Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận một bệnh nhi 15 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc đái tháo đường.
Theo lời kể của gia đình, 4 ngày trước khi nhập viện, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn thức ăn, mệt nhiều, tiểu nhiều, gia đình cho trẻ đến phòng khám tư được chẩn đoán viêm ruột, được kê đơn thuốc về uống, truyền dịch nhưng không đỡ.
Buổi sáng khi nhập viện, trẻ mệt nhiều, tiểu nhiều, nôn thức ăn nhiều lần, sụt 6 kg trong 4 ngày, thay đổi ý thức nên người nhà lo lắng đưa trẻ cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, sau đó được chuyển Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị tiếp trong tình trạng lơ mơ, nói sảng, thở nhanh, nông, SpO2: 90%, nhịp tim nhanh, da khô nóng, môi khô.
Ảnh minh họa
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán trẻ bị Toan ceton đái tháo đường với đường huyết rất cao. Trẻ được chỉ định thở oxy qua mask, thiết lập ngay hai đường truyền tĩnh mạch để bù dịch nhanh, lấy máu xét nghiệm cấp cứu, dùng thuốc kiểm soát đường huyết, ghi điện tim tại giường, theo dõi huyết động liên tục qua catheter.
Nhờ cấp cứu kịp thời, trẻ đã qua cơn nguy kịch, hội chẩn thống nhất phương án điều trị với chuyên khoa Nội tiết và được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu chống độc của Bệnh viện.
Nguyên nhân trẻ nhỏ mắc đái tháo đường
Theo các bác sĩ, đái tháo đường là bệnh không lây, hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, chủ yếu là đái tháo đường type 1 (phụ thuộc Insulin), do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin.
Với đái tháo đường type 2 (kháng Insulin), hiếm gặp ở trẻ. Tuy nhiên, bệnh đã tăng lên cùng sự gia tăng tỷ lệ béo phì trẻ em, thường gặp sau tuổi dậy thì. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột).
Ngoài ra, ở trẻ em còn có thể gặp đái tháo đường sơ sinh, đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi, hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, thường là gấp 5 – 10 lần so với bình thường. Khi đó, lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước.
Trẻ thừa cân, béo phì gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Ảnh minh họa
Cùng với đó, người bệnh có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khỏe.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của bệnh cũng cần được chú ý như: Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da; đau bụng; học lực giảm sút do cơ thể không khỏe; hay đói…
Theo TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đái tháo đường ở trẻ thường được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe, giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và ở trẻ em các triệu chứng càng khó phát hiện hơn.
Do đó, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn nặng, trong tình trạng toan chuyển hóa, tiền hôn mê, hôn mê nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp biến chứng lâu dài của bệnh như tổn thương mạch máu ở võng mạc: giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa; ở thận: tiểu đạm, có thể suy thận; ở chân: chân lạnh, tím đỏ, loét; tổn thương thần kinh: tê rần, rát bỏng, đau nhức chân.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ đang có những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ của bệnh đái tháo đường (tiểu đêm thường xuyên; hay khát nước, uống nhiều nước; sụt cân, mệt mỏi; thay đổi cảm xúc…) nên đưa trẻ đi tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng về sau.