1 Thịt vịt nấu măng khô
Hướng dẫn vịt nấu măng khô ngon đúng điệu chỉ với 5 bước đơn giản.
a) Chuẩn bị nguyên liệu
- Vịt: 1 con
- Măng khô: 5 lạng
- Gừng: 1 củ
- Tỏi, hành khô mỗi loại 3 củ
- Rượu trắng
- Ớt, rau mùi tàu, hành lá, rau răm
b) Công thức làm vịt nấu măng khô
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Vịt mua về rửa sạch với muối cùng hỗn hợp gừng + rượu trắng để khử đi mùi hôi. Rửa vịt lại một lần nữa với nước sạch rồi để cho ráo nước.
- Lấy 1 củ hành khô, 1 củ tỏi, gừng cạo vỏ cho lên bếp nướng sơ, khi thấy có mùi thơm là được.
- Măng khô ngâm với nước ấm. Vì măng phơi lâu ngày nên bạn cần ngâm ít nhất là 1 đêm. Thời gian ngâm măng lý tưởng là từ 2 - 3 ngày.
- Lấy phần hành tỏi khô còn lại bóc vỏ rồi băm nhỏ. Ớt và hành, mùi, rau răm rửa sạch, vẩy hết nước và thái nhỏ.
Bước 2: Luộc vịt
- Bắc nồi sạch lên bếp, đặt vịt vào rồi đổ nước ngập mặt vịt. Để nước luộc trong không nổi váng, bạn nên luộc vịt sơ qua 1 lần rồi rửa lại với nước sạch.
- Cho vịt luộc sơ vào nồi, đổ nước ngập vịt rồi thêm vào đây hành, tỏi, gừng đã nướng. Nếu có hành tây bạn có thể cho vào cùng để nước luộc vịt ngọt, thơm hơn.
- Quá trình chờ vịt chín, dùng thìa để hớt bỏ phần bọt nổi bên trên.
- Vịt chín mềm thì vớt ra để nguội.
Bước 3: Sơ chế măng
- Măng sau khi ngâm rửa sạch đem xé nhỏ.
- Bắc chảo sạch lên bếp, thêm vào đây 1 chút dầu ăn rồi đổ phần hành, tỏi băm vào phi vàng.
- Trút phần măng đã sơ chế vào, đảo đều rồi nêm nếm chút gia vị để măng đậm đà hơn. Điều chỉnh ngọn lửa nhỏ cho măng chín từ từ và thấm đều gia vị.
- Bạn cho vào chảo măng 1 chút nước và đun chừng 30 phút để măng chín nhừ.
Bước 4: Hoàn thiện món ăn
- Trút phần măng xào vào nồi nước luộc vịt. Nêm vào đây 1 thìa muối, ½ thìa mì chính, 1 thìa bột nêm rồi khuấy đều để gia vị tan đều.
- Thịt vịt chặt miếng vừa ăn. Nếu nhà có người lớn và trẻ nhỏ, bạn có thể lọc bỏ xương rồi thái miếng mỏng để ăn dễ hơn.
Bước 5: Thành phẩm
- Múc măng khô ra bát rồi xếp thịt vịt lên bên trên. Thêm hành, rau mùi tàu, rau răm thái nhỏ rồi chan nước canh lên bên trên.
Bạn có thể ăn cùng cơm trắng hoặc bún tùy vào sở thích của gia đình. Đừng quên pha một bát nước mắm chua ngọt để món canh vịt thêm tròn vị nhé.
2 Vịt nấu măng chua ăn bún
Ngày hè nóng nực, chị em vào bếp nấu 1 bát canh vịt nấu măng chua chiêu đãi cả nhà.
a) Nguyên liệu làm vịt nấu măng chua
- Vịt: 1 con (1 - 1.5kg)
- Măng chua: 5 lạng
- Gừng: 1 củ
- Chanh: 1 quả
- Hành tím: 4 củ
- Hành lá, mùi tàu
- Rượu trắng
- Nước mắm, muối, mì chính, đường, hạt tiêu, sa tế tôm
b) Chế biến vịt nấu măng chua
Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu
- Thịt vịt mua về rửa sạch rồi cho vào tô lớn. Thêm vào đây ½ củ gừng tươi giã, 1 thìa muối, ½ thìa nước cốt chanh, 1 chén nhỏ rượu gạo. Dùng tay trộn đều để gia vị ngấm vào phần thịt vịt. Ướp chừng 10 phút thì đem vịt đi rửa lại với nước lạnh. Bước này sẽ giúp thịt vịt thơm ngon, khử sạch mùi hôi.
