Chồng tôi là con trai cả trong gia đình 3 anh em, dưới anh còn có một em trai và một em gái. Mẹ chồng thiên vị 2 em, luôn bắt anh cả phải nhường nhịn, hi sinh cho các em.
Ngày đó tôi đã nhìn ra vấn đề, nhưng vì không có ý định sống chung cũng chẳng ở gần mà tới một thành phố khác lập nghiệp, định cư nên tôi không quan trọng chuyện này lắm. Tôi cứ nghĩ rằng “xa thơm gần thối”, ở xa sẽ bớt đụng chạm nhau, tránh được mâu thuẫn nhưng sau đó tôi nhận ra, mình đã quá ngây thơ rồi.
Hàng tháng mẹ chồng đều bắt vợ chồng tôi gửi về một khoản để báo hiếu bố mẹ, còn vợ chồng em trai, em gái thì không. Thực ra ông bà vẫn còn khỏe mạnh, đi làm kiếm ra tiền, lại ở chung với gia đình chú nên tôi đoán tiền vợ chồng tôi gửi về cũng là để góp gạo nuôi nhà chú mà thôi. Bởi mẹ tôi quản lý chi tiêu trong nhà, còn chú lương ba cọc ba đồng, em dâu sinh dày nên nghỉ làm 3 năm nay không có thu nhập.
Chứ nếu chỉ có bố và mẹ chồng, với đồng lương của ông bà thì quá thoải mái, căn bản không cần vợ chồng tôi gửi tiền về. Tôi từng ý kiến với chồng về việc này nhưng cứ hễ mở miệng là anh lại giãy nảy lên, trách tôi tính toán, nói rằng đó là đạo hiếu nên nhất định phải gửi tiền về cho ông bà. Vậy là mỗi tháng tôi đành chắt chiu trích ra 5 triệu để biếu bố mẹ chồng, thiếu một chút cũng không được, nếu không vợ chồng cãi vã ngay.
Để êm nhà êm cửa mỗi tháng tôi đành gửi về cho bố mẹ chồng 5 triệu. (Ảnh minh họa)
Song mấy năm nay kinh tế khó khăn, đồng lương của vợ chồng tôi eo hẹp đi vì bị cắt giảm lương. Biết tính chồng cả nể, hay sĩ diện nên tôi rào trước với chồng rằng có đi ăn, đi chơi ngoài cũng đừng tranh trả tiền hết, hoặc nói thẳng với vợ chồng em trai và em gái góp thêm một chút để đi chợ nấu cơm. Nhưng chồng lại trách tôi hẹp hòi, tính toán:
- Sao cô lúc nào cũng chỉ có tiền và tiền thế nhỉ? Anh em mấy khi có dịp quây quần đông đủ, có cả bố mẹ tôi tới lại càng hiếm. Sao cô cạn nghĩ thế, cái tình cái nghĩa mới quan trọng. Tiền hết sẽ kiếm lại được chứ cái tình mất đi thì khó kiếm lại được lắm.
Tôi nín nhịn.
Theo lịch ngày 30/4 đại gia đình nhà chồng sẽ đến nhà tôi, từ sáng sớm chồng đã giục tôi đi chợ. Vì mua khá nhiều, chợ lại xa nên 10 giờ tôi mới về tới nhà thì đã thấy nhà đông nghịt người. Thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ vào nhà, em trai em gái chào, cười giả lả rồi tiếp tục ngồi xem tivi.
Tôi khó chịu ra mặt. Thấy vậy, chồng vội vàng chạy lại xách đồ giúp tôi vào bếp rồi xoa dịu:
- Hiếm hoi cô chú mới tới chơi, họ là khách nên em chịu khó chút nhé. Để anh phụ giúp em một tay.
Thấy tôi khó chịu, chồng liền vào an ủi bảo tôi cố gắng. (Ảnh minh họa)
Nói miệng là vậy nhưng chỉ vài phút sau chồng đã bỏ ra ngoài ngồi nói chuyện với bố mẹ và các em. Một mình tôi lúi húi trong bếp nấu ăn cho hơn 10 người. Ăn xong lại một mình tôi dọn rửa, còn cả nhà ngồi bàn với nhau ngày mai sẽ đi chơi ở đâu.
Nghĩ bụng mọi người đi đường xa mệt nhọc, tôi cũng chẳng chấp nhặt làm gì. Song, qua ngày hôm sau mấy đứa em đều y như vậy, còn tôi chẳng khác gì ô sin trong nhà, nấu ăn xong là đi dọn dẹp nhà cửa, bãi chiến trường mấy đứa cháu gây ra.
Tôi được nghỉ ít, ngày 2/5 đã phải đi làm. Thế nhưng đến tối về nhà, đống bát buổi trưa vẫn chưa ai rửa, nhà tàn thuốc vương vãi dưới đất chẳng ai quét. Bực dọc, tôi kéo chồng vào bếp phàn nàn đôi câu rồi dẫn đến cãi vã, to đến nỗi mọi người trong phòng khách đều nghe thấy.
Kết quả, chẳng ai thấy chột dạ hay xấu hổ, đã vậy mẹ chồng còn mắng vọng tôi từ phòng khách. Lúc này, em chồng liền vào nhà bếp, tưởng em xin lỗi hay giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, nào ngờ em lại giở giọng trách móc:
- Cả ngày nay mọi người đi chơi mệt lắm rồi, chị đừng cãi nhau vì mấy chuyện cỏn con này nữa có được không? Thay vì tốn thời gian so đo với chồng thì chị đi nấu cơm đi, mấy đứa nhỏ đói lắm rồi.
Thấy tôi và chồng cãi nhau, em chồng còn lên giọng trách móc. (Ảnh minh họa)
Câu nói của em chồng như châm ngòi cho cơn giận trong tôi. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, bảo hôm nay tôi đi làm mệt muốn đi nghỉ sớm, mọi người tự túc ăn uống.
- Mệt thì nói mệt ngay từ đầu đi, sao em lại cáu kỉnh với mọi người. Thôi em đi nghỉ đi, khi nào hết mệt thì dậy kiếm gì ăn tạm. Anh dẫn bố mẹ và các em ra ngoài ăn rồi đi dạo biển đêm.
Tôi giận tới tím mặt. Khi mọi người đi hết, tôi thu dọn hành lý ra khách sạn ở tạm luôn, điện thoại cũng tắt để tránh nhà chồng gọi tới làm phiền. Đúng như dự đoán, ngày hôm sau khi mở điện thoại lên, tôi lấy loạt cuộc gọi và tin nhắn của chồng và gia đình nhà chồng, trong đó có tin nhắn gần nhất của chồng:
- Sao em có lớn mà còn chơi cái trò biến mất, bỏ nhà đi vậy, để bao người lo lắng. Em đi như vậy rồi thì cơm nước, việc nhà cửa ai lo cho hơn chục người. Còn cả con cái nữa chứ? Em làm mẹ, làm vợ, làm con dâu thế à?
Tôi cười khẩy rồi nhắn tin trả lời:
- Mấy hôm nay em mệt rồi. Em nhường chỗ cho anh thể hiện lòng hiếu thảo với bố mẹ, tấm lòng của anh trai cả dành cho các em đấy. Bình thường anh nói mấy việc này không tốn sức, bố mẹ và các em, các cháu ăn uống chẳng đáng là bao thì bây giờ anh tự lo đi nhé, em không rảnh. Mà em cũng nói luôn, nếu anh còn cứ như vậy thì chúng ta sẽ ly hôn.
Tôi không biết mình làm vậy có đúng không nữa nhưng mấy năm qua tôi chịu đủ rồi.