Gần 5 năm làm dâu, chị Nguyễn Y Quyên (28 tuổi, Bình Phước) cho rằng chị cực kỳ may mắn khi được chồng và mẹ chồng chiều chuộng.
Quyên kể, ngày xưa chị rất bảo thủ trong chuyện yêu đương. Yêu ai, chị cũng không chịu về thăm nhà chồng tương lai nếu chưa xác định chuyện cưới xin. Vì thế, quen nhau gần 4 năm, đến khi làm đám hỏi, chị mới về gặp mẹ chồng.
Ấn tượng đầu tiên giữa chị và mẹ chồng – bà Võ Thị Liêm, 52 tuổi - không hẳn tốt đẹp. Bà Liêm không đồng ý cho các con kết hôn vì chưa hiểu gì về con dâu tương lai. Bà cũng sợ các con còn quá trẻ, kết hôn xong lại đổ vỡ.
Về phía chị Quyên, chị thấy mẹ chồng khá khó gần, không cười nói vui vẻ bao giờ.
Con trai vừa giới thiệu bạn gái đã đòi cưới, bà Liêm nghi ngờ con dâu có bầu trước nên đã gọi cho chị Quyên hỏi thẳng: “Bé ơi, bé có bầu chưa? Nếu có bầu thì để mẹ qua làm liền”.
Nghe mẹ chồng tương lai hỏi câu đó, chị Quyên có chút tự ái nhưng cũng trả lời thẳng thắn: “Không mẹ, con muốn cưới chứ không phải con có bầu”.
Sau đám cưới, chị ở nhà chồng 4 ngày, rồi về ở nhà ngoại cách đó 3 - 4km theo đúng thỏa thuận giữa chị và gia đình chồng trước đó.
Chị Quyên ra điều kiện, cưới xong hai vợ chồng sẽ qua nhà ngoại ở vì nhà chị neo người
Từ đó, mẹ chồng, nàng dâu gần như không mấy khi trò chuyện gần gũi cho đến khi chị sắp sinh bé thứ nhất. Khi chị sinh em bé, bà Liêm ngày nào cũng chạy qua nhà thông gia để chăm cháu từ sáng đến tối.
“Mẹ chồng nuôi em ở cữ cả 2 lần sinh đẻ. Mẹ cũng giúp em chăm con suốt thời gian em bắt đầu buôn bán. Mẹ không bao giờ tị nạnh với nhà ngoại về việc chăm sóc con cháu” – chị Quyên chia sẻ.
“Sáng sớm mẹ qua tắm cho em bé. Nấu cơm, rửa chén… mẹ đều làm hết".
Nàng dâu Bình Phước cũng hết lời khen mẹ chồng luôn tôn trọng quyết định của chị, thay vì can thiệp vào việc nuôi dạy con. “Ví dụ như khi thấy cháu tóc dài, mẹ sẽ gọi em hỏi có đưa bé đi cắt tóc không, thay vì tự ý đưa bé đi”.
Trong sinh hoạt, chị Quyên nhận xét bà Liêm rất dễ tính. Ngày mới cưới, chị giao hẹn với chồng “em không làm dâu nổi đâu”. Bà Liêm nghe con nói vậy cũng đồng ý, chỉ suy nghĩ đơn giản “nó không về thì mình cũng vẫn phải làm những việc này”.
Tính tình thẳng thắn, chị Quyên cũng không ngần ngại chia sẻ những câu chuyện tế nhị về tiền bạc trong gia đình.
Chị kể, trước khi lấy vợ, chồng chị hay cho tiền bố mẹ. Nhưng từ khi lấy vợ, “anh không cho được ba mẹ được lấy 5 chục ngàn”, bởi vì có bao nhiêu tiền đã bị vợ “tịch thu” hết.
Thậm chí, tiền “quỹ đen” kiếm thêm của anh cũng bị chị “lột” một cách khéo léo bằng cách kêu “người ta đòi nợ” khiến anh tự nguyện chuyển khoản.
“Mỗi sáng, anh chỉ lấy 50 ngàn đổ xăng. Nhiều hôm hết xăng giữa đường, anh gọi vợ ra đổ” – chị Quyên kể.
Chị nói, việc này chủ yếu do anh tự nguyện. Chị chỉ nói với anh đúng một câu: “Có 2 đứa con rồi đó, muốn làm sao thì làm”.
Khi đã nắm giữ hết thu nhập trong nhà, chị Quyên thường biếu ba mẹ chồng tiền vào dịp tết Nguyên đán. Chị cũng nói thẳng, “các dịp đám giỗ em cũng không phụ đâu vì ông bà có tiền mà, nhiều khi còn cho lại bọn em”.
Chị Quyên chia sẻ, chồng chị "nộp" hết lương cho vợ
Nói về chồng, chị Quyên thừa nhận anh rất thương vợ.
Từ khi lấy anh, chị chưa từng phải rửa bát. “Thậm chí, có hôm về nhà chồng ăn chực, ăn xong, mẹ chồng cũng bảo ‘bé ơi, cứ để đó đi, đừng có rửa nha’. Em cũng hồn nhiên trả lời ‘con không rửa đâu, mẹ đừng có lo’”.
Chị nói, không phải vì chị kiếm ra tiền nên giao việc nhà cho chồng, mà chỉ đơn giản chị thích được cưng chiều.
Dù “bắt nạt” chồng đến vậy, nhưng chị Quyên luôn được mẹ chồng bênh vực khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.
Bà Liêm chia sẻ, điều bà mong mỏi nhất là các con sống hạnh phúc. Bà tâm sự, nhiều khi thấy vợ chồng con trai gây lộn là bà “đau tim”, nhưng không biết làm gì để khuyên nhủ.
Bà hiểu tính tình thẳng thắn của con dâu nhưng cũng khuyên con, khi đã kinh doanh, buôn bán thì nên tiết chế lời nói của mình hơn để cuộc sống được trọn vẹn.
Chồng chị Quyên cũng nhắn nhủ vợ rằng, chuyện vợ chồng gây lộn nên đóng cửa bảo nhau, không nên để cho mẹ buồn. “Anh cũng có lúc nóng tính, có gì vợ chồng bảo nhau, vun vén để gia đình hạnh phúc.
Anh là đàn ông, lại ở rể. Anh cũng có lòng tự trọng của người đàn ông. Bước ra ngoài, ai nói gì cũng được nhưng về nhà, anh cần sự tôn trọng từ em. Nhiều lúc em nói những câu, anh không biết em đã suy nghĩ kỹ chưa. Anh buồn mà không biết nói với ai”.
Nghe xong những chia sẻ của chồng và mẹ chồng, chị Quyên tâm sự, từ nay về sau, chị sẽ không đưa mẹ chồng vào thế khó xử vì chuyện vợ chồng mâu thuẫn nữa.
Chị thừa nhận, hai vợ chồng khắc khẩu nhưng xa nhau thì luôn nhớ tới nhau. Chị cũng ghi nhận anh thương chị rất nhiều.