Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm”

Không phải ngẫu nhiên mà bạn cảm giác nữ chính hao hao Britney hay giai điệu của Toxic lại văng vẳng trong bộ phim có 5 đề cử Oscar.

Khi một đoạn video nhạy cảm của một nữ nghệ sĩ được tung lên mạng, người ta quan tâm đến “đường link”, về những lời nhận xét khiếm nhã tới đời tư và cuộc sống “lăng loàn” hơn là lên án kẻ tung video. Người ta dễ xúm vào chỉ trích một nữ nghệ sĩ vì cô ấy quan hệ tình dục, vì cô ấy lỡ thay quần áo trước camera an ninh trong nhà của mình. Những câu chuyện đầy phẫn nộ này đã xảy ra ở khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam, làm chúng ta phải giật mình về sự xâm nhập quá sâu của văn hóa hiếp dâm (rape culture) lên chính cách nhìn và ứng xử của xã hội về chủ đề tấn công tình dục.

Trailer của Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 2.

Ra mắt lần đầu ở liên hoan phim Sundance vào tháng 1 năm 2020 và chính thức được phát hành cuối năm 2020, Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn (Promising Young Woman) bất ngờ trở thành một trong những điểm sáng lớn của điện ảnh thế giới vì chủ đề táo bạo, ám ảnh và khiến người xem phải thực sự suy nghĩ về thế giới mà chúng ta đang sống - một xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa hiếp dâm và văn hóa đổ lỗi nạn nhân (victim blaming). Câu chuyện của Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn kết nối chặt chẽ tới thực tại, nhắc tới 2 nghệ sĩ nữ - 2 biểu tượng của nền văn hóa đại chúng thập niên 2000 là Britney SpearsParis Hilton. Con đường chạm đến đỉnh cao sự nghiệp của họ đầy rẫy những sự áp đặt về ngoại hình, cách cư xử và định kiến độc hại, để lại hậu quả khôn lường với chính những người trong cuộc và về cả cách mà chúng ta đang nhìn nhận, đối xử với các nghệ sĩ nữ nói riêng và phái nữ nói chung.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 3.
Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 4.

Trong Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn, một nhân vật tên Nina đã bị cưỡng hiếp bởi một nhóm các thanh niên học cùng trường. Nữ sinh không thể tìm được sự giúp đỡ và thấu hiểu từ giáo viên hay những người bạn học khác, đã tìm đến cái chết. Sự giận dữ và đau đớn cũng khiến cô bạn thân Cassie bỏ học tại trường Y, đi làm công việc “ba cọc ba đồng” tại một hàng cà phê để rồi hằng đêm giả say, tìm kiếm những gã đàn ông đê tiện để dạy cho một bài học. Đối tượng của Cassie là những chàng trai ngoan ở vẻ bề ngoài, tuy nhiên khi đêm xuống thì lại cho “con quỷ” trong mình đi lang thang, lợi dụng sự yếu đuối và dễ tổn thương của phụ nữ mà làm trò xằng bậy.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 5.

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống và kiểm soát thương tích quốc gia Hoa Kỳ năm 2015, cứ 1 trong 5 người phụ nữ lại là nạn nhân của hiếp dâm, hoặc suýt bị hiếp dâm. Điều này phần nào phản ánh tầm quan trọng của việc nhận thức và lên án văn hóa hiếp dâm - một trong những vết nhơ đã ăn sâu vào lề thói, tư tưởng của nhiều xã hội cho dù là tiến bộ hay đang phát triển.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 6.

Văn hóa hiếp dâm tồn tại trong một môi trường khi các vụ hiếp dâm diễn ra thường xuyên, thậm chí được “bình thường hóa”. Các hình thái của “văn hóa” này được thể hiện thông qua ngôn ngữ thù ghét phụ nữ, tình dục hóa cơ thể phái nữ hay ca tụng các hành vi xâm phạm đến tình dục. Từ đó, các quyền cơ bản cũng như sự an toàn của phái nữ bị đe dọa nặng nề. Vấn nạn này không hề hiếm gặp. Nó xuất phát từ những hành động nhỏ lẻ như lời trêu chọc, gạ gẫm các cô gái trên đường hay một sự đụng chạm đầy cố tình trên chuyến xe bus đông người, cho tới các tội ác nghiêm trọng hơn, để lại hậu quả kinh hoàng cho nạn nhân và những người xung quanh.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 7.

