Cựu nam sinh Hà Nội từng muốn tự tử, viết sẵn thư tuyệt mệnh vì áp lực cha mẹ: Hành trình tìm lại chính mình ở năm 24 tuổi

Đặng Nhật Minh, cựu nam sinh Amsterdam khóa 2010 - 2013 đã có bài chia sẻ kể lại chính câu chuyện của mình thu hút cộng đồng mạng.

Đặng Nhật Minh là cựu nam sinh Amsterdam khóa 2010 - 2013, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Swinburne, ARC SEAM (Úc). Anh chàng cũng chính là người đã chia sẻ một bài viết dài về quãng thời gian bản thân đã thấu hiểu, dám chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ như thế nào để lần lượt cắt đứt những áp lực, để 2 bên thông cảm, tôn trọng và cùng nhau trải qua những cột mốc lớn trong hành trình trường thành của Minh. 

Từ 1 học sinh top đầu ở Ams cho tới nghiên cứu sinh Tiến sĩ - câu chuyện nghe có vẻ hiển nhiên và chẳng có gì để bàn, nhưng với Nhật Minh đó là 1 hành trình thể hiện chính kiến và cố gắng không ngừng nghỉ không chỉ trên khía cạnh học tập. Trò chuyện thêm với Minh, anh chàng đã có rất nhiều chia sẻ thẳng thắn và hữu ích, tạo thêm động lực cho những ai đã và đang mỗi ngày, lớn lên. 

Bố mẹ muốn hoa màu đỏ, con sẽ vẽ màu xanh - Chuyện cởi trói áp lực, thấu hiểu lại gia đình của nam sinh trường chuyên Hà Nội - Ảnh 1.

Đặng Nhật Minh

Minh kể lại học lực của bản thân thuộc dạng top đầu, thế nhưng cũng chính điều đó khiến anh chàng phải chịu áp lực "phải ở vị trí đứng đầu". Suy nghĩ "phải làm sao để được như họ" cũng chính là điều anh chàng trải qua khi tiếp xúc với rất nhiều những người giỏi khác. 

"Mình có lợi thế làm bài nhanh, như bài thi tốt nghiệp môn Hóa cuối năm cấp 3 thời gian 60 phút, thì trước cả khi giám thị cho phép đặt bút viết đáp án trên giấy mình đã làm xong. Thi đại học cũng vậy, chỉ mất khoảng 40% thời gian là xong... Nhưng có làm nhanh bằng "giời" cũng không lại được đề cương học thêm. Bởi mình không chỉ học thêm một chỗ môn Hóa mà tận 2 - 3 nơi. Mỗi lần nhìn vào túi cặp xách, mình lại nản cho cuộc đời éo le không lối thoát khỏi việc học cho nên tự giải thoát có lẽ là êm đẹp nhất" - Nhật Minh kể lại. 

Vượt qua áp lực và hành trình thấu hiểu hơn với tình yêu của bố mẹ

Với sự kì vọng từ chính gia đình nhưng may mắn, anh chàng luôn trực tiếp dám nói lên quan điểm của bản thân về những áp lực trong học tập, thi cử với bố mẹ: "Mình tự nhận bản thân là một người khá cứng đầu, một phần mình tự tin là mình học khá giỏi, nên mình không ngại chia sẻ quan điểm với bố mẹ. Điều này khiến mẹ khá buồn vì nghĩ đó là cãi lại, nhưng ngược lại bố lại ủng hộ sự tự do của con, nên mình khá có chính kiến của bản thân.

Nếu như bố mẹ dạy vẽ bông hoa màu đỏ thì mình cứ vẽ màu xanh, và mình vẫn được điểm 10 do tổng thể bức tranh vẫn đẹp nên mình thường thực hiện lại những việc ngược với phụ huynh. Bố mẹ kì vọng mình học chuyên Toán do điểm Toán của mình cao nhất lớp nhưng mình thích học Hóa nên mình chọn theo ý kiến cá nhân. Sau này khi sắp thi đại học, bố mẹ có kì vọng mình học khoa Công nghệ sinh học - Dược học như mong muốn nhưng mình vẫn lựa chọn theo Khoa học vật liệu - Công nghệ Nano tại Đại học Việt - Pháp. Việc này lâu dần cũng thành quen nên bố mẹ vẫn tôn trọng theo quyết định của mình.

Nhưng mình luôn đặt ra quan điểm với việc mình được lựa chọn như vậy thì phải chứng minh cho bố mẹ thấy rằng “Con đang đi theo đúng hướng” và tự nhiên mình cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với bản thân hơn và mình cũng muốn như vậy. Mình không muốn sau này khi trưởng thành sẽ đổ lỗi cho bố mẹ vì sự sai lầm này. Nên mình vẫn luôn phải cố gắng vì điều đó".

Anh chàng cũng chia sẻ lại để đạt được những thành công như ngày hôm nay thì việc bố mẹ đầu tư công sức cho cậu bạn học tập không phải là điều dễ dàng: "Mình cảm thấy may mắn khi một phần gia đình luôn tạo điều kiện được phát triển toàn diện từ khi còn bé. Bố mẹ đã vất vả ngày đêm làm việc có thêm thu nhập cho mình được học tập tại trung tâm tốt nhất ở Hà Nội thời đó. 

