Gỏi gà măng cụt vốn là đặc sản của Lái Thiêu bởi ở đây tập trung nhiều măng cụt nhất của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, gỏi gà măng cụt đã trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh lân cận, thành phố Hồ Chí Minh, ở những nơi có thể mua được măng cụt xanh về làm.
Ở vùng đất Lái Thiêu, gỏi gà măng cụt được coi là "vua gỏi" vì thơm ngon, độc lạ, hơn nữa mỗi năm chỉ làm được có một mùa từ tháng 4 đến tháng 6. Gỏi gà măng cụt làm không khó nhưng lại cầu kỳ ở khâu sơ chế măng cụt. Nếu không có cơ hội đến nơi này thưởng thức món gỏi gà măng cụt, hơn nữa lại có thể mua được măng cụt xanh, bạn hãy nhanh tay làm gỏi gà măng cụt để thưởng thức. Tham khảo công thức gỏi gà măng cụt dưới đây của chị Bích Duyên (TP HCM).
Chị Bích Duyên.
Nguyên liệu làm gỏi gà măng cụt:
- 2kg măng cụt xanh.
- ½ con gà.
- 1 củ cà rốt.
- 1 củ hành tây.
- 2 quả dưa leo.
- 1 năm rau răm.
- Đậu phộng rang (lạc rang).
- Pha một bát trộn gỏi gồm: 4 muỗng canh nước mắm + 2,5 muỗng canh đường (trong măng cụt đã có độ ngọt nên bạn có thể giảm độ ngọt tùy theo khẩu vị) + 4 muỗng canh nước cốt tắc + 2 muỗng canh giấm + 1 quả ớt thái lát (có thể tăng giảm theo khẩu vị) + 1 củ tỏi băm nhỏ.
Cách làm gỏi gà măng cụt ngon:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi bào sợi.
- Dưa leo (dưa chuột) thái sợi. Rau răm nhặt rửa sạch.
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái lát rồi đem ngâm cùng nước đá cùng 1 muỗng đường, 1 giấm để hành hết hăng. Đậu phông rang bóc vỏ.
- Gà làm sạch, cho vào nồi luộc chín, sau đó vớt ra để nguội rồi xé nhỏ. Phần nước luộc gà nên tận dụng dùng để nấu cháo với nấm.
Bước 2: Sơ chế măng cụt
Măng cụt xanh hơi nhiều mủ nên nhớ đeo bao tay để tranh mủ dính tay khi làm.
Sơ chế măng qua 3 lần:
- Lần 1, gọt bên ngoài phần măng cụt đến đoạn thịt măng là được, nên gọt dưới vòi nước để xả đi hết phần mủ rồi ngâm qua trong chậu nước muối pha cùng chanh để măng giảm độ thâm.
- Lần 2, lấy phần măng cụt trong chậu lần 1 gọt sát lại lần nữa, đi theo múi của măng. Đồng thời dùng thêm 1 chậu nước nhỏ bỏ muối + chanh vào ngâm tiếp.
- Lần 3, gọt lại những múi măng vẫn còn thâm và chưa đẹp mắt.
Tổng thời gian sơ chế măng mất khoảng 2,5 tiếng.
Bước 3: Pha sốt trộn gỏi
Pha một bát trộn gỏi gồm: 4 muỗng canh nước mắm + 2,5 muỗng canh đường (trong măng cụt đã có độ ngọt nên bạn có thể giảm độ ngọt tùy theo khẩu vị) + 4 muỗng canh nước cốt tắc + 2 muỗng canh giấm + 1 quả ớt thái lát (có thể tăng giảm theo khẩu vị) + 1 củ tỏi băm nhỏ. Khuấy đều để đường tan.
Bước 4: Trộn gỏi
Thái măng cụt thành các lát cho vào bát.
Sau đó cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế, thịt gà xé vào bát măng cụt vào, đổ sốt trộn gỏi lên, trộn đều tất cả.
Bày gỏi gà măng cụt lên đĩa, rắc lạc rang giã rối lên là thưởng thức thôi. Món này ăn với bánh đa hoặc phồng tôm càng hấp dẫn.
Gỏi gà măng cụt giòn ngon, ngòn ngọt, thanh mát đảm bảo ai ăn cũng thích!
Chúc các bạn thành công!