Virus viêm phổi cấp Corona
Virus viêm phổi cấp Corona đang đe dọa sức khỏe của nhiều người trên thế giới.
Hiện tại, virus viêm phổi cấp Corona đang đe dọa sức khỏe của nhiều người dân trên thế giới. Virus này được xác định xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam cho hay, đến ngày 24/1/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 634 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do coronavirus (nCoV) tại 24 tỉnh/thành phố, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Tại Việt Nam, đã có 2 trường hợp mang mầm bệnh xâm nhập vào, đó là 2 cha con người Trung Quốc. Hiện 2 người này đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Theo các bác sĩ, bản chất của virus Corona vẫn là chủng từng gây ra đại dịch SARS và MERS. Virus Corona lây theo đường hô hấp, ở mức độ tiếp xúc gần.
Người bị nhiễm virus Corona có triệu chứng gần giống với cảm lạnh, sốt, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, rét run, tức ngực, ho, khó thở… Khi virus này gây bệnh nặng thì tùy cơ quan bị tổn thương mà nó có biểu hiện khác.
Đối với các bệnh nhân có tiền sử ở hoặc đi qua vùng có lưu hành dịch trong vòng 2 tuần. Có sốt và có các triệu chứng viêm phổi như đau ngực, khó thở, ho….thì cần đi khám ngay.
Ngoài ra, những người tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày. Sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.
Dịch SARS
Bệnh SARS từng khiến thế giới khiếp sợ. Ảnh Bệnh viện nhiệt đới trung ương.
Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) do coronavirus gây ra. Đây cũng là chủng virus đang gây ra dịch viêm phổi cấp Corona.
Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh là người Trung Quốc vào năm 2002 và đến năm 2003, bệnh này bùng phát trở thành đại dịch. Chỉ trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không.
Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Dịch MERS
Bệnh MERS thuộc nhóm corona virus, cùng họ với virus SARS. Ảnh: World Bulletin.
Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông hay còn gọi là MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh gây ra bởi coronavirus, cùng họ với virus đã gây ra bệnh SARS vào năm 2003. Loại virus được cho là bắt nguồn từ lạc đà ở Trung Đông. Mức độ lây lan của MERS không như SARS nhưng độ nguy hiểm không kém, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40%.
Bệnh MERS được ghi nhận lần đầu tại Ả Rập Saudi vào tháng 9/2012, nhưng sau đó các quan chức y tế xác định lại rằng vào tháng 4/2012 đã có người bị MERS tại Jordan.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 5/2015 đã có 1.154 trường hợp nhiễm MERS-CoV ở 26 quốc gia trên thế giới được ghi nhận, trong đó ít nhất 434 người đã tử vong.
MERS truyền nhiễm qua con đường tiếp xúc với dịch cơ thể, đường hô hấp của người bệnh. Ngoài ra, các loại thịt sống hoặc nấu chưa chín và sản phẩm từ sữa lạc đà chưa tiệt trùng là những nguồn lây truyền MERS tới con người.
Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS
HIV/AIDS được coi là căn bệnh thế kỷ mà đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ảnh: SHUTTERSTOCK.
HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người còn gọi bệnh liệt kháng (tê liệt khả năng đề kháng), là một dạng bệnh tấn công vào hệ miễn dịch.
Giai đoạn đầu khi vừa nhiễm virus, người bệnh thường có những triệu chứng giống bệnh cúm trong một thời gian ngắn. Sau đó, bệnh nhân không có dấu hiệu gì trong một thời gian dài.
Hầu hết những người nhiễm HIV không được chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS. Khi bệnh tiến triển, nó gây ảnh hưởng ngày càng nhiều đến hệ miễn dịch, làm cho bệnh nhân dễ mắc phải các nhiễm trùng hoặc các khối u, dẫn đến tử vong.
Virus HIV chủ yếu lây lan qua máu và các chất dịch cơ thể. Hầu hết những người nhiễm virus đều qua quan hệ tình dục, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc dùng chung kim tiêm với người mang mầm bệnh.
Nhiễm HIV ở người được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như là đại dịch. Việc chủ quan đối với HIV càng làm tăng nguy cơ bị lây bệnh. Từ khi phát hiện ra HIV vào năm 1981 cho đến năm 2006, AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người.
Dịch Ebola
Cánh tay của một bệnh nhân nhiễm Ebola. Ảnh Tiền Phong.
