Chủ nhân của những bữa ăn tại gia siêu đẳng cấp này là chị Quỳnh Trang, 37 tuổi ở Hà Nội. Hiện tại chị đang sống cùng gia đình nhỏ và bố mẹ chồng. Là người đi làm giờ hành chính nên không phải lúc nào chị Trang cũng có thể bày biện món ăn kiểu tiệc tùng như vậy. Nhưng chị sẽ bày vẽ vào những dịp cuối tuần để cả nhà có không gian tại gia như nhà hàng, đây cũng là dịp để chị mời bạn bè đến nhà thưởng thức những món ăn và trình sắp đặt ẩm thực của mình.
Chị tiết lộ, số khách lớn nhất chị đã phục vụ là 14 người, thời gian chuẩn bị cho 1 bữa tiệc cầu kỳ có thể sẽ mất đến nửa ngày.
Chị Trang cho biết trước khi lập gia đình chị vốn không phải là tuýp phụ nữ thích nội trợ, thậm chí chị còn vụng về là đằng khác bởi nấu bữa cơm đơn giản một cách tử tế với chị cũng là khó khăn.
Chị phát hiện ra niềm đam mê với bếp núc lại từ một món đồ uống mình thích là rượu vang. Từ mê món đồ uống này nên chị tìm hiểu sâu hơn và biết ẩm thực đi cùng với rượu vang là một thế giới để khám phá vô cùng lý thú. Vì vậy chị đã bước sâu vào thế giới của đồ Âu, Nhật, Hàn; của những món ăn không chỉ ngon mà còn được "decor" một cách cầu kỳ, tỉ mỉ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.
“Trong thời gian dài diễn ra dịch Covid, có những thời điểm Hà Nội thực hiện “giãn cách xã hội”, nhà hàng quán ăn phải đóng cửa hoàn toàn, mình đã nghĩ ra sao không biến không gian nhà mình thành “nhà hàng”, và bàn ăn nhà mình chính là nơi có thể thưởng thức các món Fine-dining để vẫn được thay đổi không khí, lại được thỏa đam mê sáng tạo”, chị Trang tâm sự.
Cứ như thế rồi chị bước chân vào cuộc chơi ẩm thực không qua khóa học hay trường lớp nào, chỉ nhờ chịu khó học hỏi trên mạng, các nguồn Youtube, Pinterest, các Group trên facebook, chương trình thực tế về nấu ăn… và bằng chính trải nghiệm của bản thân khi thưởng thức món ăn ở các nhà hàng cao cấp.
Chị Trang tâm niệm đã không làm thì thôi, chứ đã làm là phải “đúng điệu” và chuẩn vị, chị không bao giờ qua loa để món ăn thiếu nguyên liệu hoặc làm tạm cho có. Vì vậy, dù làm món ăn Âu, Thái, Nhật, Hàn thì chị cũng chuẩn bị nguyên liệu chu đáo trước khi bắt tay vào nấu. Chị Trang cho rằng phải mua được đầy đủ các nguyên liệu đặc trưng, đúng chuẩn đã sau đó mới nghĩ đến phương pháp chế biến và sự sáng tạo riêng.
Có nhiều người nghĩ rằng phụ nữ nấu ăn chỉ là để phục vụ chồng con, điều đó cũng không sai, nhưng chưa hẳn đúng. Vì với chị Trang nấu ăn trước tiên là để thỏa mãn sở thích của bản thân, chị đã nhận thấy lợi ích của việc xả stress khi nấu nướng.
“Vì mình sẽ tập trung vào món ăn mà quên hết áp lực cuộc sống công việc, hay những điều không vui. Thời gian cùng gia đình bạn bè thưởng thức những món ăn ngon, được mọi người trầm trồ, thích thú hay ngạc nhiên, được chồng và con mình tâng bốc “mẹ/vợ là đầu bếp chuẩn 5 sao” thì mình vui thật. Đó cũng là niềm hạnh phúc rất đàn bà đấy”, chị Trang trải lòng.
Hóa ra không có người phụ nữ vụng về mà chỉ có những người phụ nữ chưa từng cố gắng vì đam mê. Chính chị Trang đã thú nhận: “Mình đã bất ngờ với bản thân khi có thể làm tốt việc mà mình chưa bao giờ nghĩ là sở trường, và tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể chưa khám phá hết khả năng của chính mình”.
Nhìn những bữa tiệc tại gia của chị Trang thì ai cũng đoán chủ nhân đã chi 1 khoản không nhỏ cho nguyên liệu, gia vị đúng điệu và đồ decor bày biện món ăn. Chị Trang cũng không giấu giếm rằng chi phí cho mỗi bữa tiệc kiểu Âu thường khá là đắt đỏ so với thông thường (nhiều gia đình khi ăn tiệc tại nhà thường chọn ăn lẩu cho nhanh và tiện, cũng không mất quá nhiều công sức chế biến). Ngoài ra, đi cùng nấu ăn chị cũng đã đầu tư cho cả những món đồ decor từ đơn giản đến phức tạp như gốm Nhật, bát đĩa Âu, đồ pha lê… để có thể thay đổi concept bàn ăn gia đình.
Tuy nhiên, chị Trang không phải là người bốc đồng mà cũng có những tính toán bài bản: “Mình hay lên kế hoạch cụ thể là có bao nhiêu khách, sẽ ăn set menu mấy món, và dự trù là bao nhiêu 1 khách (500 - 700 nghìn hay 1 triệu), để có thể tính tổng số tiền phù hợp. Và thực tế mình cũng đã tiêu khá nhiều tiền cho đồ decor, từ các tools phục vụ thưởng thức rượu vang (ly, decanter, Ice Bucket....), đến đĩa ăn đồ Âu, đồ Pha lê, gốm Nhật, đèn nến, khăn trải bàn, tab runner...
Mình thường sưu tầm dần. Có những thứ rất rất thích và phải đặt mục tiêu để dành tiền mua nó vì mức thu nhập của mình chỉ ở tầm trung. Và cũng như những người phụ nữ, những bà nội trợ khác, mình phải cân đối chi tiêu mà vẫn thỏa mãn đam mê, sở thích”.
Bạn bè chơi cùng Trang đều biết chị rất duy mỹ, món ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Cũng vì sự "cầu kỳ" đó mà khi đi dã ngoại, du lịch ở nhiều nơi (Pù Luông, Daklak, Đà Lạt, hay xuống biển…) chị cũng không ngại mang vác đồ đạc để phục vụ cho việc nấu nướng, bày biện "sống ảo" và cả… sống thật.
“Có lần bọn mình lên Đà Lạt, thuê 1 chiếc homestay. Trong lúc mọi người nghỉ thì mình xuống bếp set-up bàn tiệc, chuẩn bị đồ để nấu nướng, thì gặp 1 nhóm mọi người tưởng nhầm mình là chef được thuê đến để làm tiệc. Họ khi biết mình là du khách tay ngang nấu nướng, nhưng chuyên nghiệp đến độ vậy thì khá ngạc nhiên. Sau đó chúng mình đã ngồi chung với nhau và đã trở thành những người bạn”, chị Trang kể về một kỉ niệm của những bữa tiệc xa nhà tự tay làm tất như thế.
Mặc dù vậy, muốn ăn ngon không phải cứ làm nhiều là đã thành công, việc trải nghiệm để học hỏi cũng quan trọng không kém. Do vậy, chị cũng luôn dành ra một quỹ tiền bạc nhất định để sử dụng cho việc trải nghiệm các nhà hàng fine dining cao cấp (một hình thức dùng bữa tại các nhà hàng, khách sạn cao cấp), hay các buổi wine dinner (dạ tiệc rượu vang) để thưởng thức và học hỏi.
Sự thực nấu ăn không chỉ là để ăn, chị Trang đã tự nhận ra bản thân đã có những thay đổi tích cực trong cả tính cách, lối sống: “Mình nhận ra mình có xu hướng sống tích cực, nhiều năng lượng hơn, kết nối với mọi người tốt hơn. Mình tin rằng mỗi món ăn là một câu chuyện, người đầu bếp là người kể chuyện. Trải nghiệm ăn uống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều nếu người đầu bếp có thể thổi hồn vào món ăn đó. Vì những gì làm từ trái tim sẽ chạm đến được trái tim”.
Mặc dù hiện tại đầu tư tiền bạc, công sức vào thú vui ẩm thực này không ít, nhưng chị Trang cho biết chồng chị là người khá tôn trọng sở thích riêng của vợ. Biết vợ cầu thị học hỏi và mất công mất sức vì muốn nâng cao chất lượng cuộc sống nên chồng hoàn toàn ủng hộ.
Hiện tại “món tủ” của chị mà chồng khen ngon hơn ở nhà hàng chính là món chân giò hầm kiểu Đức. Tuy vậy, chị cho biết khi đã chinh phục được 1 món ăn khó thì lâu lâu mới quay lại nó vì tính chị ưa thử những món mới để có những trải nghiệm mới.
Để thỏa mãn đam mê và đi đến thành công, chị Trang cũng có nhiều lần thất bại, chẳng hạn như món cua ngâm tương của Hàn, Beef Wellington của Anh... Tuy nhiên, chị chưa bao giờ nản. Chính vì vậy, nấu ăn cũng rèn cho chị sự tỉ mỉ, kiên nhẫn mà vốn trước đây chị thiếu.
Ngoài đầu tư về công sức, tiền bạc thì thời gian cũng khá “tốn kém”, nhưng chị Trang cho biết: “Khi bạn yêu thích công việc gì, thì mình nghĩ là việc toàn tâm toàn ý dành thời gian cho nó sẽ không còn là khái niệm "mất thời gian" nữa”.
Việc vào bếp chinh phục những món khó và làm cho nó đẳng cấp như nhà hàng cũng cho chị Trang hiểu sâu hơn về hạnh phúc, thứ hạnh phúc từ sâu bên trong mình, do mình cảm thấy, chứ không phải là hạnh phúc do người ta nhìn vào.
Cuối cùng, mặc dù, làm món ăn ngon đẳng cấp khiến ai cũng trầm trồ, cách decor (trang trí) sang xịn, nhưng chị Trang không có ý định kinh doanh ăn uống vì biết việc mở 1 nhà hàng chỉn chu và chuyên nghiệp không đơn giản.
Hiện tại mục tiêu của chị chỉ là phục vụ những "thực khách" của riêng mình (gia đình, bạn bè…) ngay ở “nhà hàng tại gia". Tuy nhiên, chị cũng thú nhận về ước mơ xa hơn là mở một nhà hàng nho nhỏ ở Đà Lạt để có thể thỏa mãn đam mê có phần xa xỉ nhưng cũng rất thực tế này.