Vợ chồng tôi cưới nhau đã mười mấy năm nhưng hiếm muộn nên có con trễ, bây giờ cả hai cũng đã ngoại tứ tuần thì con trai mới chuẩn bị vào tiểu học. Có một mụn con duy nhất nên vợ chồng dành toàn bộ thời gian và tình yêu thương cho quý tử, muốn tạo cho con mọi thứ tốt nhất với hy vọng tương lai con sẽ hoàn mỹ.
Vì lẽ đó mà vợ chồng phân chia nhau, tôi sẽ là người lo kinh tế gia đình, còn bà xã chỉ cần tập trung nuôi dạy con. Thằng bé từ nhỏ đã được bố mẹ dưỡng dục không thiếu thứ gì. Trộm vía con cũng nhanh nhẹn, hoạt bát nên vợ chồng phần nào yên tâm hơn. Hết hè này là con bước vào hành trình mới, trở thành một học sinh tiểu học, tôi và bà xã rất hào hứng nhưng cũng vừa mừng vừa lo.
Ảnh minh hoạ
Để chuẩn bị cho con trai tốt nhất trước khi con vào lớp 1, vợ tôi đã miệt mài mỗi ngày bày con học. Nuôi con khó bao nhiêu thì dạy con càng khó gấp vài lần, chính vì thế mà tôi hiểu bà xã đã chịu áp lực lớn đến nhường nào. Tâm lý của bố mẹ chung ai chả thế, ai chẳng muốn con sau này đỗ đạt, thành tài.
Nhưng tôi nào có ngờ vì dạy con học mà vợ tôi stress đến mức phải nhập viện. Chuyện là tối hôm qua tôi phải tăng ca ở công ty nên đi làm về muộn. Tầm 10 giờ đêm tôi về đến nhà thì tá hoả khi thấy vợ tay chân run rẩy, mặt mày đỏ bừng rồi ngất xỉu ngay sau đó, còn con trai 5 tuổi thì đứng bên cạnh vỗ tay một cách hào hứng, mừng rỡ.
Ảnh minh hoạ
Tôi hoảng loạn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cố gắng trấn an bản thân giữ bình tĩnh rồi sau đó gọi xe cứu thương đưa vợ vào bệnh viện. Được các y bác sĩ tận tình chữa trị, vợ tôi dần khoẻ hơn. Lúc này, tôi hỏi chuyện xảy ra thì vợ mới kể là do trong quá trình dạy con trai học, đứa trẻ liên tục không hiểu bài, tỏ thái độ không hợp tác nên bản thân tức giận đến mức rơi vào tình trạng như thế này.
Còn cậu con trai thấy mẹ ngất xỉu, cứ nghĩ là chuyện không nghiêm trọng, đồng thời biết bản thân không bị bắt học nữa nên mới tỏ thái độ vui mừng. Tôi không ngờ chỉ dạy con học thôi mà khó khăn đến vậy. Có bố mẹ nào đã từng hoặc đang trải qua hoàn cảnh giống như gia đình tôi không...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trên thực tế, có rất nhiều ông bố bà mẹ phải chịu áp lực lớn trong chuyện dạy học ở nhà cho con. Họ không thể kiểm soát tốt được cảm xúc của mình, từ đó rơi vào những tình huống tiêu cực, không chỉ có hại cho chính bản thân mà còn cho các con.
Tuy nhiên, để việc học của trẻ, đặc biệt trẻ mới bắt đầu vào lớp 1 đạt hiệu quả thì bố mẹ nên tạo cho con niềm đam mê với việc học và tự giác học. Cũng kể từ đó khi bố mẹ đồng hành cùng con, chuyện học hành sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều người lầm tưởng tự học đơn giản chỉ là con biết ngồi vào bàn học đúng giờ và hoàn thành các bài tập mà giáo viên trên trường giao cho. Tuy nhiên, không đơn giản như thế. Tự học chính là quá trình bé học cách tự sắp xếp và lên kế hoạch thực hiện lĩnh hội kiến thức theo các cách riêng của mình.
Bé có thể tự mình hoặc nhờ sự hỗ trợ của người khác để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Yếu tố quan trọng nhất của việc tự học là phẩm chất tò mò, ham học hỏi, ham tìm hiểu kiến thức ở bé.
5 nguyên tắc giúp trẻ rèn thói quen tự học:
1. Để trẻ tự xây dựng thời gian biểu
Thông thường, cha mẹ hay ép con vào một khuôn khổ nhất định do bản thân họ nghĩ ra, tuy nhiên liệu giải pháp đó có khả thi hay không? Ngược lại, vì quá bị ràng buộc nên nhiều trẻ có biểu hiện mệt mỏi, hay cáu gắt và đến một lúc nào đó, không bằng cách này hoặc cách khác, trẻ cũng sẽ cố gắng tìm cách thoát ra sự ràng buộc đó.
Vậy tại sao bạn lại không để trẻ tự do xây dựng thời gian biểu? Đối với trẻ lớp 1, bé đã có thể tự xây dựng thời gian biểu cho mình, điều này sẽ giúp các bé tự chủ động hơn cho công việc của mình. Phụ huynh chỉ nên là người tư vấn giúp thời gian biểu đó hợp lý hơn mà thôi.
2. Điều chỉnh bài vở theo năng lực của trẻ
Để giúp trẻ tự học một cách hiệu quả, cha mẹ cần hiểu năng lực thực sự của con mình đã đạt được chuẩn kiến thức chưa? Nếu đã hoàn thành xuất sắc, cần tăng thêm bài tập ở nhà hoặc giải các bài nâng cao.
Trường hợp con bạn chưa đạt được chuẩn, không nên ép con học quá sức, cũng không nên giao nhiều bài tập mà chỉ tập trung vào những bài cơ bản nhất để trẻ tiếp thu được kiến thức.
3. Đừng từ chối hoặc cáu bẳn trước các câu hỏi của bé
Lứa tuổi mầm non và cấp 1, trẻ thường rất hiếu động và luôn hỏi các câu hỏi như vì sao, thế nào. Nhiều bậc phụ huynh vì quá bận công việc nên khi gặp những câu hỏi liên tiếp của con thì sinh bực mình, quát mắng con trẻ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng sợ hỏi của con bạn, khi đến lớp trẻ cũng sẽ không dám hỏi những vấn đề chưa hiểu với cô giáo.
Cha mẹ nên giải đáp mọi thắc mắc của con mọi lúc mọi nơi, không nên trả lời “không biết” đối với trẻ. Khi không tìm ra câu trả lời, cha mẹ có thể nói với con cùng mình đi tìm câu trả lời.
4. Nâng cao khả năng tự tìm tòi, học hỏi
Để rèn cho trẻ tinh thần tự giác học, trước hết, các bậc phụ huynh cần giải thích thế nào là tự học? Đó là cách chủ động tìm tòi, biết vận dụng những cái đã học vào cuộc sống, biết tham khảo cái của người khác để tìm ra cái của mình.
Một bài tập, phụ huynh có thể yêu cầu các bé giải nhiều cách khác nhau. Với nhiều câu hỏi, phụ huynh cũng nên yêu cầu bé giải đáp trước để kiểm tra xem cách nhìn nhận vấn đề của trẻ có đúng với thực tế hay không, sau đó phụ huynh mới diễn giải cho trẻ nghe ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
5. Cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội
Cha mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi dã ngoại cùng với gia đình hoặc với bạn bè để trẻ vừa thư giãn vừa học hỏi những kiến thức ngoài sách vở.
Cha mẹ cũng nên để trẻ trồng cây xanh, tham gia các lớp ngoại khóa để tăng kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng đội nhóm…