Một người đàn ông họ Trần ngoài 60 tuổi sống tại Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) bị sưng và đau ở ngón tay trỏ bên tay phải, đặc biệt là phần móng tay. Lúc đầu, cơn đau chỉ âm ỉ kèm kèm theo một chấm nâu nhỏ ở rìa móng nên ông Trần nghĩ là mình vô tình bị dập móng tay nên cứ để nó tự khỏi.
Hơn một tháng sau đó, ông bắt đầu cảm thấy khó hiểu khi một chấn thương nhỏ như vậy nhưng lại mãi không khỏi. Ông tìm tới hiệu thuốc và được kê cho một số loại thuốc bôi. Sau hai tuần tình trạng ngày càng tệ hơn nên ông được chuyển sang dùng thuốc uống kết hợp bôi bên ngoài từ một phòng khám da liễu tư. Kỳ lạ là ngón tay trỏ của ông chỉ thuyên giảm một chút, sau khi ngừng thuốc lại bắt đầu tái phát.
Người đàn ông phải cắt cụt ngón tay trỏ sau khi xem nhẹ sưng, đau móng tay hơn 3 tháng (Ảnh minh họa)
Sau hơn 3 tháng liên tục như vậy, ông Trần cảm thấy tốn kém và cơn đau ngày càng nặng ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày nên quyết định tới Bệnh viện Đa khoa Cathay (Đài Loan, Trung Quốc) thăm khám. Bác sĩ Yang Yatang tại Khoa Da liễu thuộc bệnh viện cho biết: “Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị viêm quanh móng trước đó nhưng không có hiệu quả. Sau khi nghi ngờ là ung thư, chúng tôi thực hiện sinh thiết và xác nhận bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào vảy ở giường móng tay.
Móng tay cũng là một phần của hệ thống da của toàn bộ cơ thể và đây là loại u hiếm, tỷ lệ mắc rất thấp trong các loại ung thư da. Tuy nhiên lại là khối u ác tính phổ biến nhất ở các mô xung quanh móng. Theo các thống kê gần đây, bệnh này nhiều nhất ở nam giới trong độ tuổi 50 - 70. Trong đó vị trí hay gặp u biểu mô tế bào vảy giường móng nhất là ngón cái và ngón chân cái. Nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan đến nhiễm trùng papillomavirus ở người, phơi nhiễm phóng xạ mãn tính, ngộ độc asen mãn tính và các yếu tố nguy cơ khác”.
Về các triệu chứng lâm sàng của loại u này thì rất dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn như các bất thường ở móng hoặc các vết thương mãn tính không lành. Những triệu chứng này có thể dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm quanh móng, bệnh nấm móng, mụn cóc do virus, u hạt sinh mủ và bệnh viêm quanh móng mạn tính.
Triệu chứng ung thư biểu mô tế bào vảy ở giường móng rất dễ nhầm lẫn với bệnh da liễu, nấm móng thông thường (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Yang cũng nhấn mạnh rằng, so với ung thư biểu mô tế bào vảy ở da nói chung, ung thư biểu mô tế bào vảy ở giường móng không chỉ khó phát hiện sớm và sự xâm lấn cục bộ cũng tiến triển nhanh hơn. Ông nói: “Với ung thư biểu mô tế bào vảy ở giường móng, điều trị chủ yếu dựa vào phẫu thuật. Nếu khối u xâm lấn chưa sâu và chưa xâm lấn vào xương thì phẫu thuật Mohs (tổn thương ung thư da được cắt bỏ từng lớp dưới gây tê cục bộ) hoặc các phương pháp cắt bỏ u tại chỗ, vùng tại chỗ ít xâm lấn khác sẽ được thực hiện.
Sau đó sẽ tiến hành tái tạo vạt da cục bộ, tái tạo ghép da hoặc liền vết thương thứ cấp để chăm sóc vết thương tùy theo mức độ cắt bỏ. Nếu khối u đã xâm lấn xương ở giai đoạn nặng hơn sẽ phải cắt cụt ngón tay”.
Trường hợp của ông Trần khi phát hiện u đã có dấu hiệu di căn xương, tiên lượng xấu nên buộc phải cắt bỏ ngón tay trỏ. Để không rơi vào tình trạng hối hận muộn màng như ông, bác sĩ Yang nhắc nhở nếu bạn có vết thương trên da lâu ngày không lành hoặc tổn thương ở móng thì nên đến gặp bác sĩ da liễu để đánh giá, chẩn đoán sớm và điều trị sớm.
Nguồn và ảnh: Heho, ETtoday