Ngày 16/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19.
Theo TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay nước ta ghi nhận hơn 2,5 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 39.000 ca tử vong, chiếm khoảng 1,5%. Khoảng 80.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có gần 3.000 ca nặng.
Theo đó, tỷ lệ mắc của trẻ dưới 18 tuổi so với mắc chung toàn quốc là khoảng 19% (hơn 490.000 trẻ), trong đó nhiều nhất là độ tuổi 6-12 (chiếm 8%), sau đó 13-17 tuổi (gần 5%), từ 0-2 tuổi chiếm gần 4% và 3-5 tuổi chiếm gần 3%.
Trẻ em mắc COVID-19 được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa).
Với 165 ca tử vong, tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42% so với tử vong chung. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở trẻ 13-17 tuổi là 0,11%, 6-12 tuổi là 0,1% và 0-2 tuổi là 0,18%.
Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo đến ngày 7/2, có hơn 32.000 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19, chiếm tỷ lệ khoảng 6% tổng số mắc chung. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/ tổng số ca tử vong cộng dồn hơn 20.000 người ( chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Như vậy, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,15%.
Phân tích gần 2.500 trẻ mắc COVID-19 thì có 165 ca ở mức độ nặng, nguy kịch. Cụ thể, tỷ lệ cần hỗ trợ điều trị NCPAP là 628%, thở HFNC là khoảng 22%, thở máy không xâm nhập là gần 16%, thở máy xâm nhập là hơn 20%. Tỷ lệ phải đặt ECMO là 1,2%.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo báo cáo đến ngày 7/2, tổng số trẻ em được khám, chẩn đoán mắc COVID-19 là 611, trong đó 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương. Có 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện, hiện còn 10 ca. Trong đó có 5 ca tử vong gồm 3 trẻ sơ sinh, một trẻ 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, một trẻ 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), trong tổng số hơn 6.400 bệnh nhân COVID-19 thì có 617 trẻ dưới 16 tuổi, 21 trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch (khoảng 3,4%). Không có trường hợp nào tử vong là trẻ em, ngoài một trẻ sơ sinh là con của sản phụ mắc COVID-19, bị suy hô hấp, thai 32 tuần, tử vong trước mổ đẻ.
Theo Bệnh viện, đa phần trẻ mắc triệu chứng lâm sàng nhẹ (chiếm 68%), ở mức trung bình là hơn 28%, có 21 ca nặng (chiếm 3,4%). Có 5 trẻ có bệnh lý nền (bệnh máu ác tính, béo phì..) chiếm chưa đến 1%.
Về tình hình tiêm vắc-xin cho trẻ, đến nay nước ta đã tiêm hơn 16,3 triệu mũi. Có 88 ca tai biến nặng, còn lại hơn 61.000 trường hợp tai biến thông thường.
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường học tập trung. Tuy nhiên, tại hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ, trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao.
Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc-xin.
Một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp với kịch bản từng giai đoạn phát triển của dịch ở từng địa phương.