Nhiều người đã biết Hoài Linh có sở thích ăn uống rất đạm bạc. Nam danh hài chỉ thích những món ăn dân dã, đậm chất Việt Nam như cơm trắng, cá khô, cá kho, mắm cùng những loại rau quê. Không ít lần Hoài Linh khoe những bữa cơm của mình trông đơn giản nhưng làm nhiều người phải thèm.
Mới đây, nam nghệ sĩ đình đám thích thú chia sẻ hình ảnh bữa cơm mộc mạc của mình và viết: "Bữa cơm trưa của em ấy". Trong mâm của Hoài Linh có 1 bát cơm trắng, 1 đĩa cá kho, 1 bát mắm cay cùng 2 loại rau - 1 luộc, 1 nấu canh.
Mâm cơm đạm bạc của Hoài Linh.
Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz như Phi Nhung, Thoại Mỹ, nghệ sĩ hài Trà My, Á hậu Trương Thị May, ca sĩ Hồ Việt Trung, ông bầu Quang Cường... nhìn mâm cơm của Hoài Linh đều khen ngon, thậm chí đòi qua để được ăn ké.
Đông đảo nghệ sĩ khen ngon, đòi qua ăn ké.
Nhiều khán giả cũng cho rằng đây là bữa cơm đậm chất quê hương, dù đạm bạc nhưng toàn món ngon, "đặc sản". Có những người bày tỏ với họ đây là "bữa cơm xa xỉ" bởi vì xa quê, muốn được ăn giản dị như vậy mà không có. Một fan kể tên các món ăn trong mâm cơm của Hoài Linh, trong đó nhắc đến ngọn su su. Tuy nhiên một cư dân mạng khác cho rằng: "Đấy là rau chạy đó không phải ngọn su đâu", Hoài Linh liền nhấn like bình luận này.
Món rau luộc trong bữa cơm của Hoài Linh.
Hoài Linh nhấn "like" bình luận giải thích đây là rau chạy
Rau chạy hay còn gọi "rau choại", "đọt choại", "dây choại", "rau chọi", là bộ phận chồi lá non của cây dây choại. Rau choại thuộc ngành dương xỉ, nhiều người cũng nhầm nó với rau dớn nhưng khác hoàn toàn. Rau choại chủ yếu là dạng thân dây bò lan hoặc bò leo. Chúng thường mọc ở các bãi đất ven đầm lầy nước ngọt, rừng ngập mặn, bãi ven biển hoặc dọc theo các bờ sông. Ở Việt Nam, rau đọt choại là đặc sản của miền Tây, thậm chí còn được mệnh danh là "vua của các loại rau".
Chồi lá non của dây choại hay còn gọi là đọt choại chứa nhiều thành phần dinh dưỡng được dùng làm rau ăn với các món truyền thống như xào, nộm,... tương tự cách dùng của rau dớn. Ăn rau choại giúp nhuận tràng, hạ sốt. Một lưu ý là những phụ nữ có thai lưu ý cẩn thận khi sử dụng rau choại.
Hình ảnh rau choại khi chưa chế biến, khác hoàn toàn ngọn su su.
Nhiều người cũng hiểu lầm nó là rau dớn.
Cây rau choại (Ảnh: Nguồn internet)
Có nhiều cách chế biến đọt và lá choại non:
- Dùng làm rau sống: Các chồi non ăn được và dùng trộn giấm (hơi nhớt), ít được ưa chuộng.
- Luộc: Là cách chế biến đơn giản nhất ở các nước Đông Nam Á. Hái rau choại về luộc chấm mắm cá cơm pha thêm tỏi với ớt bằm. Vị cay của ớt cùng vị mặn nồng của mắm cá cơm cùng vị chát chát của rau chạy tạo một cảm giác ngon lành. Món ăn phổ biến ở Miền tây Nam Bộ và cũng là món trong bữa cơm của Hoài Linh.
- Xào: Là cách chế biến phổ biến nhất.
Có nhiều cách chế biến ngon với rau choại.
+ Món đọt choại xào thịt bò: Vài tép tỏi đập dập. Thịt bò thái mỏng. Mùi tỏi xào thơm nức bốc lên quyện với mùi thịt bò ngầy ngậy. Muốn thấm đẫm vị béo ngọt của gia vị vào hương vị hoang dã của rau choại, phải xào riêng mớ rau choại trong chiếc chảo khác. Khi cọng rau choại chín tới đâu bỗng thoắt từ màu xanh tím chuyển sang màu đọt chuối. Cọng rau vừa chín tới vì thế có màu bắt mắt hơn lúc còn tươi rất nhiều. Chỉ nên xào vừa chín tới để giữ nguyên độ giòn tan của rau choại như xào rau muống vậy.
+ Đọt choại xào tép: Đọt choại hái về, lặt lấy phần non rửa sạch, để ráo. Cho một ít muối bọt vào nồi cùng với nước lã nấu sôi, rồi thả đọt choại vào trụng nhanh. Lấy đọt choại ra cho vào thau nước lạnh (có pha nước đá) để tăng độ giòn, vớt ra, để ráo. Tiếp đến, bắc chảo lên bếp, phi mỡ tỏi thơm rồi cho tép (đã làm sạch) cùng với gia vị (bột nêm) vào xào chín. Cuối cùng, cho đọt choại (đã trụng sơ) vào. Đảo qua đảo lại nhiều lần khi thấy đọt choại chín, nhắc xuống, múc ra dĩa. Nhớ thêm một ít hành lá xắt nhuyễn và một ít tiêu xay, và làm thêm một chén nước mắm chanh, tỏi ớt là xong.
- Nấu canh, nhúng lẩu: Là loại rau rừng cao cấp và hiếm nên rau choại ngày càng được ưa chuộng khi dùng để nhúng lẩu, nấu canh.
Canh chua rau choại cũng là một món đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Loại rau mà có phèn vàng mặt nước vẫn nhởn nhơ lớn lên từng ngày. Vị nhớt cùng vị chát chát, bùi bùi của rau chạy nhà quê hiếm có loại rau trồng nào có được.
- Ở các nước khác cũng có rau choại với nhiều cách chế biến khác nhau: Thái Lan đọt choại được nấu chung với cà ri, nấu canh hỗn hợp và đặc biệt dùng nhúng trong lẩu ngọt và lẩu chua Thái.Ở Sarawak (trên đảo Borneo -Malaysia) nơi có nhiều dây choại, chúng thường được luộc để ăn kèm với mắm tôm. Ở Indonesia người ta cũng ăn rau này, đặc biệt là ở các tỉnh Kalimantan Trung và Kalimantan Nam. Ở đó người ta gọi rau này là "kalakai", rau này quý hiến và được chế thành nhiều món ăn như luộc, xào, nấu canh…