Bác sĩ BV Nhi chỉ cách phân biệt sốt, đau đầu thông thường với sốt, đau đầu do viêm não

Để trẻ viêm não không để lại di chứng nặng nề, phụ huynh cần phải đánh giá dấu hiệu ban đầu để không bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết đây là thời điểm bệnh viêm não vào mùa nên phụ huynh cần đặc biệt chú ý phòng bệnh cho trẻ.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trung tâm ghi nhận 99 ca viêm não các loại, đáng chú ý trong đó đã ghi nhận những ca viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, có trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nặng, dù cứu được tính mạng nhưng khả năng để lại di chứng rất cao.

Tiến sĩ Lâm cho biết, sở dĩ trẻ được bố mẹ đưa đến muộn là do ban đầu hay nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác. Điển hình như trường hợp một bé trai 10 tuổi, quê ở Hải Dương mắc viêm não Nhật Bản đang nằm điều trị tại trung tâm, bị di chứng liệt nửa người. Ban đầu do phụ huynh nhầm lẫn trẻ bị đau đầu, viêm họng thông thường nên tự mua thuốc về uống, đến ngày thứ 3 khi trẻ có dấu hiệu nặng đưa đến viện thì đã hôn mê.

Một trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản bị di chứng liệt nửa người đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo tiến sĩ Lâm việc phát hiện và phân biệt các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm não so với các bệnh sốt, đau đầu thông thường là rất quan trọng. Trong khi đó dấu hiệu chẩn đoán viêm não cũng không quá khó để nhận biết.

Khi bị viêm não, trẻ thường có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng trên lại khác hoàn toàn so với sốt, đau đầu thông thường. Nếu trẻ sốt, đau đầu do cảm cúm thông thường thì uống thuốc sẽ đáp ứng trong ngày thứ 2 hoặc thứ 3.

Còn đối với sốt, đau đầu do viêm não trẻ ban đầu sốt nhẹ, sau đó sốt cao tăng dần đến rất cao. Kèm theo đó là biểu hiện đau đầu nhiều, cùng với đó là dấu hiệu ý thức lơ mơ, có thể xuất hiện các cơn li bì, ngủ gà, thậm chí là hôn mê. Triệu chứng rối loạn ý thức tùy vào mức độ khác nhau mà có thể đánh giá được trẻ đang mắc bệnh nặng hay nhẹ. Ví dụ, khi trẻ sốt cao, đau đầu, co giật, liệt khu trú (tay, chân, nửa người) thường sẽ để lại di chứng rất nặng nề.

Triệu chứng điển hình tiếp theo của viêm não đó là trẻ xuất hiện nôn. Nếu như sốt, đau đầu thông thường trẻ nôn thường gắn liền với các bữa ăn, uống nước, uống thuốc… Khi trẻ bị viêm não nôn thường không liên quan đến bữa ăn.

Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm não xác định được căn nguyên chiếm tỉ lệ khoảng 50-60%, còn lại hơn 40% không tìm được căn nguyên. Trong đó, có đến 20 đến 40% các trường hợp viêm não để lại di chứng. Trong đó nặng nề nhất là viêm não Nhật Bản và viêm não do Herpes. “Hiện viêm não do Herpes đã có thuốc kháng virus điều trị hiệu quả, trẻ đến viện sớm điều trị kịp thời thì hồi phục tốt, hạn chế tối đa biến chứng.

Còn đối với viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có vắc xin phòng bệnh. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi”, tiến sĩ Lâm cho hay.

Theo đó, lịch tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em 1-5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng:

- Lần 1: Khi trẻ đủ 1 tuổi

- Lần 2: 1-2 tuần sau lần 1

- Lần 3: 1 năm sau lần 2

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!
4.5/5
Bé trai liệt nửa người vì di chứng viêm não Nhật Bản: Dấu hiệu phụ huynh không được chủ quan
Theo Lê Phương (thoidaiplus.giadinh.net.vn)