Bé 9 tuổi nhập viện vì viêm loét dạ dày, bác sĩ cảnh báo hàng loạt nguyên nhân khiến các mẹ giật mình

Hiện tình trạng trẻ nhập viện do viêm loét dạ dày ngày càng gia tăng, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân ngoài vi khuẩn Hp thì còn do thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Bé Nguyễn Công Ngân (9 tuổi, ở Hà Nội) khoảng 1 tháng nay xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, đau bụng nên được bố mẹ cho uống men vi sinh vì nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa. Sau khi uống, cơn đau thượng vị của bé vẫn thường xuyên xảy ra, kèm ợ hơi, ợ chua, chán ăn.

3 ngày gần đây, bé Ngân đau bụng nhiều hơn nên bố mẹ đã đưa con đi khám. Khi khai thác tiền sử, làm các xét nghiệm, chụp chiếu lâm sàng, nội soi dạ dày-tá tràng, các bác sĩ phát hiện thực quản bé có vết trợt dưới 5mm, dạ dày niêm mạc phù nề, xung huyết, hang vị có ổ loét kích thước 1,5cm, bờ  cong phù nề…

Test nhanh vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) cho kết quả dương tính. Ngoài ra, bé Ngân còn bị thiếu máu. Các bác sĩ kết luận bé Ngân bị loét hang vị dạ dày, HP dương tính, trào ngược dạ dày thực quản độ A.

Hình ảnh ổ loét trong dạ dày của bé trai 9 tuổi khi đi khám. 

Trước kết quả này, cả gia đình đều bất ngờ và lo lắng vì chưa bao giờ nghĩ con còn nhỏ đã bị loét dạ dày. “Tôi nghĩ bệnh đau dạ dày chỉ gặp ở người lớn, nên khi con có bất thường tôi vẫn chủ quan nghĩ đó là do ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa và chỉ cho uống men tiêu hóa. Không ngờ, viêm loét dạ dày còn gặp ở cả trẻ nhỏ như con tôi”, mẹ bé Ngân chia sẻ.

ThS.BS Dương Thị Thủy - Chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec), người thăm khám trực tiếp cho bé Ngân cho biết, hiện người bị viêm loét dạ dày đang ngày càng trẻ hóa, trong đó có nhiều trẻ nhỏ. “Qua thăm khám thực tế, bệnh viện phát hiện nhiều trường hợp trẻ dưới 10 tuổi bị viêm loét dạ dày. Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới ung thư dạ dày”, bác sĩ Thủy cảnh báo.

Ngoài vi khuẩn HP, thói quen ăn uống không điều độ như bỏ bữa sáng, hay ăn đồ chua cay; hoặc áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống cũng gây viêm loét dạ dày. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ cần rất chú ý, vì vi khuẩn HP có thể lây qua một số thói quen hàng ngày như mớm đồ ăn cho trẻ, ăn chung bát đũa, đồ chấm...

Đồ ăn cay nóng có thể là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có những dấu hiệu dưới đây cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

- Biếng ăn, đặc biệt là nôn ói thường xuyên;

- Hay đau bụng;

- Đầy hơi, ợ chua, dễ nôn (trớ), khó tiêu;

- Da mặt xanh xao, sụt cân, hoặc tăng cân chậm;

- Đi ngoài phân đen, hoặc phân lẫn máu.

Để phòng bệnh, mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm ăn đầy đủ các bữa, đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc để quá đói; Bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, tránh các đồ uống chứa cồn, đồ chua cay...

- Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học: Thực hiện ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, duy trì giấc ngủ khoảng 7-8h mỗi ngày; Vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP nên lưu ý và đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bất; Tập thể dục thể thao mỗi ngày (tránh chạy, vận động mạnh ngay sau ăn);

- Tuân thủ thuốc uống điều trị theo đơn của bác sĩ: Việc uống thuốc bừa bãi, không theo chỉ định cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày, vì vậy cha mẹ lưu ý cho con uống theo đơn của bác sĩ kê với tên thuốc và liều lượng cụ thể.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Bé trai 3 tuổi đau bụng tưởng rối loạn tiêu hóa, đến viện phát hiện bệnh hiếm, dạ dày xoắn 180 độ