Bánh mỳ hoa cúc (nguồn gốc từ Pháp) hay còn có tên gọi là Harrys Brioche đã từng "gây nghiện" với nhiều người bởi hương vị ngon, mềm xốp, nhưng không quá ngọt lại thơm lừng.
Hiện tại, muốn ăn chiếc bánh mì này không cần phải ra hàng mua mà ngay tại nhà chị em cũng có thể làm được. Nếu không có lò nướng thì thực hiện nướng bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu cũng rất đơn giản và tiện. Dưới đây là cách làm của chị Thanh Hoan (Hà Nội), các bạn có thể tham khảo nhé:
Chị Thanh Hoan
Thành phẩm bánh mì hoa cúc do chị Thanh Hoan làm
Nguyên liệu
- 38 g bơ lạt
- 80 g whipping cream
- 40 g sữa tươi không đường
- 90 g đường
- 3 ml (1/2 muỗng cà phê) chiết xuất vani
- 2 g (1/2 muỗng cà phê) muối
- 2 quả trứng gà (110 – 120 g cân cả vỏ)
- 260 - 300 g bột bánh mì (bột mì dai/ số 13)
- 5 g (1.5 muỗng cà phê) men instant
- 20 g hạnh nhân lát để trang trí
Cách làm
Bước 1. Cho bơ, kem tươi, sữa tươi và đường vào âu. Đun cách thuỷ, quấy liên tục tới khi bơ tan chảy, nguyên liệu hoà quyện hết. Để hỗn hợp nguội về khoảng 30 – 35 độ C (sờ vào thấy hơi ấm). Nếu hỗn hợp quá nóng thì có thể làm chết men khi trộn men vào.
Bước 2. Đập 2 quả trứng vào bát, đánh tan nhẹ, không đánh bông.
Bước 3. Cân bột thành 2 phần: phần thứ nhất gồm 260 g bột (khoảng chén - cup) và 5g men, trộn đều. Phần thứ 2 gồm 50g bột.
Bước 4. Khi hỗn hợp sữa bơ đã nguội bớt thì cân 75 g trứng (1.5 quả), cho vào âu hỗn hợp này. Thêm 2g muối và vani. Trộn đều các nguyên liệu. Phần trứng còn thừa giữ lại để quét mặt bánh.
Bước 5. Cho 1/2 lượng bột trộn men (phần bột thứ nhất) vào âu đựng bơ sữa trứng, trộn tới khi hoà quyện. Cho nốt phần bột và men còn lại, trộn đều.
Bước 6. Tới bước này, có thể dùng khăn đậy âu khoảng 10 – 15 phút cho bột ngấm ẩm rồi làm tiếp. Nếu sau khi để 15 phút mà bột vẫn còn rất ướt thì tiếp tục cho bột từ phần thứ hai (50g) vào. Mỗi lần cho khoảng 10 – 15g, trộn đều rồi kiểm tra bột. Khi bột còn hơi ướt và dính tay, không quá dính âu thì dừng lại.
Nhồi bột bằng tay khoảng 10 – 15 phút tới khi bột mịn, dẻo, đàn hồi tốt, ấn lên bột thấy vết lõm phồng trở lại.
Cho bột vào âu có quét 1 lớp dầu ăn mỏng, lật bột để bên ngoài khối bột được bao bởi dầu ăn (tránh cho bột bị khô khi ủ). Đậy âu bằng khăn ẩm, ủ ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở gấp đôi. Thời gian ủ dao động trong khoảng 60 – 90 phút tuỳ nhiệt độ. Ở nhiệt độ ấm áp bột sẽ nở nhanh hơn.
Khi bột đã nở gấp đôi thì ép cho hơi khí trong bột thoát ra ngoài. Nhồi lại nhẹ nhàng 1 – 2 phút để các thớ bột được “thả lỏng và thư giãn”. Tạo hình bột thành khối rồi cho vào âu, đậy khăn, ủ lần 2 ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở gấp đôi. Lần ủ này nhanh hơn lần đầu tiên, khoảng 40 – 70 phút tuỳ nhiệt độ ủ. Nếu có thời gian, nên bọc kín khối bột bằng nilon bọc thực phẩm rồi ủ trong tủ lạnh khoảng 2 – 2.5 giờ (tới khi bột nở gấp đôi). Bột ủ trong tủ lạnh sẽ dễ tạo hình hơn và bánh cũng ngon, thớ dai hơn.
Bước 7. Sau khi ủ lần hai, ép cho khí thoát ra khỏi khối bột rồi nhồi lại nhẹ nhàng khoảng 1 phút. Cân và chia bột thành 3 phần. Vê mỗi phần thành sợi dài dài hơn độ dài của khuôn một chút. Tết 3 sợi bột thành "bím tóc". Đặt bột vào khuôn. Đậy khăn ẩm, ủ ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở khoảng 80%.
Lưu ý: dùng khuôn kim loại thường thì nên quét bơ trong khuôn rồi rắc bột cho đỡ dính.
Bước 8. Bật nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 200 độ C trong 5 phút. Hoà phần trứng thừa với 1 thìa nhỏ nước (5 ml), lọc qua rây nhẹ nhàng, thêm 1 thìa dầu ăn trộn đều rồi nhẹ nhàng quét trứng lên mặt bánh. Xếp hạnh nhân lát lên trên.
Đặt bánh trên khay bật nồi chiên không dầu, 160 độ C khoảng 15 phút. Sau đó lấy giấy bạc đậy lại nướng tiếp 5 phút. Không nướng quá lâu, bánh sẽ dễ bị khô.
Như vậy là hoàn thiện chiếc bánh mì hoa cúc thơm ngon hấp dẫn rồi
Chúc các bạn thành công!