Hầu hết mọi người đều chủ quan khi bị muỗi đốt, nhưng mẹ bầu này lại suýt mất đi đứa con trong bụng sau vết đốt của loài côn trùng này. Cụ thể, chị Phương (sống ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đang mang thai ở tuần 38 và bị muỗi đốt ở bắp chân trái. Ban đầu, vết đốt muỗi cắn chỉ khiến chị bị ngứa ngáy và chị đã dùng tay gãi để giảm bớt cảm giác khó chịu đó và cũng chẳng để ý gì nhiều.
Nhưng 3 ngày sau, mẹ bầu bị đánh thức bởi cơn đau dữ dội. Lúc này, chị phát hiện bắp chân trái đã sưng tấy lên, vết muỗi cắn nổi đỏ thành một mảng lớn và sau đó chị phát sốt. Thấy vậy, người nhà nhanh chóng đưa thai phụ tới Khoa Sản của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em huyện Lâm Bình.
Chân của chị Phương sưng đỏ lên sau khi bị muỗi đốt.
Phó khoa sản là bác sĩ Phan Tuyết Quân đã trực tiếp thăm khám cho chị Phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, bắp chân trái của thai phụ sưng lớn, vùng da ở đó nóng, mềm và ửng đỏ, trong khi đó nhiệt độ cơ thể của chị lên tới 39,6 ℃. Chị được chẩn đoán mắc bệnh viêm quầng (một bệnh nhiễm khuẩn ở da và mô dưới da) ở chi dưới bên trái.
Không chỉ vậy, thai phụ lúc đó đang thở nhanh, tim thai đang ở mức 190-220 nhịp/phút, nhịp tim thai phẳng và có dấu hiệu của suy thai. Tình trạng lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc” vì nó có thể đe dọa tới tính mạng của thai nhi nên các bác sĩ quyết định mổ bắt thai khẩn cấp.
May mắn thay mẹ con chị đều bình an.
May mắn thay, ca mổ diễn ra suôn sẻ, một bé gái nặng 3kg mạnh khỏe chào đời. Sau một khoảng thời gian điều trị, sức khỏe của chị Phương cũng hồi phục và đã được xuất viện.
Bệnh viêm quầng là gì? Có phải muỗi là nguyên nhân gây bệnh?
Viêm quầng là do liên cầu tan huyết β xâm nhập vào mạch bạch huyết ở da hoặc niêm mạc, gây viêm cấp tính các mô xung quanh mạch bạch huyết. Bệnh này thường xảy ra ở cẳng chân và mặt, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở cẳng chân. Triệu chứng của bệnh là vùng da đó bị đỏ, sưng, nóng và đau ở chi dưới, kèm theo các triệu chứng khác như ớn lạnh, sốt và khó chịu.
Bị muỗi đốt không gây ra bệnh viêm quầng. Tuy nhiên, nếu bị muỗi đốt và làm trầy xước da thì vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập qua vùng da bị tổn thương, gây nhiễm trùng mô cục bộ và viêm nhiễm. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh nên tới bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.
Nguy cơ mẹ bầu gặp phải khi bị viêm quầng
Chu Siêu Ba, trưởng khoa phẫu thuật của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em huyện Lâm Bình cho biết, tình trạng mẹ bầu bị viêm quầng ở 3 tháng giữa thai kỳ là cực kỳ hiếm gặp. Tuy nhiên, một khi đã xảy ra thì tình trạng rất nghiệm trọng, thậm chí dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng,…gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu mắc bệnh này nên đi khám càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời.