Sau sinh mổ, cơ thể cần một khoảng thời gian hợp lý để vết mổ ở tử cung trong lần mổ trước đó bình phục và sức khỏe của người mẹ cũng được đảm bảo trong lần mang thai kế tiếp. Theo đó thời gian có thai lại sau khi sinh mổ được các bác sĩ khuyến cáo là ít nhất khoảng 2 năm bởi việc mang thai sớm quá sau sinh mổ sẽ bất lợi cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, chị Thu Trang ở Hà Nội lại sinh mổ liên tiếp 3 lần trong 4 năm. Vì vậy mỗi lần mang bầu với chị đều có vô vàn kỷ niệm và khó khăn.
Chị Thu Trang và tổ ấm nhỏ của mình.
Mang bầu nằm bất động như ngồi trên đống lửa
Hiện nay, tổ ấm nhỏ của chị Trang đang có 3 bé, một bé đầu sinh năm 2018, bé thứ 2 sinh năm 2020, bé thứ 3 sinh năm 2021. Nói về lý do sinh 4 năm 3 bé, chị Trang cười cho biết, đó là vì vỡ kế hoạch. Mặc dù sức khỏe yếu, mỗi lần mang bầu gia đình vô cùng lo lắng vì lúc nào cũng phải túc trực xách vali lên viện nhưng khi nhận tin vui, vợ chồng chị vẫn vui vẻ đón nhận.
“Vợ chồng mình trẻ nên mỗi lần biết có thêm thành viên mới là vui, hạnh phúc cười không khép được miệng. Lúc nào vợ chồng mình cũng tính sẽ đẻ con trai hay con gái, đẻ bao nhiêu con. Tuy nhiên chồng mình cũng không khỏi lo lắng vì biết cơ địa vợ yếu. Lúc bầu bé thứ 3, chồng mình nhất định không cho giữ lại vì lo lắng vợ không may bục vết mổ”, chị Thu Trang chia sẻ.
Hai bé lớn nhà chị.
Kể về hành trình mang bầu, chị Thu Trang cho biết, cả 3 lần mang bầu của chị rất gian nan vì cơ địa yếu nên bầu bé nào cũng vất vả. Chị hay bị dọa sảy, tiểu đường thai kỳ và rất nhiều nguy cơ.
Không chỉ vậy, chị không ăn được nhiều vì bị chán ăn nên chỉ ăn hoa quả và thịt, còn ăn cơm mỗi bữa chỉ ăn nửa bát. Vì vậy, 3 lần mang bầu chị chỉ tăng 3-4kg. Nếu như mọi người có bầu dày sau sinh mổ, bác sĩ đều khuyên ăn ít để không bị bục vết mổ thì chị đi khám lần nào bác sĩ cũng bảo phải ăn nhiều để còn lấy sức đi đẻ.
“Mỗi lần mang bầu ông bà nội ngoại lo lắng nhiều lắm. Lúc nào cũng phải túc trực bên mình vì hễ mình kêu đau là xách vali lên viện ngay. Mọi người hay trêu bảo mình ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Cũng may có chồng và bố mẹ chồng chăm sóc nên tâm lý của mình thoải mái, đỡ lo về thai kỳ. Mang bầu bé thứ 3, mẹ chồng mình chăm 2 bé lớn giúp mình rồi kiêm luôn đầu bếp. Hôm nào mẹ cũng cơm nước mọi thứ cho mình nghỉ ngơi. Trộm vía mình bầu vất vả nhưng bù lại được gia đình yêu thương chăm sóc, lo lắng từng li từng tí”, chị Trang nhớ lại.
Bé thứ 3 chị mang bầu vô cùng nguy hiểm, ai cũng khuyên nên bỏ thai nhưng chị vẫn quyết giữ bé lại.
Trong 3 lần mang bầu, chị Trang nhớ nhất bé thứ 3 vì chị bị vỡ kế hoạch khi bé thứ 2 mới có vài tháng tuổi. Thời điểm đó mọi người rồi bác sĩ đều khuyên chị bỏ thai vì nếu giữ em bé thì 89% chị sẽ bục vết mổ hoặc bục tử cung bởi chị sinh mổ 2 lần, tử cung khá mỏng. Chị đi đến khám bác sĩ nào cũng khuyên phải bỏ nhưng nghĩ con cái là lộc trời cho nên chị vẫn quyết định giữ, mặc kệ sự ngăn cản của mọi người.
