Sau hơn 2 tuần dịch COVID-19 bùng phát, đến nay hầu hết các ổ dịch lớn đã được khống chế. Tuy nhiên, một số ổ dịch vẫn còn phức tạp, nhiều ca COVID-19 tại cộng đồng chưa rõ nguồn lây, có nguy cơ dịch bùng phát bất cứ lúc nào.
Hiệu quả đến 90%
Chiều 18-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc-xin về việc tìm nguồn kinh phí cho triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc-xin COVID-19 của Việt Nam sản xuất do 2 đơn vị thuộc Bộ Y tế, là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC); Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thực hiện. Ước tính, mỗi đơn vị cần khoảng 30 tỉ đồng cho các nghiên cứu TNLS trong 3 giai đoạn. Nguồn kinh phí sẽ được hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Liên quan đến kết quả TNLS vắc-xin COVID-19 Nano Covax do Công ty Nanogen (TP HCM) nghiên cứu, phát triển, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết trong giai đoạn 1, vắc-xin cho kết quả an toàn. Với 3 liều tiêm: 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, đều sinh miễn dịch tốt, trong đó tỉ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm virus SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75 mcg. Sáng 19-2, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ có cuộc họp cuối trước khi đưa ra quyết định chấp thuận cho TNLS giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Nanogen có năng lực sản xuất 70 triệu liều/năm. Còn IVAC nếu được đầu tư, cũng đạt khoảng 30 triệu liều/năm. Bên cạnh nguồn vắc-xin nhập khẩu, trong nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ TNLS. Công nghệ sản xuất vắc-xin của chúng ta cập nhật thế giới, vắc-xin an toàn. Với tốc độ triển khai như hiện nay, chúng ta cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu TNLS giai đoạn 2. Như vậy, khoảng tháng 4 sẽ hoàn thành, đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm tối ưu. Có thể sang tháng 5 năm nay, trong giai đoạn 3 của TNLS, vắc-xin COVID-19 đã có thể tiêm rộng rãi trong cộng đồng.
Kiểm tra y tế tại vùng dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vào ngày 18-2. Ảnh: TUẤN DŨNG12/13 tỉnh, TP đã kiểm soát được dịch
Bộ Y tế cho biết từ 27-1 đến nay, cả nước ghi nhận 755 ca Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh - thành, trong đó Hải Dương là địa phương ghi nhận số ca mắc lớn nhất với 575 ca, Quảng Ninh (60), Gia Lai (27), Hà Nội (35), Bắc Ninh (5), Bắc Giang (2), TP HCM (36), Hòa Bình (2), Hà Giang (1), Điện Biên (3), Bình Dương (6), Hải Phòng (1), Hưng Yên (2). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.347 người, trong đó có 1.448 ca do lây nhiễm trong nước.
Theo Bộ Y tế, sau hơn 2 tuần dịch COVID-19 bùng phát, đến nay dịch cơ bản đã được kiểm soát tại 12/13 tỉnh - TP, các ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Các ổ dịch tại các TP lớn như tại Hà Nội, TP HCM đã được kiểm soát với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Riêng tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng còn kéo dài khi số lượng ca mắc chưa giảm, đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng với các cụm khu công nghiệp số lượng công nhân lớn (60.000 người). Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do đã có các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương trở lại làm việc. Trước tình hình dịch phức tạp, Bộ Y tế đã rút lực lượng tiền phương ở TP HCM về tăng chi viện cho Hải Dương.
Ngày 18-2, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung nhanh chóng, thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn. Dịch COVID-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng cơ bản đã được kiểm soát.
Việt Nam sắp có hơn 5 triệu liều vắc-xin Covid-19 Liên quan đến việc nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19, Bộ Y tế vừa cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu ngay 204.000 liều vắc-xin để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch Covid-19. Theo kế hoạch, ngày 28-2, lô vắc-xin này sẽ về tới Việt Nam. Ngoài số lượng vắc-xin nói trên, sẽ có khoảng 4,88 triệu liều vắc-xin của COVAX Facility cũng dự kiến về đến Việt Nam trong thời gian tới. Như vậy, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người. |