Cá là một trong những thực phẩm không thể bỏ qua vì vô cùng bổ dưỡng. Cá thường xuyên xuất hiện trong các bữa cơm hàng ngày và được rất nhiều người yêu thích. Cá có thể được chế biến theo các phương pháp như rán, kho, hấp, nướng, nấu cháo, súp... mà mỗi món có một hương vị hấp dẫn riêng không gì có thể thay thế được.
Cá tuy ngon và bổ dưỡng như vậy nhưng nếu không biết xử lý mùi tanh, cá sẽ mất ngon. Thông thường mọi người sử dụng rượu và giấm để rửa cá cho bớt mùi nhưng đầu bếp lại cho rằng không cần thiết. Đầu bếp bật mí, có một sợi dây trên thân cá gây ra mùi tanh nhưng không phải ai cũng biết. Chỉ cần khi mổ, chúng ta thực hiện thao tác rút bỏ sợi dây này chắc chắn mùi tanh ở cá sẽ giảm.
Vậy đó là sợi dây nào? Cách rút bỏ ra sao? Ngoài ra còn cần phải xử lý những bộ phận nào của cá để cá hết tanh? Chị em hãy tham khảo cách làm của đầu bếp dưới đây nhé!
Trước tiên, sau khi cá đã được mổ và moi mang ở chợ, chị em cần rửa lại cá, cạo hết màng đen trong bụng, làm sạch máu thừa như vậy mới bớt mùi tanh.
Sau khi rửa cá xong, dùng dao khứa một đường ngang thân cá, cách đầu và thân 1cm. Lúc này bạn sẽ thấy một đường gân như chỉ trắng hở ra.
Hãy từ từ kéo nó ra cho đến hết. Làm như vậy với cả hai mặt thân cá. Việc này sẽ giúp cá giảm mùi tanh đi rất nhiều. Lưu ý không được dùng lực kéo mạnh sẽ làm cho dây bị đứt giữa chừng, chỉ sử dụng lực vừa phải.
Theo đầu bếp, mặc dù sau khi bạn đã loại bỏ được sợi dây này thì cá đã giảm bớt được tanh, tuy nhiên để khử tanh hiệu quả của cá, bạn cần thực hiện thêm các thao tác dưới đây:
- Bỏ vảy cá và chất nhầy trên bề mặt: Khi sơ chế cá, đánh vảy xong bạn sẽ thấy có một lớp chất nhầy trên cá. Nếu bạn chạm vào nó, mùi tanh ở tay rất khó để khử mùi trong một thời gian ngắn. Đây chính là một trong những điểm gây tanh trên thân cá. Do đó, khi mổ cá, đánh vảy xong bạn cần phải rửa sạch cả lớp chất nhầy này. Với một số loại cá có nhiều chất nhầy đặc chưng và khó rửa sạch như cá da trơn bạn có thể bóp với muối cũng rất hiệu quả.
- Bỏ xương họng cá: Ngoài việc bỏ màng đen và mang cá như đã nói ở phần đầu thì việc vỏ họng xương cá cũng giúp cá giảm bớt mùi tanh. Đó là phần xương ở bụng cá gần đầu và lưng cá nhất. Nơi này cũng là nguồn gốc của mùi tanh. Các cơ quan nội tạng của cá và một phần nhỏ của màng đen thường bị vướng vào mảnh xương đó, không dễ dàng để làm sạch. Vì thế, bạn có thể cắt nó ở đó bằng kéo, sau đó cạo vài lần bằng móng tay, sau đó rửa sạch.
- Cục máu đông giữa những chiếc xương sống: Máu cá rất tanh tuy nhiên cá không có nhiều máu khi mổ ra. Phần máu đọng lại thường ở mang cá vá ở giữa các xương lớn. May mắn là phần máu này bạn có thể dễ dàng làm sạch. Chỉ cần rửa bằng bằng nước và tay là sạch.
- Ướp cá: Cá sau khi đã sơ chế xong, cắt khúc hoặc khứa các đường trên thân cá, thâm gia vị để ướp. Cách này giúp cá không nhưng giảm được mùi tanh và còn đậm đà hơn. Ướp cá với chút muối, rượu nấu ăn, hành, gừng trong nửa giờ.
- Ngâm trong nước vo gạo: Cách đơn giản nhất để xử lý mùi tanh trước khi nấu cá là ngâm cá trong nước vo gạo. Chị em chỉ việc ngâm cá vào nước vo gạo trong 15-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch và để ráo trước khi nấu sẽ giảm bớt mùi tanh cá. Không nên ngâm quá lâu sẽ làm cá bong da hoặc mất đi độ tươi của cá.
- Dùng chanh để khử mùi: Chanh rất thơm và cũng có tác dụng khử mùi tanh cá. Cách làm rất đơn giản. Chị em chỉ cần xếp các lát chanh thái mong xung quanh thân cá sau khi sơ chế hoặc vắt nước cốt chanh, bôi lên xung quanh mình cá. Cá không những bớt tanh mà lại còn thơm ngon hơn.