Trẻ cao hơn khi được vận động
ThS. BS Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, cha mẹ có chiều cao khiêm tốn không có nghĩa là chấm dứt "giấc mơ" chân dài của thế hệ con cái. Chiều cao của mỗi con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao là di truyền (23%), dinh dưỡng (32%) và hơn 40% còn lại là yếu tốc vận động và giấc ngủ.
Có rất nhiều cha mẹ vô cùng ngạc nhiên vì ngày hè con tăng chiều cao vượt trội hơn. Điều này là nhờ trong những ngày hè, trẻ được quan tâm hơn với việc rèn luyện thể chất, đảm bảo dinh dưỡng tốt. Cùng với đó, trẻ không phải căng thẳng trong học tập, được ngủ nhiều hơn, ngủ sớm giúp cho hormone tăng trưởng càng tiết ra nhiều. Đó là yếu tố làm chiều cao tăng mạnh.
Cha mẹ đừng nghĩ rằng chỉ cần bổ sung canxi là đã cao, nếu không quan tâm đến vận động và giấc ngủ của trẻ sẽ không phát triển tối ưu chiều cao cho trẻ. Việc tập luyện thể thao vào kỳ nghỉ hè sẽ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, kích thích sự phát triển xương khớp. Khi ngủ cơ thể sẽ tiết ra lượng hormone tăng trưởng gấp 4 lần khi thức. Hormone tăng trưởng (GH) được não bộ tiết ra mạnh nhất và đầy đủ nhất lúc trẻ ngủ say, khoảng từ 10 - 11h đêm đến 1-2h sáng.
Trẻ sẽ được kích thích tăng chiều cao khi vận động thường xuyên. Ảnh TL
Chuyên gia cũng cho rằng, việc vận động nhằm phát triển chiều cao chủ yếu xoay quanh các hoạt động liên quan đến xương khớp, cơ tay chân và cột sống. Những động tác này vốn được tập luyện nhiều ở môn bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… nên được xem là phương tiện vận động hữu hiệu kích thích cho trẻ tăng chiều cao. Những bộ môn này rất thích hợp trong ngày hè.
Các lớp học giúp kích thích phát triển chiều cao, trẻ cũng được làm quen và rèn luyện với hầu như tất cả các môn có thể hỗ trợ phát triển chiều cao. Không những vậy, các chuyên gia còn hướng dẫn các nhóm bài tập cải thiện sâu khi hình thái của các bé chưa cân đối như bài chân bẹt, đi chữ V hoặc thừa cân, phát triển các khối cơ lệch nhau, cong vẹo cột sống sẽ có những bài tập chuyên biệt để cải thiện hình thái theo từng giai đoạn của trẻ. Cha mẹ có thể cho con tham gia để vận động đúng cách hơn.
"Kích thích" tăng chiều cao cho trẻ bằng bài tập đơn giản
Cựu VĐV Quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Tâm – Trung tâm Thể Dục Bằng Tâm – Mofit tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, khi cho trẻ vận động với một bộ môn nào, cha mẹ cũng cần biết con đang ở lứa tuổi nào, từ 4 – 7 tuổi là các bài tập cho sức mạnh dây chằng, nhóm cơ. Ở độ tuổi trong giai đoạn tiền dậy thì ( 8 – 13 tuổi) và sau dậy thì thì các nhóm bài tập sẽ khác. Để phát triển chiều cao và cải thiện thể lực, lưu ý chung cho tất cả các độ tuổi là cần phải tập các bài tập cân đối 2 nhóm cơ bên phải, bên trái, trước sau, điều chỉnh cân nặng, vóc dáng cân đối.
Bài tập chịu tải cho xương khớp đơn giản nhất là bật 2 chân khỏi mặt đất; bài tập chỉnh sửa dáng như soi gương liên tưởng đến một người mẫu nào đấy và bước đi giữ phần cột sống thẳng, chi dưới đi song song. Quan sát bàn chân không đi hình chữ V, đi thẳng. Việc chỉnh dáng đi đẹp hơn, cột sống thẳng và kết hợp với những bài tập chịu tải xương khớp cùng với phát triển khối cơ cân đối vươn duỗi đều thì thể hình đẹp sẽ phát triển được chiều cao tối ưu.
Trẻ tập bật nhảy. Ảnh PT
"Rất nhiều người không ý thức được rằng, luôn giữ tư thế đúng trong đi đứng, sinh hoạt là một trong những cách cơ bản cần thiết giúp tăng chiều cao tối ưu. Đúng tư thế không chỉ đơn thuần là đứng thẳng và ngay ngắn mà cần chú ý từng phần cơ thể duy trì vị trí đúng của nó, như giữ cho đầu, xương chậu, chân, tư thế ngồi, nằm, đi bộ, chạy… một cách chuẩn xác" – chị Ngọc Tâm cho hay.
Chia sẻ tại khóa học thể dục phát triển chiều cao trẻ em tại Hà Nội, Cựu VĐV Quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Tâm cho biết một số bài tập vận động an toàn có thể tập ở mọi lúc mọi nơi giúp "kích thích" phát triển chiều cao như:
+ Bài tập định hình dáng đứng: Theo đó, đứng thẳng, tựa vào tường có các điểm chạm gót chân chạm, phần chấm mông, sau gáy và 2 vai chạm vào tường giữ cố định từ 2 – 3 phút để siết các nhóm cơ lại, định hình cột sống đúng. Đây là bài tập phù hợp với mọi đối tượng và các phụ huynh cũng có thể làm theo được. Nhờ đó giúp cho trẻ không có cảm giác bị gù vai.
+ Bài tập kết hợp đan 2 tay qua đầu, nhón gót chân lên bước đi dài.
+ Bài tập nhảy: Với bài tập này cần phải khởi động thật kĩ các khớp và lưu ý số lần thực hiện. Khởi đầu từ 10 – 20 lần và bài đơn giản nhất là bật tại chỗ đưa 2 chân rời khỏi mặt đất. Lưu ý sàn không có quá cứng sẽ làm tổn thương đến khớp gối của trẻ
Không khuyến khích trẻ tập quá nhiều, cần kiểm soát lượng vận động nếu không có tác động ngược lại. Việc bật quá nhiều sẽ làm tổn thương phần khớp gối, khi mà cơ, dây chằng chưa đủ mạnh do quá ngưỡng. Hoặc bật mà khi hạ xuống không có đúng sẽ gây tổn thương lớn cho xương ống đồng và ngay phần cột sống làm cho trẻ sợ.
Chuyên gia khuyên rằng, để trẻ tích cực vận động trước tiên là phải tập cho các bé có một tinh thần hưng phấn khi tới với thể dục. Trẻ thấy sự vận động là vui chơi. Trẻ được làm quen và có được sự yêu thích với những động tác liên quan đến vùng xương khớp, cơ chân, tay và cột sống sẽ dễ dàng đến với các bộ môn như bơi lội, bóng chuyền, đá bóng, bóng bầu dục…