Từng là một nhân viên y tế nhưng khi lập gia đình, chị Hồ Thị Sáu (43 tuổi, TP An Dĩ, Bình Dương) đã tạm gác công việc để ở nhà nội trợ, chăm sóc nhà cửa. Cũng chính vì thế mà bà mẹ 2 con có nhiều thời gian hơn cho việc bếp núc. Với chị, nấu ăn không chỉ là nghĩa vụ đối với chồng con mà còn là đam mê khó có thể dứt ra được.
Chị Hồ Thị Sáu.
Chị tâm sự, mỗi ngày mình đều vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Để có thể nấu được nhiều món hấp dẫn như hiện tại, chị Sáu thường tham khảo công thức trên các hội nhóm nấu ăn ở facebook, qua các trang báo, youtube... Chính chồng con là nguồn cảm hứng để chị tăng niềm đam mê bếp núc, tạo ra nhiều bữa cơm tốt cho sức khỏe gia đình.
Bà mẹ đảm cho biết, cách đây hơn một năm, nhà chị vẫn còn thuê nhà trọ. Hiện tại đã có nhà riêng nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhớ những mâm cơm ngày đó. Thời gian ấy ông xã chị thường xuyên vắng nhà, chị có các cháu học đại học ở cùng. Bất cứ khi nào ông xã về cả nhà lại luôn những bữa cơm sum họp, tươm tất.
Mỗi bữa như vậy chị sẽ nấu cho 4 người lớn và một bé 3 tuổi thưởng thức. Thời gian nấu ăn cũng tuỳ vào từng món ăn và từng bữa. Nói chung, mỗi bữa vừa sơ chế vừa nấu chị sẽ mất thời gian dao động từ 30 phút đến 1 giờ 30 phút.
Vốn là người đảm đang, chăm chỉ nên dù nấu ăn rất ngon và chiều theo sở thích của các thành viên trong nhà nhưng chị Sáu vẫn phải lên chi phí cụ thể cho từng bữa sao cho phù hợp với thu nhập gia đình. "Mình thường lên chi phí tuỳ theo số lượng người ăn và món ăn. Những mâm cơm này mình nấu vào năm ngoái giá cả còn rẻ thì dao động từ 80 đến 150 nghìn đồng, còn thời điểm hiện tại nấu những mâm như vậy chi phí tầm 130 đến 250 nghìn đồng", chị nói.
Cũng như nhiều chị em nội trợ khác, khi vào bếp, chị Sáu luôn quan tâm đến việc nấu ăn sao cho vừa ngon, vừa bổ lại có giá phải chăng. Vì thế, để ý sẽ thấy mâm cơm nào nhà chị cũng đều có cá, thịt, rau củ và đầy đủ trái cây, tuy không cao sang nhưng luôn giàu dinh dưỡng và ngon miệng. Đặc biệt, khi nhìn bữa ăn của chị Sáu, nhiều người còn hết lời khen về sự gần gũi, thân thuộc. Có người còn cảm thấy nhớ quê hương, nhớ mẹ từ những mâm cơm chị làm.
Để bữa cơm bớt ngán ngấy nên khi chế biến, chị Sáu thường hạn chế làm các món nhiều dầu mỡ mà thay thế vào đó nhiều rau xanh. Chị cũng hay nấu lẩu, bún phở,... giúp cả nhà "đổi gió". "Ngoài những bữa cơm gia đình thì mình thường nấu thêm các món bún chả cá, bún chả giò, các món cuốn, các món mì hoặc các món lẩu", chị kể. Nhờ thế, ai ăn cơm chị nấu cũng đều rất thích.
Chẳng thế mà ông xã chị luôn nói, “Dù đi ăn ở đâu cũng không ngon và hợp khẩu vị như cơm nhà nên về nhà ăn cơm vợ nấu vẫn ngon nhất”. Chính những lời khen giản dị của chồng lại càng là động lực để chị Sáu yêu bếp mỗi ngày.
Đối với 8X, mâm cơm gia đình vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Nó là sợi dây gắn kết cả nhà lại với nhau, cùng chia sẻ những chuyện đã xảy ra trong một ngày. Cũng vì vậy mà chị Sáu luôn duy trì thói quen nấu ăn và không muốn bỏ qua giây phút sum vậy hiếm hoi trong ngày của cả nhà.