Bạn có phải là một người biết cách kiểm soát cảm xúc của mình hay không? Nếu thường xuyên rơi lệ vì cảm thấy thất vọng trong công việc hay chuyện tình cảm thì cứ xem đó là một cách giải tỏa cảm xúc hoàn toàn bình thường. Nhưng để khóc được tới lần thứ 3 trong họp báo bộ phim điện ảnh Bố Già như Trấn Thành thì không phải ai cũng làm được!
Phải công nhận, Bố Già đích thị là cái tên "oanh tạc" nhiều phòng vé nhất ở thời điểm hiện tại. Vì là người trực tiếp tham gia vào khâu sản xuất và có vai trò quan trọng xuyên suốt mạch phim nên chuyện "Ba Sang" Trấn Thành liên tục rơi lệ ở các buổi họp báo trước sự ủng hộ lớn từ đông đảo khán giả cũng là điều dễ hiểu.
Có thể nói, khóc là một đặc tính của con người. Nói đơn giản hơn thì khóc thực ra là cơ chế tràn lệ ra từ khóe mắt của con người do sự chi phối của não bộ, hoặc phản ứng tự nhiên trước một sự kích thích.
Khóc cũng có nhiều dạng, nhưng theo tiến sĩ William H. Frey, có thể chia khóc thành 3 kiểu dựa theo mục đích khóc như: khóc để giữ ẩm mắt, khóc phản ứng lại các tác nhân như bụi bặm và khóc để giải tỏa cảm xúc.
Dẫu khóc có thể xuất hiện từ nhiều cơ chế, song về cơ bản thành phần của nước mắt lại không hề thay đổi. Nước mắt được lọc ra từ máu trong người, chứa nước tinh khiết, carbohydrate, lipid, chất điện giải, lysozyme, lactoferrin, vitamin… Có một điều đặc biệt là khi con người gặp căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh nhiều hormone adrenaline - giúp tăng cường quá trình lọc máu để tạo ra nước mắt nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Gail Saltz (Phó Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Weill-Cornell thuộc Bệnh viện New York-Presbyterian) cho hay: "Khóc là một cách tuyệt vời để giải tỏa cảm xúc và giúp xử lý các tình huống khó khăn". Mặc dù khóc giúp xử lý cảm xúc hiệu quả nhưng không phải ai cũng dễ dàng đổ lệ mọi lúc mọi nơi.
Vậy bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một số người lại dễ rơi nước mắt rất nhanh, nhưng một số người thì lại không thể khóc được? Các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân khiến bạn khóc không ngừng kiểm soát có liên quan tới 6 vấn đề sau.
1. Do có tâm hồn nhạy cảm
Có thể Trấn Thành là tuýp người có tâm hồn nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person - HSP), trong một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Brain and Behavior năm 2014, các nhà khoa học nhận thấy những người này có trải nghiệm về cảm xúc sống động hơn người thường, mã gene của họ có tác động đến phần vỏ não trước trán (ventromedial prefrontal cortex -vmPFC), nơi "quản lý" các loại cảm xúc. Điều này làm những HSP cảm nhận mọi thứ manh mẽ và đa sắc hơn - và khóc chính là một cách tự nhiên để xử lý và giải phóng những cảm xúc đó.
Không chỉ cảm nhận cảm xúc của chính mình, HSP còn rất giỏi việc hấp thụ cảm xúc của những người xung quanh, anh khóc thì tôi cũng chả vui nổi! Điều này khiến họ có chỉ số đồng cảm cao và luôn thấu hiểu người khác.
Những người có "tâm hồn nhạy cảm cao" thường hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đôi khi thứ cảm xúc có phần sướt mướt lại là lợi thế lớn của họ khi sáng tạo.
2. Do mắc chứng suy nhược thần kinh
Chứng suy nhược thần kinh có thể gây rối loạn cảm xúc và dễ khiến người bệnh trở nên nhạy cảm hơn trong mọi tình huống. Những người này sẽ không thể kiểm soát được tâm trạng, cảm xúc của mình và muốn khóc nhiều hơn.
3. Do mắc bệnh trầm cảm
Trầm cảm cũng là một căn bệnh về hệ thần kinh, nó được xem là một dạng rối loạn tâm trạng biểu hiện bằng cảm giác buồn bã hoặc tê tái dai dẳng, có thể dẫn đến tình trạng khóc bất thường. Tiến sĩ Saltz nói: "Nếu bạn khóc nhiều hơn để giải tỏa tâm trạng của mình thì rất có thể bạn đang mắc chứng trầm cảm". Một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể kể đến như: cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc trống rỗng cảm xúc, mất hứng thú, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi...
4. Do lo âu quá mức
Khi gặp phải tình trạng lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, bạn sẽ dễ cáu kỉnh, mất tập trung và... chảy nước mắt. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (Anxiety and Depression Association of America), rối loạn lo âu là một chứng bệnh tâm thần phổ biến ở Mỹ, có ảnh hưởng đến hơn 18% dân số.
Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn đang trải qua cảm giác lo lắng quá mức, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia, họ có thể đưa cho bạn một vài liệu pháp tinh thần, kê thuốc uống bổ sung hoặc khuyên bạn thay đổi lối sống.
5. Do gặp căng thẳng thường xuyên
Trạng thái căng thẳng khi gặp tin xấu có thể khiến bạn rơi nước mắt trong vô thức. Căng thẳng cũng làm tăng nồng độ cortisol nên làm bạn không thể điều khiển được cảm xúc của mình.
6. Do sự thay đổi ở nội tiết tố
Hormone là những sứ giả hóa học kiểm soát các chức năng của cơ thể như đói, sinh sản, cảm xúc và tâm trạng. Tiến sĩ Saltz cho biết: "Bất cứ điều gì gây ra sự thay đổi nội tiết tố, như thời gian tiền kinh nguyệt, sau khi sinh hoặc mãn kinh cũng đều có thể khiến nữ giới dễ khóc hơn".
Nguồn và ảnh: Womansday, Highlysensitiverefuge, Healthline