Cô Trần Thị Nghiệp (sống tại Biên Hòa, Đồng Nai) có 4 người con trai nên có tới 4 nàng dâu. Và chị Minh Thảo là dâu trưởng trong nhà. Chị Thảo cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, sau khi lấy chồng thì về Biên Hòa sống và hiện đã làm dâu của cô Nghiệp hơn 4 năm.
Cô Nghiệp cho biết, cô gặp chị Thảo lần đầu tiên trong tang lễ của bố chồng mình. Khi ấy chị Thảo về dự đám tang với tư cách là bạn của chồng. Cô ấn tượng với chị Thảo vì chị tuy có vóc người nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, mạnh mẽ, hiền lành và lễ phép.
“Hồi đó Thảo về dự đám ma của bố chồng tôi với tư cách là bạn của con trai thôi, nhưng Thảo lanh lắm, nhanh nhẹn trong mọi tình huống. Tôi hỏi cái gì mà Thảo không biết thì Thảo lên google tìm kiếm nhanh lắm rồi nói với tôi. Hay khi thấy tôi làm cái gì, Thảo cũng chạy lại bảo: ‘Cô ơi cô, để cháu làm phụ cho’. Tuy người nhỏ nhưng rất nhanh”, cô Nghiệp nói.
Chị Minh Thảo.
Nhưng điều đáng nói là khi ấy cô Nghiệp không nghĩ Thảo là con dâu tương lai, ngược lại Thảo cũng vậy. Đơn giản là thấy người lớn thì chị chào hỏi lễ phép, phụ được gì thì phụ.
Sau khoảng 1 năm từ lần gặp gỡ đó, chị Thảo chính thức làm dâu của cô Nghiệp. Chị dành những lời khen có cánh cho mẹ chồng: “Mẹ rất giỏi, kinh doanh giỏi. Mẹ là kiểu người miệng liền tay, nói là làm liền nên tôi học được rất nhiều điều từ mẹ”.
Và mặc dù là dâu cả nhưng chị khẳng định mình làm dâu rất thoải mái. Chị cho biết, chị và mẹ chồng hợp nhau về nhiều thứ. Chị tâm sự với mẹ chồng còn nhiều hơn với chồng, hợp với mẹ chồng còn hơn mẹ chồng với chồng.
Chị cho biết khi chị mang bầu, chồng đang bị kẹt lại bên Mỹ vì dịch bệnh. Khi ấy mẹ chồng là người luôn sát cánh bên chị, luôn hỏi chị cần cái gì, thiếu gì không. Khi đi sinh, mẹ chồng túc trực bên chị từ 11 giờ đêm tới 4 giờ sáng. Những điều đó khiến chị rất cảm động, luôn khắc ghi trong lòng.
Về phía cô Nghiệp, cô coi con dâu như con ruột, như một người bạn. Có một kỷ niệm khiến cô nhớ mãi, đó là khi chị Thảo mang bầu được 8 tháng thì cô phát hiện mình bị ung thư. Lúc đó con dâu đã luôn kề cạnh cô, động viên và an ủi cả mẹ chồng lẫn bố chồng.
“Người an ủi tôi nhiều nhất đó là Thảo, an ủi tôi rồi con còn an ủi bố chồng nữa, vì khi ấy tâm lý của hai vợ chồng tôi đều bất ổn. Khi tôi nằm viện, cứ một ngày 3 bữa con chạy lên mang cơm. Tôi thích ăn gì thì con sẽ mang tới. Từ đó tôi rút ra một điều rằng chưa chắc con gái đã bằng con dâu, và tôi đã nói với con dâu rằng: ‘Thật lòng mẹ coi con như con ruột’”, cô Nghiệp nghẹn ngào kể lại.
Nhưng không phải tự nhiên mà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hòa hợp được như bây giờ, cũng phải mất 6 - 7 tháng để hai mẹ con tìm hiểu nhau, và đến tận bây giờ hai mẹ con vẫn chưa hiểu nhau hoàn toàn. “Nếu mình nói, vừa gặp đã hiểu nhau, yêu thương nhau thì đó là nói dối. Mẹ con tôi lúc ban đầu cũng có va chạm, hiểu lầm nhau, nhưng sau mỗi lần hiểu lầm nhau thì tôi thương con dâu nhiều hơn vì con biết lắng nghe, biết thay đổi, biết cái gì mẹ nói sai, biết cái gì mẹ nói đúng”, cô Nghiệp chia sẻ.
Cô Nghiệp bên cạnh cháu trai.
Ngoài ra, cô cũng chẳng bao giờ la mắng con dâu. Nếu thấy cái gì con làm chưa tốt thì cô sẽ làm trong vui vẻ, làm xong thì gọi con lại để góp ý. “Dằn mâm xán chén thì mẹ chồng không hay, vì tôi từng làm dâu rồi, tôi hiểu rồi. Nếu con dâu không theo ý mình, thì mình cứ chiều theo ý con đi, sau đó con sẽ biết đúng sai. Nếu mình sai thì mình phải rút kinh nghiệm. Nếu con sai thì con phải rút kinh nghiệm”, cô Nghiệp nói.
Không chỉ cô Nghiệp mà ông Huỳnh Tấn Nghĩa (bố chồng của chị Thảo) cũng nhận xét chị Thảo là một nàng dâu hiền thảo. Ông thẳng thắn nói: “Thảo làm dâu là số 1. Tôi không ép con mình phải ngoan ngoãn, hiền lành nhưng không được hỗn hào, đừng bao giờ khinh người và phải mang giá trị đạo đức mà ông bà để lại. Và những điều đó Thảo dư luôn”.
Nhiều người e ngại mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nhất là khi nhà có nhiều chị em gái chồng, nhiều nàng dâu thì sẽ càng phức tạp. Tuy nhiên chị Thảo cho biết, mấy chị em dâu nhà chị khá thân thiết với nhau. Được như vậy là nhờ sự răn đe của bố mẹ chồng ngay từ ban đầu.
Cô Nghiệp cho biết, chị em nhà nào mà chẳng có xích mích, có những điều không vừa lòng nhau nhưng quan trọng là cách giải quyết, xử lý vấn đề thế nào. Với gia đình cô, vợ chồng cô Nghiệp đã răn đe các con dâu ngay từ đầu rằng, cho phép các con nói xấu công khai ngay trong nhà để mọi người nói chuyện thẳng thắn với nhau, cùng nhau nhìn nhận lại vấn đề xem ai đúng ai sai, chứ không được phép nói xấu sau lưng.