Mặc dù bị khiếm thính nhưng cô đã rất nỗ lực để đạt tới thành công như hiện tại
Jiang Mengnan xuất thần từ một ngôi làng ở huyện Yizhang xa xôi, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Lúc 6 tháng tuổi, cô bị mất thính giác sau khi dùng nhầm thuốc điều trị viêm phổi.
Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, cô hiểu được người khác nói gì qua khẩu hình môi. Cô không theo học trường dành cho trẻ khuyết tật mà học tại một trường công bình thường.
Cuộc sống của cô không có gì khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa ngoại trừ việc bị khiếm thính. Nhờ nỗ lực học tập, cô đậu vào trường Đại học Cát Lâm - một trường top đầu ở phía đông bắc Trung Quốc. Cô nhận bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành dược tại trường này.
Năm 2018, cô trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, nghiên cứu về miễn dịch khối u và máy học (một lĩnh vực thuộc Khoa học Máy tính).
Cô được đài truyền hình quốc gia CCTV vinh danh là 1 trong 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất năm 2021, cùng với người nhận giải Nobel Yang Chen-ning và vận động viên hàng đầu Su Bingtian.
Đầu tháng 5/2024, Jiang Mengnan tổ chức đám cưới tại quê nhà ở tỉnh Hồ Nam, video về buổi lễ đã lan truyền trên mạng xã hội xứ Trung, tờ Xiaoxiang Morning Herald đưa tin.
Được biết, chồng cô là bạn học cũ tại Đại học Thanh Hoa, là người tỉnh An Huy.
Tin tức về đám cưới của cô gây sốt cư dân mạng, nhiều người để lại bình luận như: "Chúc cô gái xuất sắc này hạnh phúc trọn đời", "Cô ấy đã đi qua một con đường gai góc. Câu chuyện cuộc đời của cô đã truyền động lực cho tôi. Tôi rất ngưỡng mộ cô"...
Cách đây vài năm, Jiang Mengnan đã được cấy ốc tai nhân tạo, giúp cô nghe được lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ.
Trong một báo cáo đăng trên ấn phẩm của cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa năm 2023, cô hy vọng mình sẽ tìm được vị trí giảng dạy tại một trường đại học sau khi tốt nghiệp.
Cô nói: “Tôi chưa quyết định mình sẽ cống hiến cho lĩnh vực cụ thể nào nhưng tôi đã đặt tâm trí vào nghiên cứu khoa học".
Cô cho biết, cô không nghĩ mình là người yếu đuối chỉ vì cô có vấn đề về thính giác. Cô nói: “Tôi thường nói với người khác đừng hạ thấp yêu cầu đối với tôi vì tôi không thể nghe được. Đôi khi tôi đạt điểm cao, họ sẽ khen ngợi và phóng đại thành tích của tôi. Tôi không thích điều đó. Tôi hy vọng mọi người xung quanh tôi cũng áp dụng những tiêu chuẩn tương tự đối với tôi cũng như với những người khác".