Ngày xưa khi mình tham gia CLB Thần Đồng Đất Việt nơi mà dành cho những người có IQ trên 180. Thời điểm đó tiền học rất đắt mà giá của một buổi học đã hơn 10 USD (hơn 230k) nhưng bố hàng ngày vẫn dành thời gian, bỏ làm để đưa đi mình 20 cây số chở và đưa về nhà. Bố cũng không bao giờ than phiền về học phí mà luôn luôn tạo điều kiện cho mình có thời gian học được các kĩ năng tư duy tốt hơn, từ đó mà sau có khả năng giải đề Toán và Hóa được nhanh hơn.

Bố mẹ muốn hoa màu đỏ, con sẽ vẽ màu xanh - Chuyện cởi trói áp lực, thấu hiểu lại gia đình của nam sinh trường chuyên Hà Nội - Ảnh 3.

Mình cảm thấy thời đó bố mẹ đã phải làm nhiều công việc khác nhau để giúp mình được tiếp xúc với các trung tâm học thêm tốt nhất từ nhỏ, mình được học có bài bản hơn, dẫn tới việc sau này mình học cao hơn thì mình biết cách tiếp cận vấn đề tốt hơn và giải được bài tập nhanh hơn".

Tuy nhiên sau khi Nhật Minh đăng tải bài viết, đã có rất nhiều bên không tìm hiểu kĩ thông tin, khiến cho cha mẹ cậu nhận về nhiều chỉ trích.

Cậu tâm sự: "Bố mình rất tự hào khi con trai đã dám lên tiếng và chia sẻ thẳng thắn câu chuyện. Nhưng ông cũng rất tủi thân khi một số đơn vị truyền thông làm quá, biến ông trở thành con người độc tài. Chính bố cũng là người mua máy tính về để mình có cơ hội được xả stress, chơi game sau giờ học. Mong qua chia sẻ này, mình có thể giải oan được cho bố".


Quá trình học tập không ngừng nghỉ và hành trình trở thành nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Swinburne (Úc)

Với sự cố gắng, Nhật Minh đã được đền đáp bằng hàng loạt thành tích khủng cả về học tập lẫn chuyên môn như:

- Là diễn giả ở 2 hội nghị quốc tế lớn nhất về ngành vật liệu ở Việt Nam

- 11 công trình nghiên cứu khoa học

- Junior Reseacher tại Viện Khoa học vật liệu (1.5 năm), Laboratories Manager tại TT phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến (1 năm).

Bố mẹ muốn hoa màu đỏ, con sẽ vẽ màu xanh - Chuyện cởi trói áp lực, thấu hiểu lại gia đình của nam sinh trường chuyên Hà Nội - Ảnh 5.

Nhật Minh tâm sự: "Khi học trường Ams rồi sau đó đi du học, mình được thẳng thắn bày tỏ quan điểm ngay cả việc mình với thầy giáo cũng không có rào cản gì cả. Ở đây, mình và thầy có thể tự do trao đổi quan điểm với nhau dưới tư cách là đồng nghiệp. 

Đó là một điều rất hay, mình được tự do bày tỏ quan điểm ở mọi vấn đề. Chính vì thoải mái như vậy nên nhận được sự phản hồi của mọi người là mình sai ở đâu. Nếu mình không có cơ hội được nói thì cũng không biết mình sai ở chỗ nào. Chính vì việc được tự do ngôn luận trao đổi như vậy nên mình dần dần hoàn thiện bản thân hơn và mọi người đều cổ vũ thứ mình theo đuổi, mọi thứ sáng tạo.

Trong quá trình đó mình cũng được gặp nhiều bạn có ý tưởng sáng tạo khác, sau đó bọn mình được trao đổi và dần dần có những ý tưởng startup khởi nghiệp, cùng nhau thực hiện ước mơ của riêng mình".

Bố mẹ muốn hoa màu đỏ, con sẽ vẽ màu xanh - Chuyện cởi trói áp lực, thấu hiểu lại gia đình của nam sinh trường chuyên Hà Nội - Ảnh 6.

Nhiều phụ huynh có bình luận dưới bài đăng của cậu “Nếu không học giỏi thì có ngày hôm nay không?”. Nhật Minh chia sẻ: "Điều này là sai! Theo mình học đủ là được rồi. Mình nhìn các tấm gương xung quanh mình học đủ là được mà họ có được thành công hơn cả mình. Đó là giáo sư nổi tiếng, chuyên viên cao cấp làm ở NASA... họ cũng không phải trường chuyên, lớp chọn gì. 

Và mình cũng nhấn mạnh thước đo cho công việc của mình hiện tại không phải là thước đo cho mọi người, vì mỗi người đều có một ước mơ riêng, không nên áp đặt hay từ bỏ ước mơ của mình vì người khác được".

Hiện tại, khi đã hoàn thành gần xong chương trình nghiên cứu sinh ở Swinburne, Nhật Minh tâm sự: "Mình sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ, tiếp tục cố gắng và phát triển vì sự cố gắng của bản thân cũng như sự kì vọng của gia đình. Trong tương lai mình sẽ tu nghiệp một thời gian ở nước ngoài và sẽ quay trở về Việt Nam làm việc để cống hiến cho đất nước".

Ảnh: NVCC 

https://ahadep.com/cuu-nam-sinh-ha-noi-tung-muon-tu-tu-viet-san-thu-tuyet-menh-vi-ap-luc-cha-me-hanh-trinh-tim-lai-chinh-minh-o-nam-24-tuoi-2022040700005754.chn