Suy buồng trứng sớm “thích” tấn công nhất là 4 kiểu phụ nữ

Nhiều người không biết rằng suy buồng trứng sớm không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Bác sĩ Lin Junhong đang làm việc tại Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đài Bắc thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc). Bà cho biết, chức năng buồng trứng của phụ nữ bình thường sẽ bắt đầu suy giảm khi họ khoảng 45 đến 50 tuổi, tức là khi mãn kinh. Còn nếu các chức năng của buồng trứng suy giảm hoặc ngừng hoạt động trước 40 tuổi thì được gọi là suy buồng trứng sớm.

Suy buồng trứng sớm “thích” tấn công nhất là 4 kiểu phụ nữ - Ảnh 1.

Ngoài khả năng sinh sản, suy buồng trứng sớm còn tác động xấu tới sức khỏe tổng thể, ngoại hình phụ nữ (Ảnh minh họa)

“Trên thực tế, mọi người chỉ biết suy buồng trứng sớm không tốt cho chức năng sinh sản ở nữ giới nhưng lại không hiểu ảnh hưởng chính xác như thế nào. Thậm chí, không điều trị kịp thời còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác, gây ảnh hưởng xấu tới ngoại hình và tốc độ lão hóa, tuổi thọ”. Cụ thể như:

- Khó thụ thai, thậm chí là vô sinh.

- Giảm hoặc mất ham muốn tình dục, đau đớn khi quan hệ tình dục.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, bao gồm cả ung thư.

- Suy giảm hệ miễn dịch và đẩy nhanh tốc độ lão hóa cơ thể.

- Tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bất thường lipid và bệnh tim mạch.

- Dễ bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ sớm.

Bà cũng bày tỏ sự quan ngại của mình trước tình trạng suy buồng trứng sớm ngày càng phổ biến và trẻ hóa nhanh trong xã hội hiện đại. Trong đó, có 4 nhóm phụ nữ rất dễ bị bệnh này tấn công, đó là:

1. Nạo phá thai nhiều lần hoặc mắc một số bệnh lý

Lin Junhong giải thích, nạo phá thai không an toàn, nạo phá thai nhiều lần cũng có thể làm rối loạn nội tiết tố và gây ra suy buồng trứng sớm. Phụ nữ mắc một số bệnh tự miễn hoặc một số virus như virus quai bị hay virus herpes simplex… cũng có thể gây viêm buồng trứng hoặc buồng trứng tự miễn làm tổn thương buồng trứng gây suy buồng trứng sớm.

Đồng thời, việc trải qua phẫu thuật buồng trứng cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những phụ nữ phải cắt cả hai bên hoặc một bên buồng trứng có thể khiến cho chức năng của buồng trứng bị rối loạn gây suy buồng trứng sớm trước 40 tuổi.

2. Sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh

Cũng giống như nhiều cơ quan khác trong cơ thể, lối sống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của buồng trứng. Bác sĩ Lin cho biết, tình trạng lạm dụng chất kích thích nhất là rượu bia, thuốc lá sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất nội tiết tố nữ và gây nhiều bệnh phụ khoa, bao gồm suy buồng trứng. Ngay cả việc ăn uống không lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Suy buồng trứng sớm “thích” tấn công nhất là 4 kiểu phụ nữ - Ảnh 2.

Ăn quá nhiều hoặc ăn kiêng quá mức đều không tốt cho sức khỏe buồng trứng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, bà nói: “Đối với phụ nữ giảm cân quá nhanh, ăn kiêng cực đoan thì suy buồng trứng sớm cũng rất dễ xuất hiện. Bởi vì giảm cân quá mức khiến lượng chất béo bên trong cơ thể bị giảm nhanh dẫn đến ảnh hưởng tới lượng estrogen trong cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, tắt kinh, buồng trứng bị suy giảm chức năng sớm”.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều đường, quá tải chất béo cũng không tốt cho buồng trứng. Nghiên cứu của Đại học Washington and Lee (Mỹ) năm 2017 còn cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và gây ra u nang buồng trứng. Phụ nữ thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh suy buồng trứng cao hơn.

Thức khuya cũng là thói quen xấu gây suy buồng trứng. Bởi vì nó bắt buồng trứng phải làm việc quá sức, đồng thời gây ra rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch.

3. Có tiền sử gia đình mắc bệnh về buồng trứng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ có tiền sử bệnh lý gia đình có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa cao hơn khoảng 35% so với phụ nữ bình thường. Trong đó, bệnh suy buồng trứng sớm cũng không ngoại lệ.

“Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh buồng trứng thì khả năng mắc bệnh suy buồng trứng sớm càng cao. Vì vậy, nhóm phụ nữ này cần đi tầm soát sớm và đừng bao giờ bỏ qua khám phụ khoa định kỳ. Đồng thời, hãy xây dựng lối sống lành mạnh để bảo vệ buồng trứng càng sớm càng tốt” - là điều bác sĩ Lin nhắc nhở.

4. Thường xuyên căng thẳng, áp lực kéo dài

Cuộc sống căng thẳng, stress kéo dài gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe của cả nam và nữ. Tuy nhiên, ít ít người biết rằng những áp lực về mặt tinh thần cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh phụ khoa, bao gồm cả suy buồng trứng sớm.

Theo giải thích của bác sĩ Lin, phụ nữ nếu rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, stress do công việc hoặc cuộc sống, lâu dần có thể làm rối loạn chức năng thần kinh thực vật. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự điều tiết nội tiết trong cơ thể, làm suy giảm chức năng buồng, giảm lượng hormone estrogen sản xuất ra. Từ đó dẫn đến suy buồng trứng sớm và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác liên quan đến buồng trứng.

Suy buồng trứng sớm “thích” tấn công nhất là 4 kiểu phụ nữ - Ảnh 3.

Một số thay đổi về ngoại hình cũng có thể là dấu hiệu nhận biết suy buồng trứng sớm (Ảnh minh họa)

Bà nói thêm: “Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy buồng trứng sớm. Đó là sự kết hợp từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, bao gồm cả yếu tố miễn dịch, di truyền, môi trường, thói quen sinh hoạt và tác động từ virus, bệnh lý khác… Nên việc chăm sóc sức khỏe buồng trứng từ sớm, xây dựng lối sống lành mạnh và nhận biết những dấu hiệu suy buồng trứng sớm là rất quan trọng”.

Dấu hiệu phổ biến nhất là rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, đau rát khi quan hệ. Tiếp theo là các triệu chứng như: bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, tính khí thay đổi thất thường, bất thường khi đi tiểu như són tiểu hoặc tiểu quá nhiều. Ngoài ra còn có những thay đổi về ngoại hình như da mỏng, nhăn, khô sạm nhanh và tóc khô xơ, gãy rụng, yếu ớt do nội tiết có sự thay đổi bất thường.

Nguồn và ảnh: HK01, Woman.tvbs, Sohu