Trên cơ thể người, các cơ quan nội tạng như tim, gan, lá lách, phổi và thận có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng thực hiện các chức năng sống còn để duy trì sự sống như hô hấp, tiêu hóa... Chính vì vậy, nếu muốn phòng tránh bệnh tật và sống thọ hơn, điều đầu tiên bạn cần làm là duy trì và tăng cường các chức năng của chúng.
- Gan thích đồ có màu xanh như đậu xanh, cần tây...
- Tim thích đồ có màu đỏ như táo tàu, cà chua...
- Lá lách, dạ dày thích thực phẩm màu vàng như quả dứa, hạt kê...
- Phổi thích thực phẩm có màu trắng như củ cải, quả lê...
- Thận thích thực phẩm màu đen như đậu đen, vừng đen...
Thực tế, mỗi cơ quan nội tạng đều có những "khẩu vị riêng", đặc biệt chúng sẽ cảm thấy "sợ hãi" và dễ dàng suy yếu nếu như bạn sử những loại thực phẩm dưới đây.
1. Trái tim "sợ" thực phẩm nhiều muối
Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia): Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Thói quen ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. uống nhiều nước đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp.
Ngoài ra, thói quen ăn mặn cũng làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận.
2. Thận "sợ" nhất bị thiếu nước và ăn mặn
Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, có vai trò lọc máu và lọc chất thải, bài tiết nước tiểu... Tuy nhiên, cơ quan này rất dễ tổn thương nếu chúng ta uống ít nước và có chế độ ăn mặn.
Khi cơ thể bị thiếu nước, các chất cần được bài tiết qua nước tiểu được cô đặc và ngưng tụ, theo thời gian sẽ làm hình thành bệnh sỏi trong hệ thống tiết niệu, chẳng hạn như canxi oxalate và sỏi axit uric. Sỏi thận sẽ gây tổn thương cho thận, và nó cũng sẽ gây suy giảm chức năng thận.
Thói quen ăn mặn khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, khiến cho tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Những người đang bị bệnh thận mà dùng nhiều đồ mặn thì bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng.
3. Lá gan "sợ" rượu
Tổ chức Nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư (IARC) thuộc WHO từ lâu đã đánh giá các loại đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan.
Lý do là vì sau khi con người uống rượu, lượng cồn sẽ được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu, còn 90% còn lại đi thẳng qua gan. Khi gan thường xuyên phải tiếp xúc với cồn, phản ứng hóa học của cồn có thể làm hỏng các tế bào gan, dẫn đến các bệnh viêm gan B, C và cuối cùng hình thành bệnh ung thư gan.
4. Túi mật "sợ" đồ ăn nhiều dầu
Bên trong cơ thể, gan hoạt động liên tục và sản xuất ra mật. Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Chúng ta không nên ăn thực phẩm chứa dầu mỡ để tránh làm tăng áp lực lên hệ thống đường mật hoặc làm hình thành sỏi túi mật.
5. Dạ dày "sợ" đồ ăn lạnh, đồ sống
Người Trung Quốc có câu: "Dạ dày không khỏe nan trường thọ" nghĩa là nếu muốn sống khỏe, sống lâu thì trước hết bạn cần phải làm đầu tiên đó là giữ dạ dày luôn khỏe mạnh.
Một trong những thứ khiến dạ dày "sợ" nhất chính là đồ ăn tái sống. Các món đồ ăn sống nếu không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ nhiễm khuẩn hoặc sán. Khi đi vào trong dạ dày sẽ gây hại cho cơ quan này.
Ngoài ra, thói quen ăn nhiều đồ lạnh cũng gây hại cho dạ dày. Khi gặp lạnh, các mạch máu dạ dày sẽ co lại dễ gây đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa.