Hầu như trong ký ức mỗi người, ít nhất một lần ám ảnh về những câu nói đùa từ thời tuổi thơ, đôi khi là câu nói đùa của bác hàng xóm, khi thì câu nói đùa của người lạ, và có cả những câu của chính bố mẹ mình.
Người lớn thường bao biện rằng sử dụng những câu nói đùa chỉ để dọa trẻ khi không chịu nghe lời, khi con hư hay là không chịu ăn... Đa số mọi người nghĩ đơn giản là trẻ con sẽ nhanh chóng quên đi những lời nói đó, còn hiện tại, bọn trẻ sẽ biết sợ, biết nín khóc, biết chịu ăn, ngoan ngoãn hơn... Vậy nên người lớn vẫn thường xuyên sử dụng cách này như là phương pháp dạy con.
Tuy nhiên, tâm trí của trẻ nhỏ nhạy cảm hơn chúng ta tưởng, trẻ có thể sẽ ghi nhớ những câu nói đùa tưởng chừng vô hại đó. Đặc biệt đối với những trẻ từ 3 - 6 tuổi, đây là lứa tuổi chưa đủ sức phân biệt những câu đùa hay một lời nói mỉa mai, vậy nên việc trẻ thường xuyên bị chê bai, giễu cợt sẽ khiến trẻ dễ dàng rơi vào trạng thái bùng nổ cảm xúc tiêu cực, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và hành vi của trẻ về sau.
Dưới đây là những câu nói đùa phổ biến mà người lớn thường hay sử dụng, mẹ nên xem để có thể điều chỉnh và giúp con phát triển tâm lý, thể chất lành mạnh hơn.
“Bố mày đi lấy vợ khác rồi, không về với mày nữa đâu”
“Bố mày đi lấy vợ khác rồi, không về với mày nữa đâu” hay “Mẹ mày bỏ mày đi lấy chồng khác rồi" là một trong những câu nói được nhiều người sử dụng thường xuyên, mục đích để được đưa ra dọa dẫm khi đứa trẻ khóc quấy đòi bố hoặc mẹ trong trường hợp bố hoặc mẹ đang đi vắng còn trẻ đang được người khác trông.
Đôi khi người lớn nghĩ rằng đây chri là câu nói đùa cho vui nhưng trẻ con rất dễ hiểu đó là sự thật, có tâm lý lo sợ hoang mang vì nghĩ bố mẹ sẽ thật sự không trở về nữa.
“Bố mẹ nhặt con về từ thùng rác, con chỉ là con nuôi thôi”
Đây là một trong những câu đùa cho vui của bố mẹ có tính sát thương lớn nhất đến trẻ. Nhiều đứa trẻ sec cảm thấy sợ hãi và hoài nghi về xuất thân hay số phận của mình.
Vậy nên, nếu trẻ thường xuyên bị bố mẹ trêu đùa, trẻ có thể sẽ sinh ra tâm lý tự ti, nghi ngờ về xuất thân của mình, thậm chí còn nghĩ rằng mình có thể bị bỏ rơi vào một ngày nào đó.
Chỉ một lời quát mắng của bố mẹ cũng khiến cho bé sợ hãi và cho rằng bố mẹ không thương mình. Nỗi ám ảnh không chỉ xuất hiện ngay lúc đó mà còn có thể kéo dài tới mãi về sau, khi trẻ đã trưởng thành không tốt cho tâm lý của trẻ.
“Không ăn nhanh là mẹ gọi công an đến bắt đi đấy nhé!”
Lấy chú ông an ra làm "bình phong" để dụ dỗ trẻ ăn là cách mà nhiều bố mẹ đã áp dụng, điều này vô tình gây ra nỗi ám ảnh, sợ hãi mỗi khi trẻ nhìn thấy chú công an.
Nhiều người lớn vì muốn trẻ con nghe lời nên hay tìm những lời hăm dọa vô căn cứ này có thể khiến trẻ không dám vòi vĩnh trong chốc lát, nhưng về lâu về dài lại làm cho trẻ ám ảnh, tác động tiêu cực tới tâm lý, tính cách của trẻ.
Một số trẻ không tin vào lời hăm dọa này thì việc đưa ra những hình phạt cũng chỉ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh lì đòn và khó dạy hơn.
“Con gì mà chẳng giống bố. Hay là con của bác hàng xóm?”
Đây là câu nói đùa phổ biến mà ít nhất một lần chúng ta được nghe của những người hàng xóm, một câu nói bông đùa “kém duyên” nhưng có thể tạo ra nỗi ám ảnh suốt cả thời ấu thơ của một đứa trẻ.
Thực tế, Trẻ nhỏ không thể hiểu hết sự bông đùa trong lời nói, chúng chỉ nảy sinh tâm lí bối rối, lo lắng có điều gì đó không bình thường, ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai bố con.
“Con mà hư là mẹ đem ra chợ bán ngay đấy nhé!”
Người lớn rất hay có thói quen hù dọa để bắt trẻ phải vâng lời. Những câu nói như: “Con mà hư là mẹ đem ra chợ bán đấy" hay "Không nghe lời nữa là mẹ cho bác hàng xóm nuôi" sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, hay nghi ngờ về tình thương mà mẹ dành cho chính mình.
“Mẹ có em bé mới, chuẩn bị ra rìa nhé!”
Có lẽ 10 đứa trẻ Việt Nam khi mẹ sinh thêm em bé mới thì 9 trẻ đã từng nghe câu nói này. Thay vì động viên, khuyến khích trẻ biết yêu thương, chào đón em bé nồng nhiệt thì với kiểu nói này, người lớn lại vô tình làm trẻ chán ghét, ganh tị với em vì sợ hãi rằng mình sẽ bị bố mẹ bỏ rơi.
Bố mẹ sử dụng những câu nói đùa với trẻ có thể làm cho không khí gia đình vui vẻ, trêu bé và giúp trẻ bắt đầu tiếp xúc với những câu nói hóm hỉnh, mở rộng vốn ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ mắc sai lầm khi có những câu nói đùa làm tổn thương trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Trên đây là những câu nói đùa mà đôi khi bố mẹ vô tình không nhận ra, mẹ có thể xem qua để điều chỉnh và tìm phương cách biểu đạt tình cảm với con tốt hơn.