Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tính đến 6h ngày 11/8, Việt Nam có tổng cộng 847 ca mắc COVID-19, trong đó 318 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 389 ca.
Tính từ 18h ngày 10/8 đến 6h ngày 11/8: 0 ca mắc mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng hiện giờ vẫn đang trong tầm kiểm soát. Những trường hợp mắc mới cũng đã được cách ly và đưa đi điều trị, những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung. Điều này thể hiện sự quyết liệt của thành phố trong vấn đề truy vết, tìm kiếm những trường hợp F1 và những ca dương tính để chuyển đến những đơn vị điều trị như Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn hoặc những khu cách ly.
“Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh và cũng sẽ giảm số lượng ca mắc mới tại thành phố Đà Nẵng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Về Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, lãnh đạo Bộ Y tế nói: "Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng của bệnh viện. Chất lượng công trình xây dựng và những trang thiết bị của bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn đạt được những tiêu chí mà Bộ Y tế đã ban hành".
Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn được thành lập dựa trên kế hoạch của Đà Nẵng và được ngành y tế tham gia đóng góp.
Bệnh viện dã chiến này được thành lập dựa trên kế hoạch của thành phố Đà Nẵng và đã được ngành y tế tham gia đóng góp. Chúng ta có những kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến ở các khu vực để dự phòng cho công cuộc điều trị, phòng chống dịch COVID-19 và với bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn. Đây là một quyết định rất đúng đắn và chính xác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng.
Đây là một cơ sở rất cần thiết để triển khai thêm việc thu nhận và điều trị các bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Hiện có hai đơn vị trên thành phố Đà Nẵng là Trung tâm y tế Hoà Vang và Bệnh viện Phổi thành phố Đà Nẵng làm bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận bệnh nhân. Hai bệnh viện này đã thu dung đủ số bệnh nhân nhiễm COVID-19”, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin.
“Chúng tôi hy vọng thời gian tới, những trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện dã chiến Cung thể thao Tiên Sơn”, ông Sơn cho hay.
Cung thể thao Tiên Sơn này đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị những bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong giai đoạn sau của thành phố Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện tại Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhờ vào cuộc các cấp chính quyền, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nỗ lực chung tay cùng với chính quyền, nhà nước tham gia vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng.
Với tình hình thực tế hiện nay tại Đà Nẵng đã có những khó khăn và thuận lợi trong công tác phòng dịch.
Thuận lợi đầu tiên là chúng ta đã có một hệ thống chính quyền rất quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thứ hai, ngành y tế của chúng ta đã vào cuộc và tăng năng lực xét nghiệm, năng lực điều trị, ví dụ cụ thể là Cung thể thao Tiên Sơn đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị những bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong giai đoạn sau của thành phố Đà Nẵng.
Cuối cùng, tôi nghĩ quan trọng nhất là tinh thần vào cuộc của người dân, của cộng đồng. Chúng ta cùng chung tay chấp hành, tổ chức tuyên truyền vận động, nhắc nhở bà con tuân thủ đúng những Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ. Khi giãn cách xã hội được thì tỷ lệ người bị lây COVID-19 sẽ giảm xuống, đó là điểm thuận lợi.
Còn về khó khăn, chúng ta đều biết là dịch COVID- 19 ở thành phố Đà Nẵng khởi phát từ một bệnh viện và đã rất nhanh chóng lây lan ra những người bệnh, những người yếu thế thường là những người có sẵn bệnh nền, bệnh nặng, lớn tuổi. Như vậy, khi họ mắc thêm COVID-19 sẽ gây nên tình trạng nguy hiểm cho tính mạng.
“Chúng ta rất buồn khi số lượng người tử vong ở giai đoạn 1 là không có ca nào, đến giai đoạn hai bắt đầu thấy trường hợp tử vong. Đây là một yếu tố gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế khi chúng ta phải cấp cứu bệnh nhân nặng chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế. Hai trung tâm ở Hoà Vang, bệnh viện phổi Đà Nẵng đều phải thiết lập những phòng hồi sức cấp cứu để tiếp nhận những bệnh nhân nặng đến để hồi sức cấp cứu. Rất nhiều những loại máy móc hiện đại như ECMO, máy lọc thận, các hệ thống hồi sức cũng đã được huy động để giúp ngành y tế có cơ hội cứu chữa được những bệnh nhân nặng mà bị mắc COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.