Năm 24 tuổi, Minh Cúc (sinh năm 1986) quyết định lên xe hoa về nhà chồng. Nói về cuộc hôn nhân đã qua, cô cho rằng đó là kết quả của sự bồng bột. Sau khi con chào đời không lâu, Minh Cúc quyết định ly hôn và bế con về nhà bố mẹ đẻ. Và cũng từ đây, cuộc sống của bà mẹ trẻ bên cô con gái bị bệnh diễn ra trong căn phòng nhỏ vỏn vẹn 12m2.
Diễn viên Minh Cúc luôn được biết đến với vẻ ngoài mạnh mẽ, các vai diễn cá tính.
Xuất hiện trên truyền hình với hình ảnh gai góc, mạnh mẽ, Minh Cúc cũng luôn khiến khán giả cảm nhận về nguồn năng lượng tích cực qua những câu chuyện vui vẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên ít ai biết, một ngày của nữ diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ luôn bắt đầu vô cùng bận rộn. Làm mẹ ai cũng trải qua những khó khăn khi chăm sóc con mọn, còn với Minh Cúc, cô đã quen với cảm giác 11 năm có con mọn khi bé Tú Minh vẫn mãi như một đứa trẻ sơ sinh. Thay vì có thể làm được những việc đơn giản như ăn uống, cô bé chỉ có thể tiếp nhận dinh dưỡng từ những ống xi lanh sữa của người mẹ mạnh mẽ. Nửa cốc sữa với một đứa trẻ là bình thường, còn với Tú Minh thì là cảnh mẹ Minh Cúc đổ mồ hôi 1 tiếng đồng hồ bế con trên tay, cộng với chiếc xi lanh nhỏ, làm sao để bơm thật nhanh mà tránh khỏi cảnh con nôn, sặc sữa.
Được biết con gái Minh Cúc bị chẩn đoán teo 1 bên não do mấy tiếng đồng hồ ngạt ối, não không được cung cấp đủ oxi. Hơn thế, ngay khi vừa lọt lòng, cô bé đã đã suy gan, suy tim, suy thận, phải trải qua phẫu thuật khi mới được 20 ngày tuổi. Kể từ đó, não con bị tổn thương nặng và không thể phát triển bình thường.
Sau ca phẫu thuật tim, não bé Tú Minh tổn thương nặng và không thể phát triển bình thường
Minh Cúc chia sẻ: "Việc ăn uống của con hơn 10 năm nay như vậy, tôi cũng đã quen rồi. Mình sinh con ra thì chăm sóc, kiên nhẫn với con cũng là điều đương nhiên thôi, tôi không nghĩ đó là sự thiệt thòi. Vì người thiệt thòi thực sự là con bé chứ không phải là tôi".
Mặc dù cho rằng việc bước ra khỏi cuộc hôn nhân sai lầm là hoàn toàn đúng đắn, nhưng Minh Cúc vẫn luôn cảm ơn gia đình nhà nội vì Tú Minh luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của ông bà nội lẫn ông bà ngoại. Một tuần từ 1-2 buổi, nhà nội sẽ giúp cô chăm sóc bé để mẹ có thời gian cho công việc. Những lúc đó, Minh Cúc có những khoảng thời gian của riêng mình cho việc chợ búa, chăm sóc nhà cửa, và tập luyện nâng cao sức khỏe, xả stress. Nữ diễn viên Hương vị tình thân tâm sự: "Bên nội chủ động đỡ cho tôi việc trông nom con bé một tuần vài buổi, tôi rất trân trọng điều đó. Vì hơn hết, tôi nghĩ con mình cũng cần được nhận sự yêu thương, chăm sóc từ cả hai bên nội ngoại".
Để nuôi được Tú Minh 11 năm nay là những ngày chiến đấu với con trong từng bữa ăn để con có thể uống được sữa và chút cháo loãng.
11 năm một mình chăm sóc con bệnh tật, nhưng chưa lúc nào Minh Cúc cho rằng mình là người thiệt thòi. Bởi khi hôn nhân không còn là điểm tựa, cô có gia đình luôn ở bên, ngôi nhà nhỏ bố mẹ cô ở đó luôn mở rộng cửa đón hai mẹ con cô. Và hơn thế nữa, bé Tú Minh tuy chỉ như một đứa trẻ sơ sinh, ăn uống không chủ động, chưa thể nói được thành chữ, nhưng lại như là một người bạn, luôn lắng nghe những cảm xúc của người mẹ. Mỗi khi tâm trạng chán nản, buồn bã, Tú Minh luôn là người ở bên để làm dịu đi những chất chứa trong lòng người mẹ. Minh Cúc tâm sự: "Bạn ấy sẽ chăm chăm nhìn vào mặt tôi, nếu vô tình nhìn thấy tôi rơi nước mắt thì con gái cũng khóc theo, nhưng chỉ nghẹn ngào mà không dám khóc to, bạn ấy vừa nức nở vừa cười để chia sẻ với tôi. Tôi cảm giác như bạn ấy muốn nói "Có con mà mẹ đừng khóc!".
Bé Tú Minh chưa thể nói nhưng lại luôn hiểu những cảm xúc vui buồn của người mẹ.
