Vải là loại quả được yêu thích trong ngày hè bởi hương vị thơm ngon, thanh ngọt. Vải không chỉ để ăn trực tiếp mà nó còn có thể đem làm thạch, làm bánh, làm kem, sấy khô hay ngâm đường để pha các loại trà uống giải khát mùa hè.
Nếu bạn chưa biết cách làm vải ngâm và pha trà vải như thế nào có thể tham khảo công thức dưới đây của bạn Ngô Ánh Hồng nhé.
Ngô Ánh Hồng.
Theo bạn Ánh Hồng, cách làm vải ngâm vô cùng đơn giản, thành phẩm đẹp mắt, ngon miệng.
1. Nguyên liệu:
- 1kg vải (không tính cành lá).
- 700-800ml nước.
- 350g đường (có thể sử dụng đường trắng, đường vàng, đường phèn….).
- Vài nhánh lá dứa nếp (có thể có hoặc không).
2. Cách làm vải ngâm:
Bước 1: Nấu nước đường trước để đợi nguội
Sử dụng toàn bộ đường và nước trong phần công thức trên, đun lửa vừa khuấy cho đường tan tới khi sôi thì thêm lá dứa nếp, hạ lửa và đun tiếp tục trong tầm 7-8 phút. Tổng thời gian đun khoảng 10 phút. Sau khi đun nước đường hơi đặc hơn. Đun đủ thời gian này sẽ giúp nước ngâm bảo quản vải tốt hơn.
Bước 2: Sơ chế vải
- Vải rửa sạch qua vài lần nước.
- Bắc một nồi nước đun sôi lăn tăn để chần vải trong 1 phút. Bước này giúp vải trắng và bảo quản được lâu hơn.
- Vớt vải ra ngâm vào chậu nước lạnh. Khi nước nóng dần thì thay sang nước 2.
Bước 3: Bóc vải, tách hạt
- Bóc vỏ 1/2 quả vải.
- Sử dụng đầu kéo nhọn cắt quanh phần cuống tiếp xúc giữa hạt và thịt vải.
- Luồn mũi kéo xuống ghim vào hạt, xoay nhẹ và rút hạt ra.
- Bóc nốt phần vỏ còn lại. Cách này vô cùng nhanh và quả vải được tách hạt đẹp đẽ không trầy xước.
Bước 4: Ngâm nước đá
- Ngâm ngay vải đã bóc vào nước đá lạnh.
- Vải bóc xong vớt ra để ráo, xóc nhẹ cho phần nước phía trong ruột quả ra hết. Lưu ý, chúng ta có thể tách hạt bằng mọi cách nhưng nên tránh làm dập thịt quả.
Bước 5: Ngâm vải với nước đường
- Khi bóc xong vải mà nước đường chưa nguội hẳn có thể cho cả nước đường và vải vào ngăn đá để giữ lạnh (với điều kiện nước chỉ còn hơi ấm hoặc mới nguội, chưa nguội lạnh. Không áp dụng với nước còn nóng.
- Sau khi cả vải và nước đường đã lạnh, cho vải vào hũ thuỷ tinh đã chần qua nước sôi và lau khô, sau đó chan nước đường vào ngập mặt vải, đậy kín nắp.
3. Bảo quản
- Cho lọ vải ngâm vào tủ mát, sau 1 ngày là có thể sử dụng. Để bảo quản lâu (từ 1 tới 1,5 tháng) cần lưu ý dùng thìa sạch mỗi lần lấy vải hoặc chia thành nhiều hũ nhỏ, mỗi hũ dùng trong vài ngày.
4. Thành phẩm
- Vải sau khi ngâm ngấm đường có vị ngọt hơn, giòn và trắng, thịt vải không bị mủn.
- Nước đường ngọt thanh, không bị lên men nổi váng.
6. Pha trà vải
Với phần cốt vải ngâm bên trên có thể pha chế được rất nhiều loại đồ uống kết hợp cùng nước, các loại trà, các loại nước trái cây. Đặc điểm chung của các loại nước pha từ vải là đều mang vị ngọt thanh dịu nhẹ của nước vải, mùi thơm đặc trưng của vải và những miếng vải giòn sật được ngâm trong nước đường.
Từ trái qua là trà vải, trà cam vải và trà vải hoa hồng.
Cách pha trà vải đơn giản:
Pha vải ngâm cùng trà túi lọc. Nên dùng các loại không có nhiều mùi vị để tránh lấn át mùi của vải. Khi pha nên dằm nát vài quả vải để tăng hương vị.
Cách pha trà cam vải:
Cách pha tương tự trà vải nhưng giảm lượng nước trà và thay vào đó là nước cam vắt. Loại đồ uống này được lấy cảm hứng từ trà đào cam sả.
Cách pha trà vải hoa hồng với điểm 10 hoàn hảo cả về hương vị và hình thức
Thay vì sử dụng các loại trà không mùi vị, trà vải hoa hồng pha chế từ trà hoa hồng, cho ra màu hồng đẹp mắt và mùi thơm nhẹ từ hoa hồng.
Thêm vài thìa vải ngâm là có thể tạo ra một đồ uống vô cùng ngon miệng với sự kết hợp hài hoà giữa các hương vị nhẹ nhàng nhưng vô cùng đặc trưng - vải và hoa hồng.
Có thể sử dụng thêm hoa hồng khô trong lúc hãm trà để tăng mùi hoa hồng, tuy nhiên sẽ hơi có mùi hắc của hoa, không quen sẽ hơi khó uống.
Chúc các bạn thành công!