Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng, bác sĩ chỉ ra sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải

Bệnh nhân phần lớn là trẻ 5 tuổi, có trẻ từ 5-14 tuổi nhập viện chủ yếu do mắc viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khoảng 1 tháng nay, số trẻ nhập viện tăng nhanh, chủ yếu mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó, một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno. Do bệnh nhân tăng nhanh, Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn đang mượn của Khoa ngoại Tổng hợp 2 phòng bệnh. Bệnh nhân nhập viện phần lớn là trẻ 5 tuổi, có trẻ từ 5-14 tuổi nhập viện chủ yếu do mắc sốt xuất huyết.

Nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì bố mẹ nên theo dõi trẻ tại nhà để trẻ được chăm sóc đảm bảo an toàn, có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến số hotline của Khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời.

Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng, bác sĩ chỉ ra sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải - Ảnh 1.

BV Thanh Nhàn tiếp nhận số nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao.

Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ mắc bệnh

Theo BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, với trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại nhà, cha mẹ lưu ý cách vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ ở mũi, họng - nơi vi khuẩn, virus dễ bám đầu tiên, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như ăn đủ vi chất, cho trẻ ngủ đúng giờ, nên cách ly với các trẻ đã có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm.

"Có những thủ thuật vệ sinh đường họng nên thực hiện hằng ngày cho trẻ, trong đó có sử dụng xịt họng. Nếu trẻ đã có triệu chứng mũi màu xanh thì nên rửa mũi hằng ngày cho trẻ bằng nước muối. Nếu không có triệu chứng thì cũng không nên rửa, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa", BS Mai khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia nhi khoa này, nếu cha mẹ nào chưa có kinh nghiệm và không có máy hút thì với vùng mũi chỉ nên hút nếu trẻ có mũi, vùng họng sử dụng dung dịch vệ sinh như muối, muối nước biển sâu, xịt họng có thể xịt 3-4 lần/ngày. Bên cạnh đó, không nên chiều theo ý trẻ là không đánh răng, không vệ sinh họng.

Cha mẹ tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống

BS Mai cho biết, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó, một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno. Hiện Khoa Nhi cũng rải rác tăng dần số trẻ mắc virus Adeno.

Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng, bác sĩ chỉ ra sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải - Ảnh 2.

BS Vũ Thị Mai thăm khám cho bệnh nhi.

Triệu chứng trẻ mắc virus Adeno thường kết hợp với triệu chứng viêm kết mạc, ho nhiều, khò khè và đi ngoài. Bác sĩ cho biết, với các trường hợp này, cần theo dõi sát tình trạng của trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, thở nhanh thì có thể biểu hiện viêm phế quản, viêm phổi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

"Bệnh nào cũng có diễn biến nặng, nếu trẻ không được điều trị kịp thời trẻ sẽ bị suy hô hấp, hệ thống phổi không được đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ. Theo dự đoán, virus Adeno có thể là mùa dịch tiếp theo sau cúm. Hiện có khoảng 5 trẻ mắc Adeno có chẩn đoán chính xác, ngoài ra số trẻ mắc Adeno không biểu hiện ra ngoài cũng chưa nắm rõ được", BS Mai cho biết.

Virus Adeno xâm nhập vào đường hô hấp trên, tuy nhiên, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng như các bệnh virus thông thường và cách ly những bạn có biểu hiện nghi ngờ triệu chứng Adeno.

Đa số trẻ mắc virus Adeno kèm theo viêm kết mạc, mắt đỏ, chảy rỉ nhiều, ngoài ra cũng có một số triệu chứng như ho, chảy nước mũi, đi ngoài.

Trong khi COVID-19 gây tổn thương đến niêm mạc, đường hô hấp khiến việc hồi phục chậm nên đây là cơ hội, nguy cơ để virus Adeno nặng nề hơn so với mọi năm, vì lúc nào virus Adeno cũng có chứ không phải không, tuy nhiên, sau khi mắc COVID-19 sẽ mắc Adeno nặng hơn.