Mặc dù luôn coi con như một người bạn, nhưng "Quý cô tuổi Dần" cũng thừa nhận mình là "người mẹ ác", bởi nếu không "ác" thì không ai có thể ép con ăn hết nửa cốc sữa, hay bát cháo loãng ca chiều. Bởi cô hiểu ông bà ngoại hay có tâm lý xót cháu, thấy cháu có dấu hiệu nôn trớ là sẽ dừng ngay, lúc này mẹ Cúc lại là người ra tay, dù là 1 tiếng đồng hồ, cũng có khi chịu cảnh con phun sữa, cháo vào mặt nhưng vẫn phải cố ép cho con hoàn thành suất ăn. Cũng nhờ công "ác" của mẹ mà cho đến giờ "sức khỏe của bạn ấy rất tốt, năm nay Tú Minh "dài người" hơn một chút, nhận thức tốt hơn rất nhiều", Minh Cúc chia sẻ.
Trong vòng tay mẹ, Tú Minh luôn nở nụ cười hạnh phúc.
Bên cạnh công việc chăm con, Minh Cúc còn có niềm đam mê lớn lao với nghiệp diễn. Những lúc mẹ phải đi đóng phim, diễn sân khấu, việc chăm sóc con lại nhờ vào tay các ông bà. Chính vì thương bố mẹ già, không muốn để bố mẹ vất vả nên Minh Cúc luôn dạy dỗ con rất cẩn thận. Cô mong con ngày một tự lập, không quấy nhiễu ông bà mỗi khi mẹ vắng nhà. Cô cho biết: "Kỷ luật với con một chút nhưng hiệu quả rất tốt, tôi vẫn dạy con nghiêm khắc như bao người mẹ khác thôi. Tôi để ý những lúc có mẹ ở nhà bạn ấy hay lẽo nhẽo đòi bế, nhưng lúc tôi đi vắng thì bạn ấy phải nghe lời bà ngoại. Tú Minh thường xuyên để ý thái độ của tôi và biết được lúc nào yêu chiều đùa giỡn, lúc nào căng thẳng".
Bước sang tuổi 36, khi mọi người mong về một chỗ dựa vững chắc, thì với Minh Cúc, Tú Minh chính là chỗ dựa tinh thần, là niềm hạnh phúc của cô. Bà mẹ đơn thân chia sẻ: "Tú Minh chính là hạnh phúc riêng của tôi rồi. Tôi biết, ở ngoài kia còn rất nhiều người mẹ giống như tôi, tôi tin mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến".
Vẻ đẹp mạnh mẽ của quý cô tuổi Dần Minh Cúc
4 nguyên tắc nuôi con của các bà mẹ đơn thân 1. Mẹ hãy yêu thương bản thân mình Quan tâm đến con cái là điều rất tốt, tuy nhiên chị em cũng cần phải quan tâm đến bản thân mình, hãy yêu quý và chiều chuộng bản thân mình hơn. Đứa con nào cũng mong chờ mẹ mình được vui vẻ, nhiệt huyết với cuộc sống. Bởi vì khi người mẹ vui vẻ, đứa con cũng được hưởng lây tinh thần tích cực từ người mẹ. 2. Không dùng vật chất để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho con cái Rất nhiều bà mẹ đơn thân đi vào vết xe đổ là dùng vật chất để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm người cha cho con. Thiếu tình cảm thì chỉ có thể bù đắp bằng tình cảm, cũng như thiếu thời gian phải bù đắp bằng thời gian. Mẹ hãy cho con thứ mà cuộc đời không thể mang lại cho con, đó chính là tình thương. Mỗi ngày mẹ hãy dành khoảng một giờ cho con. Đây là thời gian thuần túy chơi đùa và tâm sự của hai mẹ con, không phải là lúc mẹ ép con ăn, mẹ ép con học bài… Trong một giờ đồng hồ đó, mẹ nên tâm tình với con về những vấn đề trong cuộc sống. 3. Dạy con cách bảo vệ mình trước cuộc sống Mẹ không cần phải dạy con những vấn đề đao to búa lớn, trở thành người này người kia trong xã hội, cái đó cuộc sống sẽ dạy con. Mẹ chỉ cần dạy con cách tự bảo vệ mình trước cuộc sống và dạy con từ những câu chuyện rất nhỏ nhặt. Tùy từng lứa tuổi của con, mẹ hãy học cách buông tay ra, để con tự bảo vệ mình trước cuộc sống. 4. Luôn biết kiềm chế Khi nuôi dạy con cái, mẹ phải biết kiềm chế, kiềm chế cả khi phạt lẫn khi khen thưởng. Thực tế, rất nhiều mẹ đơn thân vì hận bố của bé đã “giận cá chém thớt” lây sang bé, chỉ một sai sót nhỏ của bé cũng khiến mẹ nổi cơn tam bành, hoặc ngược lại, mẹ muốn bù đắp sự thiếu hụt người cha đã khen thưởng con quá tay. Cả hai thái độ này đều không tốt cho sự phát triển của bé, hoặc là bé sẽ bị tổn thương, chai lỳ hoặc là bé sẽ nhõng nhẽo, đòi hỏi. |