Thời gian gần đây xuất hiện những vụ việc thương tâm của các em học sinh đến mức quá khích rồi tự tử. Sau những vụ việc thương tâm này hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng. Họ nghĩ rằng họ biết rất rõ về đứa trẻ, nhưng họ hoàn toàn không biết về đứa trẻ, hoặc họ chỉ hiểu những thứ hời hợt. Thực tế, nhiều trẻ hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng không thể vượt qua rào cản tâm lý, đa số trẻ thuộc nhóm có cảm giác an toàn thấp.
Chúng ta biết rằng trẻ em thường gắn bó chặt chẽ với bố mẹ ngay từ khi còn nhỏ, và sự gắn bó này được hình thành trong quá trình hòa thuận với bố mẹ. Khi lớn lên, điều trẻ cần không chỉ là được bố mẹ đáp ứng về đồ ăn, thức uống, mà còn đi cùng để bảo vệ an toàn về mặt tâm lý.
Tâm lý và tình cảm cũng giống như cơ thể của con người, nếu không điều chỉnh tốt sẽ dễ mắc bệnh, vậy nên những đứa trẻ đã hình thành cảm giác an toàn từ nhỏ thì khả năng miễn dịch về mặt tinh thần càng mạnh.
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng tự hỏi, bản thân luôn muốn dành những điều tốt đẹp cho con, nhưng nhiều trẻ vẫn chưa có được cảm giác an toàn, điều này được các chuyên gia lý giải có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây.
Vì sao nhiều trẻ hiện nay thiếu cảm giác an toàn?
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cảm xúc, trạng thái tinh thần và giọng điệu của bố mẹ khi giao tiếp đều ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của con cái. Đặc biệt có 3 điều sau đây có thể phá hủy cảm giác an toàn của con, bố mẹ nên chú ý.
Bố mẹ thường xuyên tranh cãi
Nguyên nhân đầu tiên có thể xuất phát từ việc trẻ sống trong môi trường gia đình căng thẳng. Trong gia đình kiểu này, bố mẹ thường xuyên bất hòa, xảy ra tranh cãi trước mặt con.
Một nghiên cứu cho thấy, trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những cuộc tranh cãi của bố mẹ. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy không chỉ trẻ con bị ảnh hưởng tiêu cực nếu thấy bố mẹ bất hòa mà kể cả trẻ vị thành niên (dưới 19 tuổi) cũng rất nhạy cảm với những vấn đề xảy ra trong hôn nhân của cha mẹ.
Nhiều trẻ hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng không thể vượt qua rào cản tâm lý.
Điều đó chứng tỏ, ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến trưởng thành, trẻ em sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân.
Cha mẹ bất hòa khiến trẻ cảm giác thiếu an toàn ngay trong chính căn nhà của mình. Trẻ phải đối mặt với những câu hỏi rằng khi nào thì cha mẹ mình sẽ ly hôn, bao giờ thì những "cuộc chiến" như này sẽ kết thúc, và luôn lo sợ trước những trận ẩu đả "không được báo trước".
Bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái
Nếu trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ, tình trạng này xảy ra thường xuyên dễ dẫn đến việc trẻ nhạy cảm hơn.
Một đứa trẻ khi được quan tâm, săn sóc và gần gũi sẽ cảm thấy mình có giá trị và đáng được thương yêu. Nếu thiếu điều này, khi lớn lên trẻ có thể gặp khó khăn trong việc kết nối với xung quanh, thậm chí ngay cả với người thân của mình.
Thiếu sự chăm sóc từ người khác còn dẫn tới cảm giác gượng gạo trong những hoạt động tương tác về cơ thể ở đứa trẻ, hoặc lại có khả năng làm tăng nhu cầu đòi hỏi gần gũi.
Bố mẹ thường xuyên cãi nhau trước mặt con là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thiếu cảm giác an toàn.
Bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục quá nghiêm khắc
Khi giáo dục con cái, nhiều bố mẹ thích dùng quyền lực của mình khiến cho trẻ sợ hãi, buộc trẻ phải ngoan ngoãn, nghe lời.
Khi bị quát mắng, một số trẻ sẽ cúi gằm mặt, không khóc cũng không nói gì. Việc trẻ cố gắng che giấu cảm xúc của bản thân, thường xuyên bị la mắng như vậy khiến trẻ cảm thấy mình như một thành phần thừa thãi trong gia đình.
Khi lớn lên, một lời nhận xét vô tình, một ánh mắt liếc nhìn của người khác cũng có thể khiến trẻ cảnh giác quá mức và nghi ngờ mọi thứ.
Vậy bố mẹ làm thế nào có thể giúp trẻ xây dựng cảm giác an toàn, sống hạnh phúc hơn?
Thực tế, cảm giác an toàn xuất phát từ tình yêu thương bền vững và lành mạnh của bố mẹ dành cho con trong thời thơ ấu, và được xem là một nhu cầu tâm lý cao hơn cả ăn uống.
Bầu không khí gia đình hòa thuận cho phép trẻ có được sự thỏa mãn về mặt tinh thần, luôn duy trì tâm trạng vui vẻ và do đó có được cảm giác an toàn hơn.
Đối với việc làm thế nào có thể giúp trẻ xây dựng cảm giác an toàn và sống hạnh phúc hơn, bố có thể bắt đầu từ các khía cạnh sau:
Tạo không gian sống độc lập cho trẻ
Nhiều chuyên gia cho biết, cảm thức tự do của mỗi người được hình thành ngay từ bé, đó không chỉ là một không gian sống riêng tư mà còn là muốn được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
Do đó, mặc dù bố mẹ luôn muốn bên yêu thương, bảo bọc nhưng cũng cần giúp trẻ xây dựng cuộc sống độc lập, tôn trọng cả về thể chất và tinh thần.
Môi trường sống lành mạnh, ý thức độc lập cao là tiền đề thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho trẻ, giúp gắn kết tình cảm thương yêu trong gia đình tốt hơn.
Tạo bầu không khí gia đình gần gũi, yêu thương
Không khi gia đình luôn vui vẻ, gần gũi là phương cách tốt nhất tăng cảm giác an toàn, giúp trẻ sống hạnh phúc hơn.
Trong những trường hợp trẻ gặp phải điều gì đó sợ hãi, bối rối, lo lắng, bất ổn… sự xuất hiện của bố mẹ ở bên cạnh để động viên, an ủi, khích lệ và chia sẻ sẽ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển về bản lĩnh tự tin, linh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ.
Đồng thời, điều này sẽ giúp trẻ có sự chuẩn bị tốt cho cuộc sống đầy biến đổi sau này.
Sự đồng hành và gần gũi của bố mẹ là tiền đề tốt giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ
Bố mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ trên cơ sở bình đẳng và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình.
Hãy tạo cho trẻ một môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, cùng trẻ thực hiện nhiều trò chơi khác nhau, các hoạt động thể thao, đọc sách hay trò chuyện nhiều hơn với con về các chủ đề nhẹ nhàng, v.v., có thể khiến trẻ cảm thấy thư thái và hạnh phúc.
Cách tốt nhất là bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện thẳng thắn với con, điều này giúp trẻ dễ dàng chia sẽ những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư.
Mục đích là để con cái cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bố mẹ, để trẻ hiểu rằng bố mẹ luôn đồng hành và yêu thương mình.
Rèn luyện tính độc lập và khả năng giải quyết vấn đề cho con
Rèn luyện tính độc lập và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ có thể mang lại cho trẻ nhiều khả năng kiểm soát và cảm giác thành đạt, khi có đủ hai điều kiện này, trẻ sẽ có cảm giác an toàn, có dũng khí để đối phó với những thử thách trong cuộc sống .
Xét cho cùng, nếu một đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn, điều đó thường liên quan nhiều đến phong cách nuôi dạy con cái. Do đó, bố mẹ nên chú ý hơn trong việc giáo dục và đồng hành cùng con.
Hãy tạo cho trẻ một môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, cùng trẻ chơi các hoạt động thể thao, đọc sách hay trò chuyện nhiều hơn.