Đi cùng với văn hóa hãm hiếp chính là việc đổ lỗi cho nạn nhân. “Tại vì nó cũng hay lang chạ mà, cũng như cậu bé chăn cừu thôi!”, một nhân vật nữ trong phim thốt lên trước tai nạn của Nina. Phụ nữ khi ăn mặc sexy dễ bị nói là “mời gọi”, và người ta dễ thắc mắc “tại sao lại đi một mình để bị xâm hại?” hơn là “tại sao không thể ngăn chặn được những kẻ thú tính?”. Cả Britney Spears và Paris Hilton đều là 2 ngôi sao bị nhìn nhận như “thủ phạm” trong tai nạn của chính họ, một cách đau lòng.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 8.
Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 9.

Còn nhớ vào ngày 6/9 năm 2001, cái tên Britney Spears trở thành đề tài bàn luận nhờ biểu diễn ca khúc I’m a Slave 4 U tại Lễ trao giải MTV Music Video, cõng trên người một con trăn khổng lồ. Khoảnh khắc này đi vào lịch sử như một trong những màn biểu diễn ấn tượng nhất trong mắt khán giả, khi một cô gái trẻ uốn éo bên con vật chết người khi mới chỉ 19 tuổi. Chính nó cũng là phép ẩn dụ hoàn hảo cho cách mà thập niên 2000 đặt ra tiêu chuẩn cho phái nữ: phải thật quyến rũ, phải có một chút “nguy hiểm” và hơn hết, phải mời gọi. Áp lực này đè nặng lên vai của những “biểu tượng pop” lúc bấy giờ.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 10.

6 năm sau đó, toàn bộ dư luận thế giới sững người khi nhìn thấy Britney Spears cạo trọc, suy sụp trầm trọng ở nơi công cộng, nhập viện điều trị tâm lý. Cho đến ngày hôm nay, Britney vẫn đang khổ sở dưới quyền bảo hộ của người khác và không thể đứng tên, tự quản lý tài sản, chuyện chăm sóc y tế cũng như gia đình của mình.

Trước phong trào #FreeBritney (Giải thoát cho Britney) lan rộng, một bộ phim tài liệu về nàng công chúa nhạc Pop đã được ra mắt mang tên Framing Britney Spears, thuật lại cách chính xã hội đã đẩy một “nữ thần” xuống vực thẳm. Trước đó, This is Paris đã ra mắt năm 2020 sau nhiều năm Paris Hilton bị cả xã hội chê cười, lăng mạ. Trong bộ phim này, Paris Hilton kể về cách mà cô bị bắt nạt, xâm hại khi theo học ở trường nội trú cũng như bởi những người đàn ông đã đi qua cuộc đời của cô. Những câu chuyện về Britney Spears và Paris Hilton đưa ra một câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời: Phụ nữ đã bị đối xử như thế nào trong quá khứ, và cả bây giờ?

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 11.

Quay trở lại năm 2006 khi những bức hình về Britney Spears ra khỏi xe mà không mặc đồ lót trôi nổi trên mạng, những hãng thông tin lớn như ABC hay NBC đều coi đó là một chuyện “động trời” mà không mảy may suy nghĩ về việc đó là một sự xâm phạm nặng nề. Thậm chí, người ta còn nói rằng Britney đang cố tình làm vậy để “kêu gọi sự chú ý”.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 12.

Khi cuộn băng sex của Paris Hilton bị bạn trai cũ đem bán công khai cho thiên hạ (với tên gọi “1 Đêm Ở Trong Paris”), cô nàng bị cả xã hội chửi là thứ lẳng lơ, dễ dãi - thậm chí trên cả mặt những trang báo lớn của thế giới. Người ta vịn vào ý nghĩ rằng Paris “làm vậy để nổi tiếng”, hơn là những gì thực sự đã xảy ra.

Từ đó, Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn bước vào bức tranh toàn cảnh và khiến khán giả phải nhận ra văn hóa hiếp dâm đang phá hoại cuộc sống cũng như tước đi tiếng nói của biết bao người phụ nữ. Nhân vật Cassie hối hận và phẫn uất trước tấn thảm kịch xảy ra với Nina đến mức chính cô cũng hủy hoại cuộc sống của mình.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 13.
Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 14.

Cả Britney Spears lẫn Paris Hilton đều tồn tại song song, là bản lề trong Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: từ phong cách nghệ thuật cho đến âm nhạc và cả cốt truyện về văn hóa hiếp dâm đầy độc hại. Trong một môi trường mà sự tấn công tình dục phụ nữ bị xem nhẹ, văn hóa hiếp dâm chính là mối liên kết chặt chẽ giữa vụ việc của Britney Spears, Paris Hilton với những nhân vật trong phim.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 15.

