1. Cách dùng gia vị
Trong nấu ăn, cách dùng gia vị là rất quan trọng. Quy tắc đầu tiên, món ăn nào cũng cần muối. Đây là hương vị cơ bản và có khả năng dung hòa các gia vị khác nhau từ đó giúp món ăn thơm, ngon hơn.
Thứ hai, xì dầu, đường, hạt nêm đều là các gia vị có tác dụng tăng độ tươi ngon. Trong đó đường đảm nhận vai trò giúp tăng độ tươi của thực phẩm. Xì dầu và hạt nêm tạo vị đậm đà. Bạn đừng quá lạm dụng các loại gia vị này vì dễ khiến món ăn mất đi độ thơm ngon.
Thứ ba, giấm, ngũ vị hương và các loại dầu thực vật có tác dụng tăng hương thơm. Nếu là rau xào thì nên dùng mỡ lợn sẽ thơm và béo hơn. Giấm sẽ cần trong các món ăn cần vị chua đồng thời nó có khả năng khử mùi hôi. Bột ngũ vị hương dùng nhiều trong thịt nướng nhưng cũng đừng cho quá nhiều.
Các loại gia vị khác có thể sử dụng như: Dầu hào, tương ớt… Lưu ý, đừng quá lạm dụng chúng.
Trường hợp món ăn bị quá mặn, quá chua, quá đắng hoặc quá cay thì bạn có thể thêm 1 lượng đường trắng nhất định. Loại gia vị này sẽ giúp trung hòa hương vị, nhờ đó mà món ăn ngon và hấp dẫn hơn.
2. Cách chiên thịt mềm ngon
Để chiên thịt mềm, ngon bạn cần nắm được những phương pháp sau:
Đầu tiên, hãy thái thịt đúng thớ để miếng thịt mềm, thơm và không bị nát.
Thứ hai, ướp thịt chung với muối, xì dầu, hạt tiêu sau đó cho lòng trắng trứng cùng 1 chút tinh bột. Cuối cùng là phủ 1 lớp dầu ăn để khóa ẩm, như thế dù bạn chiên rán thế nào vẫn giữ được độ ngon mềm.
Thứ ba, đun nóng dầu ăn rồi đổ ra bát, tiếp đến là thêm lại dầu sau đó mới cho phần thịt đã ướp vào. Đảo nhanh và đều tay tới khi thịt chuyển màu thì gắp ra, bằng cách này thịt chín vàng ươm, đẹp mắt.
3. Cách chiên rán vàng giòn hơn
Muốn món chiên có lớp vỏ vàng, giòn thì bạn nhất định phải chuẩn bị hỗn hợp bột gồm: Bột mì, bột bắp, trứng, bột nở, muối, sữa chua và 1 lon bia. Khuấy đều tất cả các nguyên liệu là xong.
Bạn nhúng thịt, rau củ vào bát bột sau đó đem chiên ngập trong dầu nóng. Nên chiên làm 2 lần như thế vỏ sẽ vàng, giòn hơn. Đặc biệt, với phương pháp này khi nguội đồ ăn cũng không sợ bị ỉu, mềm.
4. Chần nguyên liệu
Chần là kỹ thuật nấu ăn không thể bỏ qua. Thao tác này sẽ giúp khử mùi tanh, loại bỏ độc tố, làm chín một phần nguyên liệu.
Đối với rau củ, chần sơ là cách để loại bỏ độc tố. Nhất là với một số loại rau như mồng tơi, ngồng tỏi… việc chần sơ là rất cần thiết. Bạn nên thêm dầu ăn, muối vào nồi nước để giữ cho rau bóng đẹp, xanh mướt mắt.
Thời gian chần rau là khác nhau. Thông thường, bạn sẽ cần 30 giây với rau lá xanh, 1 - 3 phút với các loại rau cứng, lâu chín.
Đối với thịt, cá, chần sơ sẽ giúp khử mùi tanh, hôi hiệu quả. Bạn chỉ cần cho thực phẩm vào nồi, thêm nước cùng các loại gia vị như hành lá, gừng, rượu nấu ăn sau đó đun sôi 3 - 5 phút thì hớt bọt và tắt bếp.
5. Bí quyết nấu canh
Nước canh cá, xương heo có màu trắng sữa mùi vị sẽ thơm và đậm đà hơn. Bởi đây là lúc quá trình nhũ hóa protein, chất béo diễn ra hiệu quả nhất.
Nếu muốn nước canh đạt được điều này, bạn cần nấu ở ngọn lửa lớn để protein, chất béo nhũ hóa tốt. Với canh cá, bạn nên rán sơ qua trước khi nấu như thế nước canh sẽ thơm và có màu đẹp như ý.
Trường hợp bạn muốn nước canh trong thì chỉ cần đun với lửa nhỏ. Tuy nhiên, canh này sẽ nhạt và không có mùi thơm, vị đậm như cách nấu trên.
6. Đun nóng dầu ăn
Nhiệt độ của dầu ảnh hưởng trực tiếp tới món ăn. Nếu chiên thịt bạn cần sử dụng dầu nóng ở ngưỡng 30 - 40% như thế miếng thịt sẽ mềm và không bị cứng.
Với các món xào bạn cần đun dầu nóng ở mức nhiệt cao, khi xào thực phẩm sẽ được làm chín trong thời gian ngắn nhất, nhờ đó hương vị cũng ngọt và thơm hơn.
7. Cách sử dụng gia vị
Những món kho, hầm sẽ dùng nhiều gia vị hơn các cách chế biến thông thường. Có 4 loại gia vị quan trọng là tiêu, hồi, quế, ớt. Chúng đảm nhận vai trò giúp món ăn có vị tê, nồng, cay kích thích vị giác của người ăn.
Ngoài ra, các món xào cũng ưu tiên sử dụng những loại gia vị này. Tuy nhiên, người ta sẽ sử dụng hạt tiêu, ớt nhiều hơn là quế, hồi.