Khác hẳn với miền Nam và miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết miền Trung mang đậm hương vị của một miền đất cằn cỗi với khí hậu khắc nghiệt và thể hiện được sự chăm chỉ, cần cù chịu thương chịu khó của người dân miền Trung. Dẫu quanh năm gặp nhiều khó khăn từ thiên tai bão lũ nhưng mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây vẫn luôn được bày biện đủ đầy với mong muốn có một cái Tết sung túc để cầu cho một năm mới “mưa thuận gió hòa”. Vậy thì trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung sẽ có những món ăn gì?
Bánh tét
Bánh tét thì miền Nam cũng có, thế nhưng nếu có dịp ghé, bạn sẽ thấy món ăn ngày Tết không thể thiếu này ở miền Trung lại bình dị đến mức khó tưởng. Không quan trọng nhiều màu sắc, đôi khi cũng chẳng cần có nhân, bánh Tét miền Trung chỉ cần đôi ba lon nếp, một ít lá chuối xanh, ít muối, ít tiêu cũng đủ làm nên hương vị Tết.
Nguyên liệu càng đơn giản, không có nhân thì bánh sẽ càng giữ được lâu. Chẳng thế mà, mỗi gia đình miền Trung chỉ làm dăm ba đòn bánh Tét có nhân, còn lại để không, ra năm chiên giòn rụm ăn kèm vài lát dưa món, chẳng mấy chốc mà hết cả đòn...
Thịt ngâm nước mắm
Sau bánh tét thì mâm cỗ miền Trung còn có món thịt heo ngâm nước mắm được cắt lát mỏng ăn kèm. Thịt heo ngâm nước mắm thơm ngon đậm đà, tốn khoảng 3 ngày để làm, vì vậy người dân miền Trung thường làm chuẩn bị trước cho thịt heo ngấm đậm gia vị. Được chế biến từ thịt heo luộc trong nước mắm pha đường, sau đó cho thịt luộc vào trong hũ thủy tinh, đổ nước mắm vào cho ngập thịt, thêm vài củ hành nướng sơ qua vào cho thơm, để 3 ngày là ăn được.
Món ăn giản dị này chắc chắn chỉ có thể ở trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung mà thôi. Đặc biệt, vị mặn của món thịt heo kết hợp với dưa món, hay cùng bánh tráng thì càng hấp dẫn hơn. Đây cũng là một trong những món ăn mà những người con của dải đất miền Trung cực kì yêu thích mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Chả bò/Giò bò
Tiếp theo một món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung chính là chả bò tiêu sọ, những khoanh chả bò nâu đỏ, xen lẫn là những hạt tiêu sọ đen. Món ăn có mùi thơm đặc trưng này “sở hữu” tất tần tật các vị mặn, ngọt, giòn, dai hòa quyện với mùi cay nồng đặc trưng của tiêu đen, để lại dư vị không thể nào quên nếu đã từng được nếm thử. Chả bò tiêu sọ có thể ăn kèm với hành tươi, rau thơm hoặc ăn cùng với bánh mì đều rất ngon.
Nem chua
Nem chua được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn với bì, gia vị, tỏi thái lát, lá đinh lăng hoặc lá ổi rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Nem chua có vị chua thanh, giòn cay khiến cho thực khách ăn một rồi lại muốn ăn nhiều thêm nữa. Khi khách đến nhà chơi thăm hỏi vào dịp Tết, người miền Trung thường mời khách vài ly rượu nhâm nhi cùng nem chua là không gì bằng.
Dưa món
Dưa món gần như là món ăn quốc dân trong ngày Tết đâu đâu cũng có. Thế nhưng phải chăng dưới cái nắng gay gắt của miền Trung mà nguyên liệu làm dưa món giòn dai và cay nồng hơn bất cứ đâu, hay chăng đó là sự ưu ái riêng cho mảnh đất đầy nắng gió này. Đúng là món này ở đâu cũng có, ở đâu cũng làm được nhưng cái vị riêng biệt của dưa món miền Trung chắc chẳng đâu sánh được.
Dưa món được làm từ đu đủ xanh, cà rốt, hành kiệu, ớt, tỏi… ngâm với nước mắm ngon được ăn kèm với bánh tét, nhất là bánh tét chiên giòn rụm.
Các món bánh
Trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung không thể thiếu các loại bánh đặc trưng của từng vùng như bánh tổ (Quảng Nam), bánh in (Bình Định, Quảng Ngãi), bánh phu thê (Huế)... Một trong số đó phải kể đến bánh tổ, đây là một món bánh khá đặc biệt, là sự kết hợp hòa quyện của gạo nếp, đường đen và mè. Bánh tổ thường được làm nhiều một lúc để sử dụng dần, và nó chỉ xuất hiện vào những ngày cận kề Tết. Khi ăn thì có người thích cắt ra từng miếng, ăn ngay, còn có người nướng trên bếp than cho mềm hoặc chiên cùng với dầu cho ngon.