- Em muốn nói cái gì thì nói rõ ra, cứ lắp ba lắp bắp, ăn không nên đọi, nói không nên lời
Khi nghe chồng nói câu đó, tôi đã rất tự ái, cho rằng tôi ở nhà trông con, quanh quẩn bên góc bếp nên bị tụt hậu lại. Còn chồng ra ngoài giao tiếp, gặp gỡ với nhiều người nên ăn nói trôi chảy, lưu loát hơn rồi về coi thường vợ.
Nhưng cũng từ câu nói đó mà tôi có động lực thay đổi mãnh liệt. Tôi muốn thay đổi để “trả thù” câu nói đó của chồng chứ không phải vì điều gì tích cực hơn.
Sau vài năm trôi qua, tôi đã thực sự thay đổi và được chồng khen:
- Em đã thay đổi rất nhiều so với ngày xưa.
Lúc này tôi mới gợi nhắc lại câu nói cũ của chồng, tỏ rõ nỗi lòng mình rằng chính vì câu nói đó của anh đã làm tôi phải thay đổi. Nào ngờ chồng mới ngớ người ra, anh nói đó chỉ là câu nói đùa chứ không hề có ý gì. Anh rất bất ngờ vì tôi đã thay đổi nhờ câu nói đó, cũng hối hận vì đã vô tình làm tôi tổn thương. Cũng lúc này tôi mới chợt nhận ra 2 bài học sâu sắc cho bản thân:
Ảnh minh họa
1. Không hài lòng về nửa kia điểm gì, hãy thẳng thắn nói ra
Giao tiếp là yếu tố rất quan trọng trong hôn nhân, là chìa khóa để giải quyết các vấn đề. Khi cả hai cởi mở và thành thật về các vấn đề với nhau, cùng tìm cách giải quyết thì cả hai mới hiểu nhau hơn, tin cậy lẫn nhau và nhờ đó hôn nhân sẽ bền chặt hơn.
Nếu cứ giấu ở trong lòng hoặc chọn cách chiến tranh lạnh thì vấn đề vẫn mãi nằm ở đó, không được giải quyết. Khi đó sự bức xúc, năng lượng tiêu cực trong bạn có thể sẽ tăng dần lên theo từng ngày khiến tình cảm vợ chồng ngày một xa cách hơn, đe dọa cuộc hôn nhân của bạn.
Quay ngược lại vấn đề, nếu ngay lúc chồng buông lời chê bai hoặc khi tôi đã bình tĩnh, tôi nói chuyện lại với chồng rằng tôi không hề thích anh nói như vậy. Bởi tôi đang hiểu là anh coi khinh tôi thì chắc chắn chồng sẽ giải thích cho tôi hiểu rằng, là anh đang buột miệng trêu thôi. Nếu vậy, có thể tôi sẽ không phải sống với sự khó chịu từ câu nói đó trong nhiều năm trời.
Giờ ngẫm lại tôi cũng cảm thấy may mắn vì mình đã nhắc lại câu nói đó với chồng và được nghe anh giải thích. Nếu không nói ra, có lẽ cả đời tôi sẽ hiểu nhầm chồng. Rồi một khi có bức xúc gì về chồng, tôi lại tích lại một chút rồi đến một ngày nào đó sự tiêu cực đó sẽ bùng nổ, đe dọa tới cuộc hôn nhân này mất.
Ảnh minh họa
2. Ngừng suy diễn, đừng dẫn lối mọi chuyện theo hướng tiêu cực
Chỉ là một việc rất đơn giản như chồng gọi điện báo không ăn cơm nhà vì bận công việc thôi, nhưng chúng ta có thể thêm thắt vào.
Có người thầm trách móc chồng rằng, anh không quan tâm đến gia đình, chỉ coi nhà là khách sạn, là nơi để ngủ hoặc nghĩ có thật là chồng bận công việc không,… Có người lại than thở chồng làm việc vất vả quá và càng thương chồng hơn.
Hay khi nghe chồng trêu một câu như kể trên, tôi lại nghĩ anh coi khinh mình và từ đó bớt tôn trọng chồng hơn.
Nói chung, đôi khi là do chính bản thân mình suy diễn chứ nửa kia không hề có ý gì và họ lại vô cùng bất ngờ khi biết được những suy nghĩ của bạn đấy.
Vì thế hãy ngừng suy diễn, đừng đưa câu chuyện đi theo hướng tiêu cực để mình phải dằn vặt, mệt mỏi và ủ rũ. Hãy học cách để sự kiện đơn thuần là sự kiện, hiểu nó theo đúng nghĩa đen, nếu được hãy gán cho nó câu chuyện mang ý nghĩa tích cực, còn không thì thôi, đừng suy diễn theo hướng tiêu cực nữa.
Nếu làm được như vậy, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, mối quan hệ xung quanh chắc chắn tốt lên. Chúng ta không kiểm soát được sự việc xảy đến nhưng hoàn oàn có thể kiểm soát được cách đón nhận của bản thân mà, đúng không?