Đại dịch Ebola do virus Ebola gây ra, từng là nỗi khiếp sợ của người dân châu Phi nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2014. WHO xác nhận gần 7.000 trường hợp tử vong vì virus này. Sức tấn công mạnh của đại dịch khiến 70% dân số Tây Phi nhiễm bệnh. Ebola bùng phát mạnh mẽ nhất tại các vùng Guinea, Sierra Leone, Liberia.
Các triệu chứng thường khởi phát sau khi bị nhiễm virus từ 2 ngày đến 3 tuần như: Sốt, đau họng, đau bắp cơ, và nhức đầu. Sau đó thường xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy, kèm theo các chức năng gan và thận cũng bị suy giảm. Ở giai đoạn này, một số người bắt đầu có các triệu chứng xuất huyết. Bệnh Ebola giống như sốt rét nhưng không phải khiến nhiều người dễ nhầm lẫn.
Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi bệnh Ebola. Các hoạt động khoa học thử nghiệm vaccine đang được đẩy mạnh để phòng ngừa căn bệnh này.
Dịch cúm năm 1918-1919
Dịch cúm từng khiến số người chết nhiều hơn số người tử vong trong thế chiến thứ nhất. Ảnh minh họa .
Khi mà Thế chiến thứ nhất sắp kết thúc vào năm 1918, cả thế giới chưa kịp hưởng yên bình thì một dịch cúm đã bùng phát và cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người trong vòng 3 tháng.
Dịch bệnh này tiếp tục hoành hành sang năm 1919 và số ca tử vong lên đến 50 triệu người. Số người chết vì cúm đã làm lu mờ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (khoảng 17 triệu người chết do cuộc chiến tranh).
Bệnh xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, sau đó lan sang Mỹ và một phần châu Á. Nó nguy hiểm vì biểu hiện ban đầu chỉ tương tự cúm thường. Khi ở thể nặng, da bệnh nhân chuyển sang màu xanh, ho dữ dội dẫn tới ói mửa, tiểu tiện không tự chủ. Virus tấn công mạnh vào phổi và nhiều nạn nhân chết vì viêm phổi.
Nguyên nhân của dịch cúm này do một chủng virus cúm mới – A/H1N1. Đây là một loại cúm gia cầm, do các virus lây sang người từ gia cầm.
Dịch cúm thường có xu hướng lắng xuống sau một năm, khi virus biến đổi thành các chủng khác, ít nguy hiểm hơn. Ngày nay, hầu hết mọi người đều mang trong mình miễn dịch với virus cúm A/H1N1.
Cúm A(H1N1)
Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A(H1N1) gây nên. Virus H1N1 có nguồn gốc từ lợn nên còn hay được gọi là “cúm heo” hoặc “cúm lợn”. Bệnh bùng phát năm 2009, có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Nó lan nhanh tới 214 quốc gia và khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Tháng 8/2010, WHO tuyên bố H1N1 là đại dịch toàn cầu.
Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A(H1N1) đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam từ ngày 31/5/2009. Đến ngày 30/7/2009 đã có gần 800 trường hợp mắc ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam và đã có trường hợp tử vong.
Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng…
Dịch hạch
Chuột là vật chủ gây ra bệnh dịch hạch. Ảnh minh họa.
Dịch hạch là căn bệnh kinh hoàng với tỷ lệ tử vong cao trong lịch sử nhân loại, có tính truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm sang người qua vật trung gian là bọ chét.
Người mắc bệnh có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở nách và háng.
Được mệnh danh là "Cái chết đen", thời kỳ 1346-1350, dịch hạch lan rộng làm rung chuyển châu Âu, Trung Đông, Nga và phía bắc châu Á. Hai phần ba số người nhiễm bệnh tử vong chỉ trong vòng 4 ngày.
Đậu mùa
Hình ảnh một bệnh nhân bị mắc bệnh đậu mùa. Ảnh minh họa internet.
Đậu mùa là một trong những dịch bệnh cổ xưa nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Nó đã từng khiến dân số bản địa tại Châu Mỹ từ khoảng 100 triệu chỉ còn có 5-10 triệu.
Virus gây ra bệnh đậu mùa có tên là Variola. Cứ 10 người nhiễm virus thì chắc chắn có 3 người tử vong.
Các nhà khoa học đã tìm ra vaccine cho bệnh đậu mùa vào năm 1796, tuy nhiên dịch bệnh này vẫn lan rộng trên toàn thế giới. Thậm chí, vào năm 1967, một ổ dịch đã làm 2 triệu người thiệt mạng và gây ra một cơn ác mộng đối với toàn nhân loại.
Ngày nay, virus Đậu mùa chỉ còn tồn tại trong những phòng thí nghiệm dùng cho nghiên cứu và chúng cũng được bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt.