Những ai sinh sống gần khu vực Bình Thạnh - Thủ Đức ắt hẳn đã từng nghe qua danh quán lẩu Cù Lao mang đặc trưng miền Tây sông nước nằm trên đường Nguyễn Xí, Bình Thạnh. Đây là địa điểm ăn uống quen thuộc của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên và dân văn phòng vì quán có không gian thoáng mát, giá cả bình dân. Bên cạnh hương vị món ăn, quán lẩu Cù Lao còn có câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp.
Cô gái trẻ gốc Cà Mau từ bỏ công việc ổn định 20 triệu đồng/tháng, vay ngân hàng 200 triệu đồng để lập nghiệp
Cụ thể, chủ nhân của quán lẩu này là chị Nguyễn Diễm My, 30 tuổi, quê quán tại Cà Mau. Chia sẻ với chúng tôi, chị My cho biết từ năm 18 tuổi, chị lên TP.HCM theo học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Năm 2015 sau khi tốt nghiệp, chị My xin vào làm công việc văn phòng. Sau vài năm, chị thăng chức lên làm trưởng nhóm với mức lương lý tưởng khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên với số tiền này, chị My chỉ đủ trang trải cuộc sống nên chị đã quyết định khởi nghiệp.
"Từ nhỏ, mình rất yêu thích nấu ăn, thích làm về ẩm thực. Bản thân mình rất thích những món ăn dân dã, đậm chất quê hương. Mình muốn chia sẻ món ăn của quê mình đến nhiều người biết hơn thế nên, mình đã quyết định khởi nghiệp. Lúc đó mình vay ngân hàng được 200 triệu đồng để khởi nghiệp" - Diễm My chia sẻ.
Cầm số vốn 200 triệu đồng trong tay, chị My đã thuê mặt bằng nhỏ, dựng được 10 chiếc bàn và mua 20 nồi lẩu. May mắn sau khi khai trương được hơn 1 tháng, quán lẩu chị My được thực khách ủng hộ, người đến ăn ngày càng đông nên chị đã mở rộng diện tích quán, thuê thêm mặt bằng lân cận. Đến hiện tại sau hơn 2 năm, quán lẩu miền Tây có diện tích "khủng" khi rộng hơn 1000m2 với gần 200 chiếc bàn và 50 nhân viên phục vụ.
Để đi đến thành công hôm nay, chị My đã trải qua không ít khó khăn. Ban đầu, vì buôn bán ngoài trời nên chị phải canh thời tiết, những ngày mưa bão thì chấp nhận thua lỗ. Chưa kể, chị phải tìm mặt bằng phù hợp để vừa gần khu dân cư, vừa có chỗ trống cho khách đậu xe. Hơn hết, sau 2 năm dịch bệnh, chị My cảm thấy may mắn vì quán đã chuyển đổi sang kinh doanh online, có thể phục vụ bà con kịp thời.
Món lẩu miền Tây chinh phục thực khách
Cũng như tên gọi của quán, món lẩu cù lao là nhân vật chính của quán, bên cạnh đó là 2 món lẩu mắm và lẩu Thái. Chị My chia sẻ, lẩu cù lao là món ăn quen thuộc trong dịp đám cưới, đám hỏi,... của bà con miền Tây. Trong đó, lẩu cù lao hiểu nôm na là lẩu thập cẩm, được chế biến từ nhiều nguyên liệu như thịt, lòng lợn đến các loại hải sản tôm, cá.
Tương tự, lẩu mắm cũng là món ăn truyền thống của người miền quê sông nước. Với hương thơm của mắm nồng nàn hòa cùng một số loại rau như rau nhút, rau muống,... khiến cho món ăn trở nên đặc trưng khó nhầm lẫn. Riêng lẩu thái là món "lẩu quốc dân", ai ai cũng đều thích ăn nên chị My đã bổ sung vào thực đơn cho đa dạng.
Về phần hương vị, ban đầu quán nấu theo cách nêm nếm ở quê. Về sau, khi được khách hàng đóng góp ý kiến, quán đã có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với khẩu vị của người thành phố. Với nguyên liệu tự nhiên, nước lẩu được ninh hầm từ xương và các loại rau củ, chị My mong muốn sẽ mang lại nồi lẩu chất lượng với giá bình dân cho bà con.
Một điểm đặc biệt, thay vì sử dụng bếp cồn hay bếp gas như các quán lẩu khác, quán của chị My sử dụng loại bếp than kiểu cũ, chính giữa nồi là phần đựng than được khò cháy để giữ cho bếp nóng liên tục. Đảm bảo trong suốt bữa ăn dài, thực khách vẫn cảm nhận được nước lẩu nóng hổi.
Như vậy, với điểm xuất phát ban đầu chỉ có 200 triệu đồng thì giờ đây, quán của chị My trở thành quán lẩu đắt khách nhất Sài Gòn. Mỗi ngày, quán bán từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, phục vụ trên dưới 1000 khách. Trong đó, quán bán được gần 1.000 phần lẩu, giá mỗi phần khoảng 160.000 đồng chưa tính phí phát sinh.
Nói thêm về việc mở rộng chi nhánh, chị My cho biết hiện tại quán chưa có dự định mở thêm. Có nhiều bên đã ngỏ ý xin nhượng quyền nhưng chị My đều từ chối vì các món ăn của quán chị đều là hương vị quê hương, không dễ chế biến. Chị My không muốn vì chạy theo lợi nhuận mà đánh mất giá trị ban đầu đã đặt ra.
Cuối cùng, gửi lời động viên, chia sẻ kinh nghiệm đến các bạn trẻ có dự định khởi nghiệp, chị My cho rằng: "Khi khởi nghiệp, các bạn cứ làm theo đam mê hết mình. Điều quan trọng đầu tiên trước khi kinh doanh món hàng nào đó là bản thân mình phải yêu thích nó trước. Giống như mình yêu thích nấu ăn nên kinh doanh quán lẩu. Hơn hết, mình rất yêu thích món ăn mình làm ra".
Còn bạn, bạn nghĩ như thế nào về câu chuyện hành trình lập nghiệp của cô chủ quán lẩu đắt khách nhất Sài Gòn này? Hãy chia sẻ cùng Bestie nhé!
Ảnh: Kim Thắm
Bên cạnh lẩu cù lao, lẩu mắm, lẩu Thái, ẩm thực Việt Nam còn có vô vàn loại lẩu khác. Trong đó, lẩu lá é mang hương vị thơm ngon của thịt gà kết hợp cùng vị cay the nhẹ của lá é. Đây cũng là món ăn độc đáo phù hợp chiêu đãi cả nhà vào dịp cuối tuần.
Để nấu món ăn này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như: gà, lá é, măng tươi, nấm, các nguyên liệu và gia vị đi kèm. Sau khi sơ chế, thịt gà cắt khúc vừa ăn Bạn tiếp tục sơ chế toàn bộ lá é, măng, nấm rồi để ráo. Phần măng cần luộc sơ qua để loại hết chất độc trong măng...