Bầu bé thứ 3 chị cũng vất vả nhất. Khi mang bầu được 12 tuần, bác sĩ lại một lần nữa khuyên chị bỏ thai vì thai thấp quá sợ sẽ sảy thai không giữ được. Thế nhưng khi nghe tim thai, nhìn con lớn rồi chị lại càng muốn giữ, không thể bỏ được. Chị cố gắng nằm im một chỗ giữ thai và nằm bất động suốt trong thai kỳ. Đến khi bé được 14 tuần, chị phải khâu cổ tử cung để giữ bé. Ngày nào chị cũng phải tiêm thuốc giữ thai. Đến bây giờ chị cũng không nhớ nổi đã tiêm và uống bao nhiêu loại thuốc. “Bé càng ngày càng lớn nguy cơ sảy thai lại càng cao. Không biết bao nhiêu lần mình vào viện cấp cứu vì em bé đòi ra”, chị Trang cho hay.
Nổi tiếng cả viện vì đi sinh trong tình trạng sắp bục tử cung
Được biết, cả 3 bé chị Trang đều sinh non khoảng 35 tuần. Nhớ lại kỷ niệm đi sinh 3 bé của mình, chị Trang kể, bé đầu được 35 tuần 3 ngày là chị sinh bé vì bé bị vỡ ối on. Lần đầu đi đẻ chị khá bỡ ngỡ khiến cả nhà dở khóc dở cười. “Mình bị vỡ ối nhưng mình không biết, mình vẫn đợi ở nhà đến khi ra viện thì đã cạn ối suýt thì ngạt bé. Mình sinh mổ bé nặng 2,5kg”, chị Trang chia sẻ.
Hơn một năm sau, chị sinh bé thứ 2 vì gần bé đầu nên chị Trang bị dọa sảy nhiều, vết mổ khá mỏng. Chị lên bàn sinh bé trong tình trạng sắp vỡ tử cung ở tuần thứ 35. Ca sinh của chị vô cùng nguy kịch nên chị đi sinh cả viện ai cũng biết.
“Mình sinh bé thứ 2 ở bệnh viện tư ở Hà Nội, bé nặng 2,3kg. Hôm trước đẻ mà hôm sau cả viện biết mình là ai luôn vì mình cấp cứu trong tình trạng sắp bục tử cung. Đến viện cái là lên bàn mổ luôn, còn không kịp lấy máu xét nghiệm. Bác sĩ còn trêu “Nói dở hôm nay em có làm sao thì mai cả viện bị kỉ luật vì em”, chị Trang cười.
Chị đi đẻ bé thứ 2 nổi tiếng cả viện.
Đi đẻ bé thứ 3, chị Trang lên bàn mổ cũng trong tình trạng còn một chút nữa là bục vết mổ. “Bé thứ 3 mình cố giữ đến 35 tuần 3 ngày thì mình đau bụng quá, bố mẹ với chồng đưa đi cấp cứu thì phải lên bàn mổ mổ gấp luôn. Bác sĩ bảo “ui trời vết mổ còn tí nữa là bục rồi mà cứ ở nhà, lì thật. Bé thứ 3 chào đời nặng 2,4kg”, chị Trang tâm sự.
Bé thứ 2 nhà chị làm mẫu nhí và đã có thu nhập riêng đóng học, mua sữa cho 3 anh em.
Vì cả 3 bé đều sinh non, nhẹ cân nên mới đầu chị Trang chăm bé cũng khó khăn chút. Trộm vía các bé đều ăn ngoan, ngủ ngoan, nên chị cũng đỡ vất. Chị nuôi con khá nhàn. Bé thứ 3 nhà chị giờ đã được 9 tháng tuổi. Hai bạn lớn tự ăn tự uống chơi ngoan đi lớp hết nên chị nhàn hơn. Bé thứ 2 làm mẫu nhí còn kiếm được tiền học với tiền sữa cho ba anh em. Hiện nay, thu nhập trung bình mỗi tháng của bé được khoảng 4 triệu, với những tháng nhiều show thì thu nhập khoảng hơn 10 triệu. Đối với chị, sau bao khó khăn vất vả, nhìn thấy các con khôn lớn mỗi ngày đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất.