Sau khi trải qua quá trình mang thai và sinh nở, cơ thể người mẹ sẽ trải qua sự thay đổi cực kỳ lớn và cũng cần thời gian, điều kiện để hồi phục. Những điều đó không có nghĩa là mẹ chỉ nên nằm yên nghỉ ngơi trong suốt quãng thời gian sau sinh. Thay vào đó, 3 hoạt động dưới đây diễn ra càng sớm sẽ càng tốt cho bản thân người mẹ và em bé.
1. Cho bé bú sớm
Sau khi sinh, tuyến vú sẽ phát triển mạnh, xung quanh đầu vú sẽ có sữa tiết ra, việc làm sạch đầu và bầu vú là rất quan trọng, tránh vi khuẩn xâm nhập gây viêm đầu vú và viêm tuyến vú. Cho dù tạm thời chưa có sữa thì thai phụ cũng vẫn nên cho con bú để kích thích tiết sữa.
Cho bé bú sớm sau sinh vừa tốt cho mẹ vừa tốt cho bé.
Bên cạnh đó, cho bé bú sớm cũng giúp bé nhận được những dòng sữa non giàu dinh dưỡng. Sữa non chứa ít đường lactose, chất béo và các vitamin tan trong nước nhưng giàu protein gấp 10 lần sữa trưởng thành. Các vitamin tan trong chất béo hơn, gồm vitamin A cao gấp 2 lần sữa trưởng thành, vitamin E, vitamin K. Các chất khoáng như Fe, Zn... có nồng độ và hàm lượng cao nên sữa non là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất với bé sơ sinh, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu hóa, hấp thụ của bé.
Sữa non còn giàu các chất kháng thể tự nhiên, giúp trẻ sơ sinh chống lại nhiễm trùng, phòng ngừa các bệnh mãn tính, có chất chống oxy hóa chống lại bệnh ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường ngoài để phát triển khỏe mạnh. Trong sữa non của mẹ còn có rất nhiều ganglioside, yếu tố quan trọng để phát triển não ở trẻ và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.
2. Ăn uống sớm
Sau sinh, người mẹ phải ăn nhiều bữa, ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, ăn uống cân bằng đủ chất để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và thúc đẩy sự tiết sữa... Bên cạnh đó sau khi sinh con người mẹ cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng để phòng ngừa bệnh răng, miệng.
Bên cạnh đó, mẹ cũng hãy thoải mái uống nước, tránh tình trạng hạn chế uống nước vì sợ đi vệ sinh. Cơ thể vừa trải qua cơn chuyển dạ và "vượt cạn" đầy mệt mỏi sẽ rất cần bổ sung nước.
3. Vận động sớm
Sản phụ sinh đẻ thuận lợi, sau 6-8 giờ đã có thể tự ngồi dậy, ngày hôm sau đã có thể đi lại được. Ra khỏi giường vận động sớm có thể thúc đẩy sự hồi phục của cơ thể, giúp khí huyết lưu thông, có lợi cho việc co bóp và trở về vị trí cũ của tử cung, đưa máu đẻ thoát ra ngoài, từ đó giảm khả năng nhiễm khuẩn phòng ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu, gia tăng công năng đường ruột tránh táo bón...
Tập đi lại, vận động sau sinh thường hay sinh mổ đều rất cần thiết. (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó sau khi sinh con, nên thay đổi tư thế nằm liên tục, nhất là nằm nghiêng vừa có thể tránh tử cung bị lệch về sau mà còn có lợi cho việc thoát máu đẻ ra nhanh. Những người phải mổ đẻ, sau khi đã nằm bất động 8 tiếng thì có thể trở mình nằm nghiêng, sau mổ 24 giờ là đã có thể ngồi dậy, sau 48 giờ có thể ra khỏi giường đi lại nhẹ nhàng và bắt đầu cho con bú. Vận động sớm sau khi mổ có thể giảm bớt nguy cơ dính ruột. Vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng, sức khỏe của mình, không vận động gắng sức ngừa giãn thành âm đạo, hoặc sa tử cung.