Những món ăn làm từ gấc
Từ xa xưa, màu đỏ cam tươi sáng biểu thị cho sự rực rỡ, mong muốn một năm mới thịnh vượng, cát tường như ý. Chính vì thế, người xưa quan niệm, thưởng thức các món ăn làm từ gấc có màu đỏ cam đều có ý nghĩa mang lại may mắn cho gia đình gia chủ. Những món ăn này có thể xôi gấc, bánh chưng gấc, bánh gấc, bánh nếp gấc, bánh phu thế gấc...
Do đó, vào dịp Tết, người ta sẽ làm các món từ gấc để cả nhà thưởng thức hoặc biếu người thân thay lời chúc may mắn, bình an. Thường thường, xôi gấc được làm nhiều nhất vì bắt đầu từ đêm giao thừa hay sáng mùng 1 đầu năm, nhiều nhà đồ xôi để cúng và xôi gấc là gợi ý hoàn hảo.
Cách nấu xôi gấc không hề khó. Gạo nếp ngâm 6-7 tiếng rồi xả sạch nước. Uớp với thịt gấc và chút rượu trắng có màu đỏ đẹp. Trộn thịt gấc với gạo cho đều nhau cùng chút muối. Sau đó cho vào xửng hấp từ 25 đến 30 phút. Khi thấy xôi mềm thì trộn thêm ít dầu ăn vào cho bóng, hấp thêm 10 phút nữa là xong.
Các món cá
Có thể nhiều người không biết, ở nước ta, cá là món thường xuất hiện trong ngày đầu năm. Một số quan niệm cho rằng, cá ăn trong ngày Tết phải còn nguyên đầu đến đuôi để bảo đảm một năm mới “đầu xuôi đuôi lọt”.
Món cá trong ngày đầu năm có thể là cá hấp hoặc cá rán, cá rán sốt cà chua để nguyên con.
Nếu muốn làm cá hấp, bạn có làm món cá hấp chanh rất ngon.
Nguyên liệu: - 1 con cá khoảng 700gr, 1/2 chén nước xương gà, 2 nhánh ngò thái nhỏ; 1 muỗng canh ớt thái nhỏ; 1 muỗng canh tỏi băm; 1 muỗng canh nước mắm; 2 muỗng canh nước cốt chanh; 1 muỗng canh đường; cần tây bào sợi (nếu thích).
Cách làm: Nước xương gà, nước mắm, đường đem nấu sôi rồi đổ ra bát. Sau đó cho tỏi, ớt băm, nước chanh và ngò thái nhỏ vào. Nêm nếm có vị chua cay vừa miệng là được. Cá làm và rửa sạch, dùng dao khứa xéo vài đường lên mình cá. Cho cá vào dĩa hấp 15-20 phút cho cá chín. Cần tây cho ra dĩa, xếp cá hấp lên. Chan hết chén nước mắm chanh vào. Để thêm vài lát chanh là hoàn tất.
Canh khổ qua
Đây là món ăn quen thuộc của cả người miền Nam lẫn miền Bắc. Tuy nhiên, với người miền Nam, dù có vị đắng nhưng khổ qua hay chính là trái mướp đắng lại có ý nghĩa mang lại may mắn trong năm mới. Trong cách chơi chữ của người Việt, khổ qua có nghĩa là mọi nỗi khổ sẽ qua đi để đón một năm mới hạnh phúc an lành. Do đó, trong mâm cỗ cúng ngày Tết của người miền Nam, không thể thiếu món canh khổ qua này.
Không chỉ với ý nghĩa mang lại may mắn, canh khổ qua còn thanh mát, bổ dưỡng. Cách nấu canh khổ qua không hề khó.
Nguyên liệu: Khổ qua (mướp đắng): 6 trái, 200g thịt xay, 1-2 tai nấm mèo, hành lá, hành củ, ngò rí, tiêu, muối, bột nêm, nước dùng hầm xương hoặc nước thường.
Cách làm:
Nấm mèo ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, xắt nhỏ. Hành lá cắt rễ, bỏ những lá úa, giập, sau đó rửa sạch, phần đầu trắng đập giập, xắt nhỏ. Phần lá xanh để riêng. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, bằm nhỏ. Rau ngò rí bỏ rễ, lá già úa, rửa sạch, xắt nhỏ.
Đối với món này khi xay thịt nên xay cùng chút mỡ cho nhân không bị khô. Cho thịt, nấm mèo, hành củ, đầu hành cùng chút bột nêm, tiêu trộn đều, ướp khoảng 15 phút. Để dễ lấy ruột và món ăn được đẹp hơn thì đun một nồi nước. Nước sôi thêm 1/2 thìa muối và cho khổ qua vào chần khoảng 1 phút. Tắt bếp, cho ra ngâm ngay vào nước lạnh.
Dùng dao mổ dọc một bên trái khổ qua và moi lấy hết ruột. Nhồi chặt nhân vào trong ruột trái khổ qua. Nhân phải được nhồi cho hơi vun vun miệng trái. Dùng lá hành cột trái khổ qua để khi hầm nhân không bị lòi ra. Đun sôi nước dùng hầm từ xương hoặc có thể dùng nước thường, nêm chút bột nêm. Khi nước sôi thả từng trái vào, đun lửa lớn cho sôi bùng lên. Sau đó hớt hết bọt cho nước dùng được trong và hầm đến khi chín mềm.
Chú ý thời gian vì nếu nấu chưa chín, lớp vỏ khổ qua sẽ còn cứng và khó ăn. Còn nếu nấu chín quá, lớp vỏ khổ qua sẽ bị mềm nhũn, không ngon và món ăn còn quá đắng. Khổ qua sau khi múc ra tô cần được điểm ít hành, ngò, tiêu xay để tăng màu sắc và mùi thơm. Không chỉ là món ăn lấy may ngày Tết, khổ qua hầm còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả.
Hoa quả có hình tròn
Theo quan niệm của người xưa, ăn bất cứ trái cây nào có hình tròn vào ngày đầu năm mới như cam, bưởi, lựu... sẽ đem lại hạnh phúc, viên mãn, sức khỏe dồi dào.
Để chọn bưởi ngon ăn, nên chọn những quả tròn và đầy đặn, gai nở, căng bóng, cầm thấy nặng tay là nhiều nước. Cam thì chọn những quả nguyên cuống, da bóng, xung quanh cuống dầy và cao, đáy lõm, cầm nặng tay là cam ngon.
Dưa hấu
Cùng với sắc đỏ, những "hạt cát" trong quả dưa hấu đồng âm vời từ “cát” trong tiếng Hán cũng biểu trưng cho sự cát tường dịp đầu năm. Chính vì thế nên người Việt ta luôn tin rằng một quả dưa hấu tròn trịa viên mãn với sắc đỏ tài lộc, nhiều cát sẽ đem lại nhiều may mắn cho gia đình.
Bánh chưng vuông
Bánh trưng là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Theo quan điểm của người xưa, bánh chưng có hình dáng vuông vắn, tượng trung cho sự quy tụ của trời đất. Đây là món ăn có ý nghĩa trang trọng, cao quý để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn.
Để bánh chưng luôn xanh, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ lấy nước cốt màu xanh để ngâm gạo nếp. Gạo nếp được ngâm nước lá nếp sẽ trở nên thơm và xanh, nhìn rất hấp dẫn. Ngoài ra, bạn còn có thể dùng lá riềng giã nhỏ lấy nước trộn với nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có một màu xanh suốt từ vỏ đến nhân và lại có một mùi thơm rất đặc biệt nữa.
Gà luộc
Dù trong mâm cỗ thông thường hay cỗ Tết, người Việt thường dâng gà cúng, trước là để thể hiện lòng thành với trời đất, Tổ tiên. Sau đó là mong muốn cầu mong điều tốt đẹp trong năm mới. Trước tiên, màu da vàng của gà thể hiện sự may mắn và tài lộc.
Để gà da luôn vàng, giã nát củ nghệ rồi vắt lấy nước trộn mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp hỗn hợp này dàn đều lên phần da gà khi đã ráo nước. Đảm bảo gà luộc sẽ trông thật vàng ươm, bóng bẩy và căng mượt nhìn thật hấp dẫn. Tuy nhiên không nên cho quá nhiều nghệ sẽ làm ảnh hưởng tới hương vị của gà luộc.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo