Viêm cơ tim cấp là tình trạng viêm của cơ tim, mà trong đó tế bào viêm có mặt đồng thời với hiện tượng cơ tim bị hoạt tử trong cùng một đơn vị cơ tim. Theo thống kê hơn 20% người bệnh viêm cơ tim có thể tiến triển thành bệnh cơ tim dãn nở do tình trạng viêm mạn tính.
1. Nguyên nhân của bệnh viêm cơ tim
Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu gây viêm cơ tim là do virus, vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc do nấm.
- Viêm cơ tim do virus
Virus thường liên kết với viêm cơ tim bao gồm Coxsackievirus B, có thể gây ra các triệu chứng tương tự như một trường hợp nhẹ của bệnh cúm, những virus gây cảm lạnh thông thường (Adenovirus); và Parvovirus B19.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa (Echoviruses), bạch cầu đơn nhân (Epstein-Barr virus) và bệnh sởi (Rubella) cũng là nguyên nhân của viêm cơ tim.
Viêm cơ tim cũng phổ biến ở những người có HIV, virus gây bệnh AIDS.
- Viêm cơ tim do vi khuẩn
Nhiều vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim, trong đó có tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, Staphylococcus Aureus… còn có thể gây viêm các van tim và nội tâm mạc. Viêm cơ tim còn xảy ra ở trên 1/4 bệnh nhân bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae.
- Viêm cơ tim do ký sinh trùng
Trong số này có ký sinh trùng như Trypanosoma Cruzi và Toxoplasma, bao gồm cả một số được truyền bởi côn trùng và có thể gây ra tình trạng gọi là bệnh Chagas.
- Viêm cơ tim do nấm
Một số bệnh nhiễm nấm các loại nấm như: Candida, Aspergillus và nấm khác như Histoplasma (thường được tìm thấy trong phân chim) đôi khi có thể gây viêm cơ tim.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc với hoá chất độc hại cũng có thể gây viêm cơ tim. Một số tác dụng phụ của thuốc có khả năng gây dị ứng hoặc nhiễm độc.
Viêm cơ tim là một bệnh viêm nhiễm của tim.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim
Triệu chứng của viêm cơ tim có thể thay đổi tuỳ theo nguyên nhân và độ nặng nhẹ của bệnh. Các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:
- Đau ngực mơ hồ
- Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp
-Khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực
- Giữ nước, phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Mệt mỏi.
Ngoài ra, ở một số người bệnh khi bị viêm cơ tim còn có các dấu hiệu khác như: Ngất xỉu hoặc mất ý thức đột ngột, có thể kết hợp với rối loạn nhịp tim.
Các triệu chứng khác kết hợp với nhiễm siêu vi như nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy.
Viêm cơ tim có thể đi kèm với viêm màng bao tim, tràn dịch màng bao tim. Viêm màng bao tim thường gây đau nhói ở giữa ngực.
Tiến trình viêm cơ tim tiến triển qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tổn thương cơ tim ban đầu,
- Giai đoạn tổn thương cơ tim miễn dịch,
- Cuối cùng là bệnh cơ tim dãn nở.
Hầu hết bệnh nhân không có dấu hiệu suy tim ở giai đoạn I do đó giai đoạn này ít được chú ý. Sau tổn thương viêm đầu tiên là giai đoạn II sẽ khởi phát các đáp ứng miễn dịch sau tổn thương. Triệu chứng lâm sàng bắt đầu tiến triển là hậu quả của tổn thương cơ tim nặng. Ở giai đoạn III là hình ảnh và triệu chứng điển hình của bệnh cơ tim dãn nở sau viêm sẽ rầm rộ mặc dù tiến trình viêm đã chấm dứt.
Trên thực tế nhiều trường hợp viêm cơ tim nhẹ không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh nhân có những triệu chứng toàn thân của nhiễm siêu vi và không hề biết được tim mình đang có vấn đề. Một số bệnh nhân có thể không đi khám bệnh và tự hồi phục mà không biết là mình vừa bị viêm cơ tim.
Đau ngực mơ hồ, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp là một trong những triệu chứng của viêm cơ tim.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim
Sau khi khám, dựa vào các triệu chứng lâm sàng điện tâm đồ và men tim gợi ý tổn thương cơ tim. Các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác như: Siêu âm tim, chụp cộng hưởng… Hiện MRI tim được dùng ngày càng nhiều ở bệnh nhân nghi ngờ viêm cơ tim.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ sinh thiết nội mạc cơ tim để chẩn đoán. Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân viêm cơ tim (đã được xác định bằng sinh thiết cơ tim) có biểu hiện lâm sàng giống hội chứng vành cấp, suy tim mới khởi phát trong 2 tuần đến 3 tháng, suy tim mạn khởi phát > 3 tháng…
Bệnh cảnh lâm sàng của viêm cơ tim đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào mức độ tổn thương cơ tim và nguyên nhân gây bệnh của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Nguyên tắc người bệnh phải hạn chế vận động thể lực. Tránh lạm dụng rượu hay đồ uống có cồn, vì điều này sẽ làm tình trạng viêm cơ tim nặng thêm.
Các thuốc được khuyến cáo là nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể, nhóm chẹn Beta giao cảm và nhóm lợi tiểu kháng Aldosterone. Nếu người bệnh có biểu hiện rối loạn nhịp tim thì việc cân nhắc các thuốc chống rối loạn nhịp là cần thiết.
Ngoài ra, các thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) được chỉ định đối với các trường hợp viêm cơ tim cấp, sốc tim và không đáp ứng với điều trị nội khoa cơ bản. Hỗ trợ tuần hoàn cơ học giúp cải thiện tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu gây viêm cơ tim là do virus, vi khuẩn...
4. Lời khuyên của thầy thuốc
- Viêm cơ tim thường không có triệu chứng đặc hiệu… chính vì vậy nếu nghi ngờ có biểu hiện bất thường về sức khoẻ như: Mệt mỏi, hồi hộp không giải thích được, đau ngực… thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
- Các biểu hiện thực thể bao gồm triệu chứng của suy tim, rối loạn nhịp tim và tổn thương các cơ quan khác kèm theo…Tùy mức độ tổn thương cơ tim, lâm sàng bệnh nhẹ hay nặng, từ không có triệu chứng thực thể, sốc tim hoặc suy đa cơ quan.
- Biến chứng và tiên lượng viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương cơ tim, biểu hiện lâm sàng và các giai đoạn bệnh.
Viêm cơ tim cấp thường được tiên lượng có khoảng 50% số bệnh nhân mắc bệnh sẽ hồi phục sau 2-4 tuần đầu tiên, khoảng 25% có rối loạn chức năng tim dai dẳng, 12-25% sẽ tử vong hoặc tiến triển bệnh cơ tim dãn giai đoạn cuối.
- Bệnh nhân ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định, tái khám định kỳ cần lưu ý tránh gắng sức trong 6 tháng.
- Chăm sóc bệnh nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu: Chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ năng lượng cho tế bào cơ tim, không được để hạ đường huyết.
Rửa tay thường xuyên là một biện pháp rất tốt để phòng tránh bệnh viêm cơ tim.
Tóm lại: Viêm cơ tim không phải là hiếm gặp, việc phòng ngừa cũng không phải dễ dàng, do có rất nhiều nguyên nhân. Do đó, cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm siêu vi hoặc hội chứng giống cảm cúm cho đến khi họ bình phục hoàn toàn. Rửa tay thường xuyên là một biện pháp rất tốt để phòng tránh bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện tiêm phòng theo khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập thể dục đều đặn… để nâng cao sức khoẻ cũng là một biện pháp phòng bệnh. |