Những ai từng trải qua sinh nở chắc hẳn đều có cho mình những câu chuyện đáng nhớ. Với nhiều chị em đó là giai đoạn thai nghén khủng khiếp hay cảm giác hoảng sợ khi phải đối diện với nguy cơ bệnh lý. Còn với chị Lưu Thị Hương (32 tuổi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), sự cố xảy ra ở tuần thứ 32 của thai kỳ đến tận bây giờ vẫn khiến chị rùng mình mỗi khi nhớ lại.
Chị Lưu Thị Hương bị liệt dây thần kinh số 7 ở tuần thai 32.
Sáng dậy soi gương thấy mặt bị méo xệch
Theo lời chị Hương, đây là lần mang thai thứ 2 của chị, quá trình mang thai chị không gặp phải bất cứ điều gì rắc rối. hoàn toàn khỏe mạnh và vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, khi thai bước vào tháng thứ 8, (tuần thai thứ 32) thì sự cố không may xảy ra.
Chị kể: “Sáng hôm đó sau khi thức giấc, mình đi đánh răng và soi gương thì thấy mặt bị méo xệch. Không chỉ méo mặt, mình còn thấy xuất hiện dấu hiệu khó chịu ở mắt, không sao chớp được, cố gắng nhắm mắt hay nhướn mày cũng không được, thậm chí là không khép được miệng. Lo sợ tình trạng hiện tại ảnh hưởng tới đến em bé trong bụng, ngay sau đó mình đã lập tức tới bệnh viện huyện kiểm tra và được bác sĩ kết luận bị liệt dây thần kinh số 7 khiến mặt bị liệt tạm thời”.
Hình ảnh chị Hương sau sinh.
Ngay sau khi có kết quả chị Hương được bác sĩ khuyên nhập viện để điều trị. Thế nhưng, sau 10 ngày vào viện, tình trạng méo mặt không những không đỡ mà còn trở nên nặng hơn, lúc này mặt chị bị châm cứu đến tím tái. Sau đó, chị chuyển sang điều trị tại một phòng khám tư nhân. Tại đây, chị Hương được điều trị bằng phương pháp châm cứu và hơ ngải cứu. Sau một tháng tích cực điều trị, sức khỏe của chị ổn định cho tới ngày sinh.
Sau sinh đúng vào dịp miền Bắc trở lạnh nên chị Hương đặc biệt lưu ý trong việc ở cữ, chị hạn chế tiếp xúc nước lạnh, tuyệt đối không ra gió. Nhớ lại quá khứ đáng sợ xảy ra với bản thân, chị Hương thấy đó là những ngày tháng khủng khiếp mỗi khi soi mình trong gương. Chị cảm thấy tự ti và không dám công khai bức ảnh chụp thời điểm mặt bị méo lệch, mắt trợn trừng.
Được biết, nguyên nhân chứng liệt dây thần kinh số 7 của chị Hương bị gây ra do trúng gió vì trước đó chị bật quạt ngủ cả đêm. “Mình nhớ lại buổi tối hôm trước khi bị méo mặt, đợt đó trời vẫn nóng nên mình có bật quạt suốt cả đêm để ngủ. Mình đoán là bị trúng gió do nằm quạt suốt cả đêm” – chị cho hay.
Mẹ bị liệt dây thần kinh số 7 không ảnh hưởng thai nhi
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Cao Cường – Khoa Sản - Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) |
Chia sẻ chuyên môn về tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ở phụ nữ mang thai, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Cao Cường – Khoa Sản - Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao liệt dây thần kinh số 7 do lạnh đột ngột.
Liệt dây thần kinh số 7 thường xảy ra vào lúc ngủ dậy sáng sớm, nhất là việc thay đổi đột ngột từ môi trường ấm ra gặp không khí lạnh bên ngoài. Thực tế đã có rất nhiều sản phụ chỉ sau một đêm ngủ dậy xuất hiện biểu hiện liệt mặt, méo miệng.
Theo chuyên gia Hồ Cao Cường, liệt dây thần kinh số 7 ở phụ nữ mang thai thường có những triệu chứng như khuôn mặt bị méo sang một bên, lệch nhân trung, méo miệng, không khép được miệng, mắt trợn trừng…
Nhiều chị em mang thai bị liệt dây thần kinh số 7 dẫn đến méo mặt, lệch miệng thường có tâm lý lo sợ em bé sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, liệt dây thần kinh số 7 khi mang bầu không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiện tượng này chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe của mẹ, cụ thể là vùng mặt.
Bác sĩ khuyến cáo, khi không may bị liệt dây thần kinh số 7 dẫn đến liệt mặt, méo miệng, sản phụ cần được chữa trị đúng cách và kịp thời, nếu chậm trễ có thể để ảnh hưởng đến quá trình điều trị, thậm chí còn để lại di chứng.
Sản phụ bị liệt dây thần kinh số 7 tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. “Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh gặp tình trạng liệt dây thần kinh 7, trong thời gian mang thai, chị em cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Việc sinh hoạt khoa học, bổ sung dưỡng chất đầy đủ giúp nâng cao sức đề kháng cho mẹ và cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé” – bác sĩ Cường nhấn mạnh.