- Măng đem rửa qua nước lạnh để giảm bớt độ chua, thái miếng. Hành lá, mùi tàu rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế vịt
- Thịt vịt sau khi khử mùi hôi thì đem chặt thành miếng vừa ăn.
- Cho vịt vào bát tô rồi bỏ vào đây: 2 củ hành tím băm nhỏ, ½ thìa hạt tiêu, 2 lát gừng, ½ thìa mì chính, ⅓ thìa đường, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm cùng 1 thìa sa tế tôm. Trộn đều hỗn hợp để thịt vịt ngấm gia vị.
Bước 3: Xào thịt vịt
- Bắc lên bếp 1 chiếc nồi sạch, cho vào đây 1 chút dầu ăn rồi bỏ hành tím vào phi thơm.
- Khi hành vàng, trút thịt vịt đã ướp vào rồi đảo cho tới khi thịt săn thì thêm khoảng 1 bát nước lọc.
- Để bếp ở ngọn lửa lớn đến khi sôi thì vặn nhỏ. Dùng thìa hớt đi phần bọt nổi bên trên để nước dùng trong và ngọt hơn.
Bước 4: Hoàn thành
- Khi nồi thịt vịt sôi chừng 20 phút, bạn kiểm tra lại và nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình.
- Cho phần măng chua đã rửa sạch ở bước 1 vào nồi canh. Đun thêm chừng 10 phút thì tắt bếp.
Bước 5: Trình bày
Múc thịt vịt cùng măng ra một bát tô lớn. Rắc thêm hành lá, mùi tàu thái nhỏ lên trên rồi chan nước dùng vào là bạn đã có một tô vịt nấu măng chua ngon nhức nhối.
Cách khử mùi hôi của vịt khi nấu
Thịt vịt tuy ngon nhưng có mùi hôi, nếu không biết cách chế biến sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hương vị của món ăn. Vậy làm thế nào để khử mùi hôi của vịt hiệu quả?
Trên thực tế, có không ít cách giúp chị em khử sạch mùi hôi của vịt, trong đó chủ yếu sử dụng các nguyên liệu quen thuộc có sẵn trong nhà bếp như chanh, gừng, giấm ăn...
a) Dùng gừng
- Gừng cạo vỏ, đập dập rồi cho vào bát đựng vịt.
- Nêm thêm muối, hạt tiêu, rượu trắng và chà xát lên da vịt.
- Ủ khoảng chừng 30 phút thì rửa lại thịt vịt với nước sạch và để ráo nước.
Khi luộc vịt bạn cũng cần thêm vài lát gừng vào nồi để thịt vịt và nước dùng thơm hơn.
b) Dùng chanh/giấm
Chanh và giấm là nguyên liệu khử mùi hôi của vịt cực kỳ tốt. Chanh đem cắt lát rồi chà xát lên phần thịt vịt. Làm tương tự với giấm. Để khoảng chừng 10 phút thì rửa vịt lại với nước sạch rồi để ráo.
c) Cắt bỏ phao câu
Một trong những bộ phận hôi nhất của vịt là phao câu. Vì thế, để loại bỏ mùi hôi khó chịu, bạn có thể cắt bỏ phần này đi nhé. Đừng quên rửa vịt bằng muối để thịt vịt thơm và ngon hơn.
Những người không nên ăn thịt vịt nấu măng
Thịt vịt nấu măng là món ăn ngon, nhiều dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn. Dưới đây là một số nhóm đối tượng tuyệt đối không nên ăn thịt vịt nấu măng dù thèm đến mấy.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ
Thịt vịt là loại thịt dai và khó tiêu, người cao tuổi và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa yếu nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên ăn nhiều.
Phụ nữ mang thai
Trong măng có chứa hàm lượng không nhỏ các độc tố glucozit. Khi vào cơ thể, chất này sẽ phân hủy và sản sinh ra acid xyanhydric có thể gây ngộ độc. Trên thực tế. đã có không ít bà bầu phải nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn canh vịt nấu măng.
Người bị bệnh dạ dày
Nghiên cứu đã chỉ ra, trong măng chứa nhiều độc tố gây hại cho dạ dày vì thế những người mắc bệnh này tuyệt đối không nên ăn.
Người bị gout
Vịt nấu măng được xếp vào nhóm các món ăn có tác dụng làm gia tăng tốc độ tổng hợp các acid uric trong cơ thể. Những người bị gout nếu ăn loại canh này sẽ khiến tình trạng đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn.