Theo tục lệ của người Việt từ xa xưa, cúng giao thừa là việc không thể thiếu khi thời điểm năm cũ kết thúc, mở đầu một năm mới. Việc cúng giao thừa là để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Cứ hết một năm, vị Thiên binh cũ sẽ giao công việc cho vị Thiên binh mới để cai quản. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Các vị Thiên binh chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Do đó, tuỳ vào điều kiện mỗi gia đình mà người ta sắm lễ vật, chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa để thể hiện tấm lòng thành kính đôi với các vị Thiên binh.
Thông thường, cúng giao thừa sẽ gồm 2 lễ cúng, đó là lễ trong nhà và ngoài trời. Chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt - Công ty Phong thủy Việt Nam: “Cúng giao thừa là cúng vị chư thiên cai quản năm mới và tiễn chư thiên cai quản năm cũ đi nên phải cúng ngoài trời trước rồi mới cúng gia tiên, thần linh trong nhà”.
Lễ cúng giao thừa trong nhà
Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh, lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới. Cúng giao thừa là một nghĩ lễ thành kính và trang trọng, do đó, toàn thể thành viên trong gia đình sẽ đứng trước bàn thờ gia tiên cầu khấn cho một năm mới được khỏe mạnh, vạn sự may mắn tốt lành.
Các lễ vật cần chuẩn bị để cúng giao thừa trong nhà bao gồm:
- Hương hoa, vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu
- Bánh kẹo
Bên cạnh các lễ vật trên, gia chủ cần chuẩn bị mâm cỗ mặn ngày Tết đầy đặn, thơm ngon, tươi mới để làm lễ cúng. Các món ăn thường là các món truyền thống như gà luộc, nem rán, chả giò, canh măng, xôi, miến xào, bánh chưng... Tuy nhiên gia chủ có thể thay đổi theo khẩu vị, hoàn cảnh gia đình, quan trọng là tấm lòng thành tâm.
Sau khi bày các lễ vật và mâm cỗ cúng lên ban thờ thì đốt nến, thắp nén hương thơm và thành kính cầu khấn.
Mâm cỗ mặn cúng giao thừa trong nhà cũng giống mâm cỗ Tết (Ảnh Hồng Nhung)
Lễ cúng giao thừa ngoài trời
Chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh cho biết, để chuẩn bị cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật:
- Hương
- Hoa
- Đèn nến
- Trầu cau, rượu
- Quần áo, mũ thần linh
Ngoài các lễ vật kể trên còn phải chuẩn bị một mâm cỗ mặn gồm xôi, thủ lợn luộc, gà trống luộc, bánh chưng và các ăn khác trong ngày Tết… Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời (Ảnh minh họa)
Chuyên gia lưu ý, mâm cỗ và lễ cúng giao thừa phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, thành kính. Vào đúng thời điểm giao thừa người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rất khấn vái trước án.
Thời điểm sau khi thắp hương ngoài trời, nên đóng cửa ban công, bởi theo tín niệm dân gian, có thể các vong linh cơ khổ cũng ghé theo xin hưởng.
*Bài viết mang tính chất tham khảo