Với việc biến thể Omicron cho khả năng lây nhiễm quá mạnh và đang tiếp tục lây lan trên thế giới, một số chuyên gia đã nghiêm túc nghiên cứu lại về câu chuyện khẩu trang - vốn là công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống lại Covid-19 toàn cầu.
Và họ đưa ra một kết luận đáng buồn, liên quan đến khẩu trang vải.
"Khẩu trang vải (trước Omicron) không khác gì món đồ trang trí trên mặt. Không có tác dụng gì với Omicron cả," - chuyên gia phân tích y tế, Tiến sĩ Leana Wen từ ĐH George Washington cho biết.
"Chúng ta cần phải đeo tối thiểu là khẩu trang y tế 3 lớp," - Tiến sĩ Wen tiếp tục. Đó là loại khẩu trang dùng 1 lần, có thể được mua dễ dàng tại các hiệu thuốc và cửa hàng bán lẻ. "Bạn có thể đeo thêm khẩu trang vải bên ngoài, nhưng chỉ đeo mình nó thì không."
Cũng theo Tiến sĩ Wen thì lý tưởng nhất, đặc biệt là tại nơi đông người: "Bạn nên đeo khẩu trang KN95 hoặc N95" - những loại khẩu trang có giá cao hơn so với bình thường. Chúng được làm từ các vật liệu như sợi polypropylene có khả năng ngăn chặn giọt bắn tốt hơn từ mũi và miệng, và cũng vừa vặn hơn.
Thay đổi quy tắc phòng dịch
Công bố mới của các chuyên gia Mỹ là một thay đổi lớn so với những tháng đầu tiên của dịch bệnh. Khi đó các chuyên gia y tế thậm chí còn không khuyến khích công chúng mua khẩu trang N95, trong bối cảnh công nhân viên y tế đang thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ.
"Nhưng giờ thì nguồn cung đã ổn định hoàn toàn," - Wen nhận định.
Nhưng trong các quy tắc phòng dịch gần nhất của CDC Hoa Kỳ vẫn đang khuyên người dân dùng khẩu trang vải để dùng đi dùng lại nhiều lần. Theo Wen, đây là một sai lầm lớn.
"Nếu đã đi xa đến mức yêu cầu đeo khẩu trang ở những nền văn hóa không mấy quen thuộc với nó, ít nhất hãy khuyên người ta đeo loại hiệu quả nhất."
Nhiều quốc gia khác như Đức và Áo đã thay đổi tiêu chuẩn, yêu cầu đeo ít nhất là khẩu trang y tế ở nơi công cộng.
Một lý do khác tạo ra sự thay đổi này là nhân loại giờ đã hiểu biết hơn về Covid-19, cũng như cách nó lây lan - theo Erin Bromage, phó giáo sư sinh học từ ĐH Massachusetts Dartmouth.
Khẩu trang vải có thể lọc được những giọt bắn lớn, trong khi khẩu trang y tế và đặc biệt là các loại như N95 lọc được những giọt khí dung nhỏ hơn rất nhiều. Theo Bromage, khẩu trang vải có tỉ lệ ngăn giọt bắn là 75%, còn N95 lên tới 95%. Khẩu trang y tế 3 lớp chỉ kém hiệu quả hơn N95 khoảng 5 - 10% mà thôi.
Việc vì sao biến thể Omicron có thể lây lan quá nhanh vẫn còn là điều bí ẩn. Nhưng theo Bromage, khẩu trang kém chất lượng dường như là một nguyên nhân đang bị xem nhẹ.
"Dù là cần ít virus hơn để nhiễm bệnh, hay F0 thải ra nhiều virus hơn, thì việc kiểm soát lượng virus tiếp xúc sẽ giúp bạn có thêm thời gian. Nếu bạn cần tiếp xúc với 1000 phân tử virus để nhiễm bệnh và bạn đeo thứ giúp giảm 50% phân tử hít vào, thời gian tiếp xúc đủ để khiến bạn lây nhiễm sẽ tăng gấp đôi. Và nếu ngăn được 90%, thì sẽ là gấp gần 10 lần."