Với mức sống hiện nay, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chú ý đến cơ thể của mình. Mọi người có thể dễ dàng tìm thấy nhiều lời khuyên sức khỏe trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không thể lấy kinh nghiệm của người này để áp dụng cho người kia. Và thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng làm đúng cách.
Chuyên gia chỉ rõ 4 lỗi phổ biến khi chăm sóc sức khỏe nhiều người mắc phải:
Ảnh minh họa
Ăn kiêng thiếu khoa học
Ăn kiêng để có một vóc dáng hoàn hảo luôn là sự lựa chọn của nhiều người. Tuy vậy, ăn kiêng giảm cân thiếu khoa học bằng cách cắt giảm nhiều loại thực phẩm, hay nhịn ăn thường cho kết quả giảm cân trong thời gian ngắn nhưng lại khiến cơ thể gặp nhiều biến chứng. Dù chúng ta thực hiện nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau hay nhịn ăn gián đoạn, cắt giảm mỡ hay đường bột đều mang lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe
Ăn thức ăn khi còn nóng
Nhiều người thường nói câu cửa miệng "ăn đi cho nóng" khi vừa chế biến thức ăn xong. Nhưng ăn lúc còn nóng không những không bồi bổ sức khỏe, chăm sóc dạ dày mà còn có thể làm tổn thương dạ dày.
Chúng ta biết rằng, thức ăn quá nóng trong quá trình đi từ miệng vào dạ dày sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng, sau đó đến thực quản, cuối cùng là niêm mạc dạ dày. Vì vậy, dù là thức ăn gì thì cũng nên để nguội bớt trước khi ăn.
Cắt giảm dầu mỡ trong chế độ ăn
Các bác sĩ thường khuyến cáo bạn rằng, việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ và chất béo trong thời gian dài sẽ làm tăng khả năng bị xơ cứng động mạch và huyết khối, do đó, nếu không muốn mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, bạn nên giảm dầu mỡ và ăn đồ nhạt.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều người bị hiểu nhầm, sợ bệnh tật nên hoàn toàn không ăn dầu mỡ, bỏ hẳn khỏi thực đơn ăn uống hằng ngày.
Các bác sĩ giải thích rằng, nếu bạn không ăn dầu mỡ có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, đồng thời dễ gây mất ổn định huyết áp và đường huyết do thiếu axit béo.
Ăn quá nhạt để phòng bệnh
Ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với tim mạch và huyết áp nhưng ăn nhạt quá dẫn đến thiếu muối thì cũng nguy hiểm không kém.
Một chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê). Cơ thể cần một lượng muối tối thiểu là 500mg/ngày với điều kiện là muối không bị mất đi qua nước tiểu, mồ hôi hoặc các loại dịch khác.
Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp.