ỐC OM CHUỐI ĐẬU
Nguyên liệu:
- Ốc nhồi: 1kg
- Thịt ba chỉ: 200g
- Đậu phụ: 3 bìa
- Chuối xanh: 5 quả, chọn chuối tươi, vỏ màu xanh không có vết thâm - Lá lốt, tía tô, hành lá,1 quả cà chua thái miếng cau, 1 củ nghệ cho có màu vàng nếu bạn thích - 1/2 bát con mẻ ngấu - ½ muỗng mắm tôm - Gia vị, dầu ăn, hành tỏi khô bóc vỏ băm nhỏ.
Cách làm:
- Chuối xanh gọt vỏ, thái miếng vát mỏng hoặc con chì, ngâm vào nước muối hoặc nước mẻ pha loãng một lúc cho khỏi thâm.
- Cho chuối vào nồi luộc sơ, vớt ra rổ để ráo.
- Ốc nhồi mua về ngâm vào nước vo gạo cho ốc nhả bớt nhớt. Dùng dao chặt chôn ốc, cậy miệng rồi khều lấy ruột, dùng mũi dao gạt bỏ đường phân ở bên cạnh mình ốc. Cho một chút muối và dấm vào ốc bóp cho ốc tiết ra nhớt, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa phải rồi ướp với hành tỏi khô băm nhỏ cùng với gia vị.
- Thịt ba chỉ thái con chì, hoặc miếng mỏng vừa phải ướp gia vị và hành khô băm nhỏ.- Đậu phụ cắt miếng vuông quân cờ hoặc thái con chì rán vàng đều.
- Phi thơm hành tỏi, cho ốc vào xào chín rồi cho lại vào bát. Nghệ tươi giã nhỏ, lọc lấy nước.
- Tiếp đến cho thịt ba chỉ vào chảo mỡ xào săn, cho cà chua, chuối vào xào cùng, nêm thêm chút gia vị rồi chế nước lọc mẻ trộn mắm tôm cùng với nước nghệ tươi nếu bạn thích món ăn có màu vàng, chế thêm nước vào sao cho ngập săm sắp thịt và chuối. Đun sôi, vặn nhỏ lửa đến khi thịt và chuối đã chín mới cho đậu rán vào đun thêm một lúc, tiếp đến cho ốc vào, nêm lại gia vị vừa ăn, đợi sôi trở lại cho rau thơm gồm hành lá, tía tô, lá lốt thái nhỏ vào trộn đều bắc xuống.
- Ốc chín tới, giòn không bị dai.
- Chuối và đậu chín mềm không bị nát, nước canh có độ sánh, vị ngọt đậm đà, vị chua dịu của mẻ quyện với mùi thơm của tía tô và lá lốt rất hấp dẫn. Ăn nóng với bún hoặc cơm đều ngon.
SƯỜN NƯỚNG
Nguyên liệu:
- 0.5kg sườn thăn
- Gia vị: 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ
- Lưu ý cách chọn sườn: Sườn nên chọn các khúc non, mềm sẽ ngon hơn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế sườn
- Sườn chặt khúc vừa ăn, rồi rửa sạch với muối và nước chanh, để ráo.
Bước 2: Cách ướp sườn
- Ướp sườn với 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng canh dầu hào; 1 ít nước tương, 2/3 muỗng canh nước mắm, ít ớt khô, hành tỏi băm nhỏ.
- Thêm ít dầu ăn, trộn đều lần nữa cho ngấm gia vị. Ướp sườn từ 1-2 tiếng hoặc lâu hơn trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 3: Cách nướng sườn
- Sau khi ướp sườn vài tiếng thì đem sườn nướng trong lò hoặc bếp than.
- Nếu nướng trên bếp than, dùng cọ hoặc muống phết nước ướp lên đều hai mặt sườn cho đỡ khô và thấm gia vị. Khi sườn chín sém vàng hai mặt là được.
- Cách ướp này bạn có thể áp dụng ướp thịt nướng.
Thưởng thức:
Sườn nướng sa tế thưởng thức với cơm hoặc bún đều rất ngon. Hợp với những bữa cơm ngày lễ hoặc nhà có khách.
CÁ CHÉP OM DƯA
Nguyên liệu:
- 1 con cá chép
- Thịt mỡ (mình lựa phần mỡ có dính ít thịt)
- Dưa muối chua
- Cà chua, dấm bỗng
- Gừng, hành khô, nghệ, hành lá, thì là, ớt.
Cách làm:
Với món cá chép om dưa mình rất thích om với tóp mỡ để ăn cùng. Thế nên mình mua thịt mỡ, rửa sạch, thái miếng và rán mỡ vớt ra phần tóp để riêng, phần mỡ sẽ dùng để rán cá.
Cá chép đánh vẩy, mổ bụng, làm sạch. Khứa vào đường trên bề mặt cá. Sát ít muối vào trong phần bụng cá đã rửa sạch, thấm khô. Cho cá vào chảo rán qua cá cho vàng da là được. Đối với món cá chép om dưa bạn có thể rán hoặc không rán cá cũng được. Nhưng mình thích rán qua cá để cá giảm bớt mùi tanh.
Cà chua rửa sạch, bổ cau rồi xào với mỡ (hoặc dầu ăn). Tiếp đó cho dưa chua vắt bớt nước vào xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Bạn cho gừng thái sợi và ớt hiểm đập dập vào xào cùng nếu thích ăn cay. Dưa xào chín nếu muốn tăng độ chua có thể chế thêm một bát con dẫm bỗng (nếu dưa nhà tự muối có thể dùng nước muối dưa để tăng độ chua, nhưng chú ý điều chỉnh độ mặn vì nước muối dưa đã mặn sẵn). Lượng nước trong nồi phải chế đủ sao cho đến khi cho cá vào thì xâm xấp mặt cá.
Nước om dưa sôi bạn cho cá chép, tóp mỡ và ít bột nghệ (hoặc nghệ tươi giã dập) để om cùng.
Lật cá 1 lần trong khi om để cá ngấm đều vị chua, cay, mặn đều hai bên. Lật nhẹ nhàng tránh làm nát cá. Cá ngấm đều vị bạn rắc hành, thì là cắt khúc vào trong nồi và bắc xuống.
Cá chép om dưa ăn nóng mới ngon, nên món này mọi người thường để cá vào một đĩa inox hoặc vẫn để trong nồi vừa đun vừa ăn. Bạn nên ăn kèm món này với bún sợi và rau sống để cân bằng với vị chua, cay, nóng của món ăn. Nếu thích bạn có thể phi hành khô để rắc lên món này khi ăn nhé!
LẨU CHÁO LÒNG
Nguyên liệu:
- Lòng non: 300gr
- Sụn 100gr
- Thịt mũi, má heo: 200gr
- Rau húng chó, răm, hành khô, hành lá, tía tô (ai thích lạc có thể thêm vào)
- Tiết heo
- Hạt tiêu, mì chính
- 1 chai cô ca cắt phần đầu làm phễu nhồi
Cách làm:
Phần lòng dồi:
- Lòng heo để đảm bảo vệ sinh nên lộn bên trong ra rồi nhào với bột mỳ để khử mùi tanh và các dịch. Sau đó rửa sạch và vắt 2 quả chanh vào rửa lại cho sạch là xong.
- Các loại hành lá, răm, húng chó rửa sạch thái nhỏ. Thịt tai, mũi chần qua, thái hạt lựu.
- Sụn xay hoặc băm rồi đem trộn cùng hỗn hợp thịt mũi, má thái hạt lựu.
- Cuối cùng trộn hỗn hợp rau với thịt ướp, thêm mì chính và 1 chút tiêu (không cho gia vị mắm muối do tiết heo đã mặn)
- Tiếp theo, cắt lòng non từng đoạn, buộc 1 đầu. (Nên làm hỗn hợp nhân từng ít một tránh đông ở ngoài, để nhân đông ở trong lòng sẽ ngon hơn).
- Sau khi chuẩn bị xong bắt đầu trộn hỗn hợp nhồi lòng. Cứ 2 bát con tiết canh, một bát nước và một bát hỗn hợp thịt và rau (nếu mọi người thích nhiều tiết hơn sẽ tăng thêm tiết nhưng tỷ lệ là 1 tiết :1/2 nước). Sau đó nhồi vào lòng. Lưu ý, khi dồn để tránh không khí bên trong lòng. Sau khi nhồi xong, buộc chặt đầu còn lại, cứ thế làm đến hết là hoàn thành.
- Luộc dồi: Đun sôi một nồi nước, sau đó thả dồi vào, vặn nhỏ lửa, mở vung đun đến khi tiết bên trong chuyển màu đen thậm gần chín thì lấy xiên nhọn chọc để thoát hơi và nước ra ngoài, đun 1 lúc rồi ngâm dồi là chín.
Cách làm phần cháo
- Sau khi luộc lòng dồi xong phần nước luộc sẽ để dung để nấu cháo. Nấu cháo theo tỷ lệ nước gấp 5 lần gạo (nấu cháo hơi loãng để còn nhúng đồ).
- Có thể nấu bằng nồi cơm điện để cháo đỡ bị khê, còn nếu nấu bếp gas hoặc bếp điện phải dùng xoong đế dày tránh cháo bị khê hoặc bén nồi. Trong nồi cháo không cần cho bất kỳ gia vị gì vì khi luộc lòng nước tiết chảy ra mặn rồi.
Ăn lẩu
- Trong lúc ninh cháo thì tranh thái lòng dồi, gan, tim, dải, lòng non sắp sẵn vào đĩa.
- Hành khô bóc rửa sạch phi thơm.
- Tía tô các, hành lá thái nhỏ sắp đĩa riêng, phần đầu của hành lá để sống sắp đĩa riêng.
- Bước cuối cùng chuẩn bị nồi ăn lẩu, bỏ 1 cái thìa inox vào nồi xong rồi mới đổ cháo lên làm như vậy để tránh cháo bị bén và khê.
- Tiếp theo đổ lòng dồi, tim, gan… mỗi thứ một vào. Tiếp theo cho hành phi, tía tô vào nồi lẩu ăn như một nồi lẩu bình thường. Bạn có thể nhúng kèm các loại rau mà mình thích.
NGAN GIẢ CẦY
Nguyên liệu: Ngan, riềng, sả, mẻ, mắm tôm, gia vị
Cách làm:
- Ngan các bạn chọn loại ngan già, dày thịt và ít mỡ. Ngan làm sạch, nướng qua trên lửa cho xém phần da ngan, tạo cho da ngan có cảm giác giòn và thơm.
- Chặt ngan thành miếng vừa ăn, ướp ngan với riềng, mẻ, mắm tôm, sả và gia vị trong vòng 20 phút.
- Cho nồi ngan lên bếp đun với lửa vừa, khi nồi ngan sôi các bạn đậy vung đun nhỏ lửa đến khi thịt ngan mềm và nước ngan sánh lại thì tắt bếp. Với cách làm đơn giản như vậy mình đã có món ngan nấu giả cầy thơm ngon rồi, măm thôi.