và bệnh quáng gà.
Bổ sung năng lượng
Mít được coi như là một trái cây giàu năng lượng do sự hiện diện của các loại đường như fructose và sucrose. Những loại đường này có thể giúp cơ thể bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức. Trong khi đó, mít lại không chứa chất béo bão hòa, cholesterol.
Tốt cho huyết áp và tim mạch
Kali chứa trong mít được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tốt cho sức khỏe xương
Mít rất giàu magie, một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến bộ phận này.
Ngăn ngừa thiếu máu
Mít cũng chứa nhiều chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và kiểm soát việc giúp lưu thông máu trong cơ thể. Đối với những người ăn kiêng, mít là loại trái cây tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt mà không sợ bị béo phì.
Người mắc những bệnh sau không nên ăn mít
Dù tốt nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn mít. Nhất là 4 nhóm người sau đây tốt nhất nên tránh xa loại trái cây ngon miệng này:
Gan nhiễm mỡ
Theo nghiên cứu, mít giàu dưỡng chất và nhiều vitamin tuy nhiên loại quả này chứa nhiều đường và không tốt cho gan. Chưa kể mít rất dễ gây nóng trong vì thế lời khuyên cho những người bị gan nhiễm mỡ là không nên ăn mít thường xuyên, thậm chí nên nói không với mít.
Suy thận mãn tính
Với những bệnh nhân bị suy thận mãn tính nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước nào.
Tiểu đường
Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn kiêng chất đường. Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructose và đường glucose, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.
Bệnh mãn tính
Lời khuyên cho những người mắc các bệnh mãn tính, tốt nhất chỉ nên xem mít là một món ăn thưởng thức cho vui miệng, chớ nên thường xuyên ăn loại quả này.
Khi ăn mít, xoài cần làm sạch nhựa, nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Với trẻ em và người cao tuổi nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn.
Sai lầm khi ăn mít
Ăn mít khi đang đói
Hàm lượng đường trong mít rất cao, nếu ăn vào lúc đói có thể gây tăng đường huyết đột ngột khiến hoa mắt chóng mặt. Đồng thời gây hại dạ dày dẫn đến các chứng đầy bụng, khó tiêu dễ gây bệnh dạ dày.
Phụ nữ mang thai
Nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn nhiều mít, nếu bạn muốn ăn chỉ nên ăn khoảng 3-4 múi mà thôi. Bởi mít gây nóng trong không tốt với mẹ bầu dễ làm cho mẹ bầu cảm thấy đầy bụng khó chịu, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, với những nam giới đang muốn sinh con thì không nên ăn nhiều mít bởi mít sẽ làm giảm bớt ham muốn của đàn ông.
Ăn quá nhiều mít
Mít là một loại quả thơm ngon ngọt lịm nên ai cũng thích ăn. Tuy nhiên bạn không nên ăn quá nhiều bởi chúng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, mít gây nóng trong người, đầy bụng và dễ gây mụn nhọt lở loét cho bạn. Vì vậy, một trong những nguyên tắc hàng đầu của việc ăn mít là không ăn nhiều mít cùng lúc.
Mỗi lần ăn mít, bạn chỉ nên ăn 80-100g mít tươi, tương đương 4-5 múi để không gây nóng gan thận, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ăn mít trước khi đi ngủ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì bạn chỉ ăn mít sau 1-2 giờ sau khi ăn bữa chính và không nên ăn vào buổi tối. Nếu bạn ăn buổi tối do mít chứa hàm lượng đường cao, sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.
Bên cạnh đó, khi bạn ăn mít vào buổi tối là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi nên việc tiêu hóa gặp chút khó khăn khiến bạn ngủ dậy vào sáng hôm sau vẫn cảm thấy mệt mỏi không tỉnh táo.