Gần đây chiếc bánh mì đen như than đang gây xôn xao khắp mạng xã hội nhờ màu sắc lạ lùng của nó. Thực tế, cách đây gần một năm, chiếc bánh mì than tre này đã được một nhóm bạn ở Quảng Ninh tạo ra mang đặc trưng quê hương vùng mỏ của mình. Dần dần, chiếc bánh được nhiều người, nhiều nơi quan tâm và làm theo. Điểm lạ của món ăn là màu vỏ bánh, được tạo màu từ bầu mực và tinh than tre. Khi nướng lên, lớp vỏ vẫn có độ giòn.
Chị Phương Thùy
Là người Quảng Ninh, chị Phương Thùy cũng không thể bỏ qua món bánh độc đáo, đang được nhiều người săn lùng như vậy. 8X chia sẻ, "Xếp hàng mua chiếc bánh mì kẹp bò ăn thử thấy ngoài cái màu quá đặc sắc thì hương vị cũng như bánh mì bình thường, theo quảng cáo thì bánh được làm từ “Tinh than tre”. Thế là mình quyết định làm thử, ý nghĩ nảy ra trong đầu là cứ làm như bánh mì thông thường rồi thêm tinh than tre vào cho nó thật đen".
Bánh mì đen của chị Phương Thùy
Chị cũng cho biết, mình chỉ là dân nghiệp dư nên làm bánh mì mình học trên mạng theo công thức bánh mì bình thường của chị Nga Huỳnh sau đó có biến tấu 1 chút cũng như thêm Tinh than tre để bánh có 1 diện mạo mới. Bạn có thể tham khảo cách làm bánh mì than tre của chị Phương Thùy dưới đây:
Nguyên liệu:
- 290gr bột mì (bột số 13 hoặc đa dụng)
- 8gr tinh than tre
- 170gr nước lạnh (nước có chút đá lạnh)
- 4gr men instant (mình dùng men nhãn đỏ). Nếu dùng men khô thì phải kích hoạt trước khi trộn vào bột.
- 2gr muối
- 10gr đường
- 1/2 trứng gà
- 7ml giấm
- 7ml dầu ăn
Cách làm:
- Cho bột vào âu trộn đều bột với tinh than tre sau đó tạo 3 lỗ trên bột, thêm vào từng lỗ: men, đường, muối (tránh để muối và men tiếp xúc trực tiếp với nhau) Sau đó trộn đều hỗn hợp lên.
- Tạo 1 hố sâu giữa âu bột thêm trứng gà, nước lạnh, dầu ăn vào sau đó dùng máy đánh trứng (que xoắn) hoặc máy nhào bột chuyên dùng thì càng tốt hoặc cũng có thể nhào tay.
Mình dùng que xoắn bật máy ở tốc độ chậm trộn từ từ sau khoảng 5 phút nâng dần tốc độ nhồi đến khi bột mịn, dai hơn, bột tuy còn ướt nhưng dễ dàng nhào thành khối bắt được màng mỏng (thời gian nhồi khoảng 15-20 phút).
- Nhồi đến khi bột dẻo, dai và kéo được màng. Nếu bột ướt, thêm chút bột khô vào tay rồi nhồi, không nên thêm nhiều vì bột bánh mì phải ướt không được khô quá.
- Khi bột đạt, chia thành 5 phần (mỗi phần khoảng 100gr) hoặc làm bánh nhỏ có thể chia thành 10 phần hoặc 15-20 phần với bánh mini. Vo tròn từng phần bột bằng cách kéo túm bột sau đó khum bàn tay vê bột trong lòng bàn tay cho bột tròn sau đó che màng bọc thực phẩm để bột nghỉ 15 phút.
- Sau 15 phút, lấy từng phần bột nhào sơ lại khoảng 30 giây - 1 phút rồi tiến hành cán bột tạo hình bánh mì. Cán mỏng bột thành hình thoi sau đó cuộn dần bột lại. Dùng 2 tay khum vê 2 đầu bánh tạo hình bánh mì.
- Đặt bánh đã tạo hình vào khuôn nướng bánh mì.
Sau đó đặt khay bánh mỳ vào lò nướng, dưới đặt 1 khay nước 1/2 nóng và 1/2 lạnh đóng lò lại ủ đến khi bột nở 70%. Lấy bánh ra, vẫn để lại khay nước. Bánh lấy ra lấy màng bọc che lại nhẹ nhàng cho khỏi khô.
- Bật lò ở 250 độ (lò nhà mình đây là nhiệt độ cao nhất) trong 20 phút để lò ổn định nhiệt. Khi nhiệt đã ổn định, dùng dao lam (hoặc dao dọc giấy) nghiêng 45 độ rạch trên mặt bánh 1 lần rồi lại rạch sâu tiếp vào đó lần 2. Xịt nướng lên bánh và vết rạch.
- Cho bánh vào lò rãnh giữa nướng 5 phút, mở lò xịt nhanh nước rồi đóng lò hạ 220 độ nướng thêm 15 phút nữa. Tuỳ từng lò mà căn chỉnh cho phù hợp.
Bánh mì đen có thể kẹp với nhiều loại nhân mà bạn thích hoặc ăn cùng trứng hay bò sốt vang đều được.
Chúc các bạn thành công!