Những thói quen sau bữa ăn tác động rất lớn đến sức khỏe, đồng thời ảnh hưởng tới tuổi thọ của mỗi người. Nếu có những thói quen tốt thì sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, tránh được những bệnh làm giảm tuổi tác. Ngược lại, nếu là những thói quen xấu thì có khả năng tàn phá sức khỏe nghiêm trọng, khiến tuổi thọ của bạn giảm đi nhanh chóng.
Dưới đây là "3 không, 4 nên" liên quan tới thói quen sau bữa ăn bạn có thể tham khảo để giúp mình khỏe mạnh và sống lâu.
"3 không" sau bữa ăn
1. Không hút thuốc
Sau bữa ăn, hoạt động của ruột và dạ dày được tăng cường, tuần hoàn máu ở đường tiêu hóa tăng nhanh. Nếu hút một điếu thuốc vào lúc này, lượng độc tố hấp thu vào cơ thể sẽ nhanh hơn so với các thời điểm khác.
Thói quen này còn làm cho huyết quản trong niêm mạc dạ dày co hẹp lại, dẫn đến hiện tượng mất cân đối giữa độ axit và độ kiềm, khiến công năng dạ dày bị rối loạn.
2. Không vận động mạnh
Vận động mạnh ngay sau bữa ăn không được khuyến khích thực hiện. Do dạ dày sau khi ăn đang được cung cấp đủ oxy và máu giúp hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa, nhưng cơ thể sẽ ưu tiên chuyển máu và oxy đến cơ bắp nếu bạn vận động ngay sau đó. Điều này có thể làm rối loạn quá trình tiêu hóa.
Vì vậy, hãy cho cơ thể một quỹ thời gian để tiêu hóa thức ăn và sau đó mới tập luyện thể chất. Tốt hơn hết là nên tập thể dục trước ăn hoặc sau ăn 2 tiếng.
3. Không sử dụng đồ lạnh
Sau bữa cơm, nhiều người có thói quen sử dụng đồ uống, đồ ăn lạnh để tráng miệng mà không hề biết điều này có thể làm tổn thương dạ dày.
Do thói quen sử dụng đồ lạnh ngay sau bữa ăn rất dễ gây co thắt dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy... Vì vậy, tốt nhất bạn nên ăn uống những món lạnh trước hoặc sau bữa ăn khoảng 1 tiếng.
"4 nên" sau bữa ăn
1. Nên ăn lê sau khi sử dụng đồ nướng
Việc ăn đồ nướng sẽ khiến cơ thể tích tụ lượng lớn các polycyclic hydrocarbon thơm có thể gây ung thư. Trong khi lê là loại quả chứa chất có tác dụng phòng chống ung thư nhất định. Thế nên, nếu ăn lê hoặc uống nước ép lê nóng sau khi ăn đồ nướng có thể loại bỏ các tạp chất độc hại gây bệnh.
Tuy nhiên, lê có tính hàn, nếu ăn nhiều sẽ hại tỳ vị do đó không nên dùng cho người có tỳ vị hư hoặc bị viêm ruột.
2. Nên uống một tách trà lúa mạch sau bữa ăn
Do lúa mạch có nhiều chất xơ và được biết đến với đặc tính nhuận tràng nên trà lúa mạch hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa. Với người hay bị táo bón thì việc sử dụng trà lúa mạch sau bữa ăn sẽ có lợi.
Nhưng nếu bạn bị bệnh celiac, nhạy cảm với gluten thì hãy tránh uống trà lúa mạch bởi có thể rơi vào tình trạng như đau bụng, buồn nôn... Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng không phù hợp với thức uống này vì có thể cản trở quá trình tiết sữa và gây ra các biến chứng khác.
3. Nên uống siro gừng sau bữa ăn
Gừng giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi và dễ dàng hơn. Ngoài ra, nó còn giúp giảm đau thắt ruột, đầy hơi, trướng bụng. Theo đó, uống một cốc siro gừng ấm sau bữa ăn có thể giúp cơ thể dễ tiêu hóa hơn.
Tuy nhiên, gừng không thích hợp với phụ nữ có thai. Vì nó cản trở khả năng hấp thụ một số dưỡng chất của thai phụ, đồng thời gừng có tính kích thích mạnh nên gây co thắt tử cung và có thể dẫn đến sinh non.
4. Nên uống nước ép cần tây sau bữa ăn nhiều dầu mỡ
Nếu ăn thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, bạn nên uống một ly nước ép cần tây sau đó. Do trong cần tây có chứa nhiều chất xơ, chất này đi vào cơ thể sẽ giúp tiêu hủy mỡ và ngăn ngừa tình trạng béo phì.
Lưu ý, người bị huyết áp thấp không nên sử dụng cần tây do thực phẩm này có khả năng làm hạ huyết áp. Người khó thụ thai hoặc thai phụ xuất hiện một số dấu hiệu sảy thai cũng cần tránh xa loại rau này. Vì nếu sử dụng, cần tây sẽ khiến cho tử cung bị kích thích dẫn đến việc gia tăng co bóp, gây bất lợi cho cả mẹ và thai nhi.
Nguồn bài và ảnh: NTDTV, Pinterest