Có nhiều khán giả để ý rằng tạo hình của nhân vật Cassie có phần “na ná” Britney Spears, từ mái tóc cho đến những bộ trang phục đậm màu của thập niên 2000. Dường như, Cassie cũng là một hình tượng nữ giới bị mắc kẹt trong khoảng thời gian đó của văn hóa đại chúng, mắc kẹt trong những gì Britney đã trải qua và vô vọng giữa một xã hội đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn - cùng lúc đó lại quá khinh miệt phụ nữ chỉ vì đặc điểm tính dục, tình dục của họ. Không chỉ là về tạo hình nhân vật, âm nhạc của Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn cũng đưa khán giả lùi về 2 thập kỷ trước với 2 ca khúc đình đám là Stars are Blind của Paris Hilton và Toxic của Britney Spears. 2 bài hát này được thể hiện ở 2 phân đoạn hoàn toàn khác nhau.

Giây phút Stars are Blind cất lên, khán giả có thể cảm nhận đây chính là cảnh phim ngọt ngào nhất của Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn, khi Cassie cùng người bạn trai mới của mình say sưa nhảy múa, quấn lấy nhau trong tình yêu thuần khiết. Nhà thiết kế Michael Perry của phim cho biết, mục đích của phân đoạn này chính là để cho khán giả thấy một khía cạnh khác của Cassie - về sự ngọt ngào của cô khi không bị nuốt chửng bởi sự độc hại của xã hội. Đồng thời, nó cũng cho thấy tương lai của Cassie nếu cô có thể vượt qua được nỗi đau về cái chết của người bạn, tìm được hy vọng sống lạc quan với đời, với tình yêu.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 16.

Ngược lại, Toxic xuất hiện ở phân đoạn cao trào của phim theo tiếng violin réo rắt và có phần ám ảnh. Đó cũng là lúc Cassie thực hiện màn báo thù quan trọng nhất của cuộc đời mình với kẻ đã gây ra lỗi lầm nhưng thoát tội. Tiếng nhạc không chỉ tạo ra bầu không khí căng thẳng của phim mà còn trao đôi cánh quyền lực cho Britney Spears - người phụ nữ đã quá nhiều lần bị tước đi tiếng nói và sự tự do, bị bôi nhọ và bị tình dục hóa chỉ để vừa vặn với những ý niệm xấu xa, thấm nhuần độc tố của xã hội.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 17.

Đã có quá nhiều người phụ nữ bị biến thành nạn nhân của nền văn hóa hiếp dâm. Paris Hilton bị phát tán video nhạy cảm, Britney Spears bị bắt phải trở thành một “biểu tượng tình dục” bởi dư luận và ngành công nghiệp giải trí, đến mức phát triển bệnh tâm lý. Nina bị hiếp mà không thể tìm được công lý. Và còn rất nhiều cô gái trẻ hứa hẹn nữa đã bị đẩy vào đường cùng, hay không thể sống hạnh phúc chỉ vì vô tình bị biến thành nạn nhân của xâm hại tình dục.

Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn: Lời kêu cứu thay cho Britney Spears, Paris Hilton và những nạn nhân của “văn hóa hiếp dâm” - Ảnh 18.

Không phải người phụ nữ nào cũng sẽ gặp tình huống bị tấn công tình dục. Tuy nhiên, chỉ một vụ tấn công cũng có thể hạ thấp và tạo ra nỗi kinh hoàng đối với tất cả những cô gái khác. Phái nữ đã phải hạn chế, “giữ mình” chỉ vì sợ hãi ý niệm của sự tấn công tình dục - điều ít xảy ra hơn đối với nam giới. Hiếp dâm không chỉ mang lại nỗi đau về thể xác và tâm lý cho nạn nhân, mà sự tồn tại của nó cũng có quyền năng trói giữ phái nữ ở một vị trí yếu đuối hơn nam giới, cho dù rất nhiều người đàn ông không hiếp dâm, và nhiều người phụ nữ không bị xâm hại. Nỗi sợ dai dẳng này chính là “di sản” của văn hóa hiếp dâm.

Với sự xuất hiện của Cô Gái Trẻ Hứa Hẹn, chúng ta đang dần hiểu ra và quan tâm hơn về sự tồn tại của văn hóa hiếp dâm giữa xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một hành trình rất dài phải đi.

Nguồn ảnh: Focus, Tổng hợp